Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - 11/10/2024 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Kinh tế tư nhân có bước phát triển về số lượng, tính trung bình trong hàng chục năm qua mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập, số vốn đăng ký hằng năm đạt trên 100 nghìn tỷ đồng. Đến nay chúng ta có gần 900 nghìn doanh nghiệp và khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, hiện nay khoảng 40% GDP (khu vực có tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực) và có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng.

98% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và li ti

Đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhiều năm vượt kinh tế nhà nước và kinh tế FDI.

Kinh tế tư nhân bắt đầu có tham gia liên kết mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Khu vực này góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, giải quyết công ăn, việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo trên diện rộng, giảm bớt bất bình đẳng xã hội, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Trong vài giai đoạn khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế dần nguồn vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: phần lớn các doanh nghiệp trong khu vực này là nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Vài chục năm trước chúng ta gọi đây là “hải đội thuyền thúng”, bây giờ đã khá hơn chút song không đáng kể, 98 % doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhiều doanh nghiệp li ti.

98% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và li ti.

Đáng lo nhất là số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản rất cao, đặc biệt là trong vài năm gần đây, cứ hơn một doanh nghiệp thành lập mới thì lại có gần một doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực này chậm được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế.

Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của khu vực FDI và thua xa nhiều nước trong ASEAN. (Giai đoạn 2022-2023, mỗi lao động chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; Thái Lan 64,8%; 79% của Indonesia. So với một số nền kinh tế có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 5,4% của Mỹ; 24,7% của Hàn Quốc và 59% của Trung Quốc). Hiệu quả kinh doanh còn hạn chế, chỉ 40% số doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi.

Cùng với đó, đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu của phần lớn các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Kinh tế trong nước (bao gồm cả tư nhân trong nước và các doanh nghiệp nhà nước) chỉ đóng góp 30% xuất khẩu, so với 70% của khu vực FDI.

Năng lực của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế: thiếu năng lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới. Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của khu vực tư nhân thấp. Theo vài nghiên cứu gần đây cho thấy năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu. Thu nhập bình quân lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân mặc dù có xu hướng tăng liên tục qua các năm, song vẫn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực, từ 3,4 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010 – 2021.

Nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân còn chưa phát triển như mục tiêu và kỳ vọng là do các nguyên nhân sau đây:

Nhận thức của hệ thống chính trị đối với kinh tế tư nhân mặc dù có sự thay đổi trên văn bản chính sách, pháp luật song vẫn còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong thực tế, nhất là trong so sánh với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nhiều khảo sát hàng năm đã cho thấy điều đó.

Về khung pháp luật, cơ chế, chính sách đã có nhiều thay đổi khá mạnh mẽ, mang thông điệp tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể thuộc khu vực này.

Chính sách cạnh tranh chưa hiệu quả, còn có sự không bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần kinh tế, sự khác biệt trong quá trình thực thi chính sách.

Chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế không lành mạnh vẫn còn chậm, bị động và thiếu hiệu quả.

Vài năm gần đây các chính sách hỗ trợ tài chính, tiền tệ đã có cải thiện đáng kể tuy nhiên nhìn suốt quá trình vẫn còn nhiều hạn chế về thể chế hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, từ khả năng tiếp cận vốn, sự bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế đến việc triển khai chậm, hạn chế hiệu quả của các chính sách này.

Về quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong triển khai các quy định, chính sách với hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tình trạng nói mà không làm, nói nhiều, làm ít, nói một đằng làm một nẻo rất phổ biến.

Cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu giảm thời gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ. Thủ tục còn rườm rà, trùng lặp, chồng chéo ở nhiều khâu. Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có chi phí kinh doanh cao.

Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng còn tùy tiện, chồng chéo, nhũng nhiễu, thiếu minh bạch. Tình trạng “bôi trơn” tuy có giảm dần (theo khảo sát của PCI) nhưng vẫn còn cao. Các doanh nghiệp tư nhân không thể, không muốn và không dám lớn do điều kiện về môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro, bất ổn. Tình trạng các doanh nghiệp sân sau lũng đoạn tại khu vực này gây sự hoài nghi cho số đông các chủ thể kinh doanh còn lại.

Tóm lại, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là khâu điều hành, thực hiện đã gây hậu quả rất đáng lo ngại. Đặc biệt là tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về môi trường kinh doanh giảm dần và tốc độ giảm nhanh trong thời gian gần đây cho thấy nếu không có những đột phá lớn, nguy cơ khu vực kinh tế này không thể đạt được các mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ là hiện hữu.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Nhiều quy định tiến bộ vẫn đang nằm trên giấy

Một câu hỏi đặt ra là “Liệu sự chồng chéo của hệ thống chính sách, những thay đổi bất cập của hệ thống pháp luật có phải là nguyên nhân dẫn đến điều này không?”.

Theo tôi đây cũng là một nguyên nhân lớn nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu nếu chúng ta xem xét chính sách, pháp luật từ góc độ hệ thống, cụ thể : Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp doanh (mục tiêu này đã không đạt được); đến năm 2025, có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đồng thời, đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt khoảng 55% và đến năm 2030, đạt khoảng 60%-65%; năng suất lao động tăng khoảng 4%-5%/năm.

Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.

Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công. “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP.

Để thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ đã ban hành gần chục Nghị định, các Bộ ngành đã ban hành hàng chục Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật quan trọng này. Cùng với việc thường xuyên sửa đổi, ban hành các luật khác có liên quan có thể nói đây là một nỗ lực xây dựng hoàn thiện về pháp luật môi trường kinh doanh cho các chủ thể SME nói chung, cho kinh tế tư nhân nói riêng.

Đặc biệt, từ hơn chục năm nay, cứ mỗi đầu năm mới, Chính phủ lại ban hành một Nghị quyết liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (các Nghị quyết 19 trước đây và các Nghị quyết 01 sau này) nhằm phát triển kinh tế. Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp vì các Nghị quyết này đã bao trùm hầu hết cách giải quyết các khó khăn vướng mắc trong cải cách môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, do việc thực hiện thiếu kiên quyết, đồng bộ, thiếu cá thể hóa trách nhiệm, thiếu cơ chế giải trình, thiếu giám sát chặt chẽ nên rất nhiều quy định tiến bộ này chỉ “nằm trên giấy”. Đây là một minh chứng rõ ràng về tính thiếu hiệu quả của việc thi hành pháp luật. Dù quy định của pháp luật vẫn còn rất nhiều điều phải bàn để đáp ứng ba tiêu chí là thống nhất, hợp lý và khả thi, việc thi hành các chính sách pháp luật rõ ràng là thiếu nghiêm túc, không hiệu quả, nhất là giai đoạn gần đây, tình trạng “án binh bất động”, “trên bảo, dưới không nghe”, đùn đẩy, né tránh là nguyên nhân chính chính khiến kinh tế nói chung, kinh tế khu vực tư nhân phát triển không đạt mục tiêu cũng như kỳ vọng.

Hệ thống hóa sửa đổi hệ thống pháp luật

Mục tiêu phát triển kinh tế nhà nước đã được ghi rõ trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ. Để phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững, theo tôi cần hệ thống hóa, sửa đổi, bổ sung và triển khai đồng bộ hàng loạt các chính sách, pháp luật hiện nay về chính trị, kinh tế, hành chính, lao động, nhân lực, giáo dục , môi trường, về hội nhập quốc tế và phòng vệ thương mại quốc tế, về khuyến khích đổi mới khoa học, công nghệ, sáng tạo, phù hợp với kinh tế số, kinh tế xanh, về quyền tài sản, quyền hợp đồng và giải quyết tranh chấp…

Nhiều quy định tiến bộ vẫn đang nằm trên giấy.

Những nội dung này không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến thể chế, không chỉ cho khu vực kinh tế tư nhân mà còn cho các khu vực kinh tế khác, liên quan đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong giới hạn của bài viết này, tôi thấy cần đặc biệt nhấn mạnh đến các điểm cơ bản dưới đây:

Một là, khi đã coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, cần phải xem xét để tiếp tục đặt câu hỏi “kinh tế tư nhân có phải là động lực chính để phát triển đất nước bền vững, hiệu quả?” Giải quyết điểm nghẽn nhận thức này sẽ giúp giải phóng các nguồn lực để đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới và hy vọng thoát các nguy cơ tụt hậu, thu nhập trung bình, chưa giàu đã già mà bài học thành công từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã cho thấy.

Hai là, kiên quyết triển khai có hiệu quả các giải pháp đã và đang được quy định trong các chính sách, văn bản pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân đồng thời phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với sự thay đổi về khoa học, công nghệ, thông tin cũng như các biến động địa chính trị hiện nay.

Trong đó, trọng tâm sẽ tập trung vào các giải pháp như quy định một Bộ phải chịu trách nhiệm chính theo dõi sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân với việc tổng hợp, báo cáo trung thực, chính xác, thường xuyên các số liệu doanh nghiệp đăng ký mới, rút lui khỏi thị trường, sô lao động thất nghiệp, số việc làm tạo thêm, đóng góp GDP, đóng góp ngân sách của khu vực này từ đó rút ra nguyên nhân thành công, thất bại trong các chính sách, pháp luật để có kiến nghị kịp thời.

Tiếp đó, giao cho các tỉnh (Bí thư, Chủ tịch) có trách nhiệm tổng kết, báo cáo, giải trình diễn biến hàng năm của khu vực kinh tế tư nhân, gắn với đó là các biện pháp tổ chức, hành chính để buộc các chủ thể này thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật đã ban hành.

Ngoài ra, giao cho các hiệp hội ngành hàng toàn quốc cùng với các Bộ chuyên ngành với VCCI rà soát các quy định liên quan đến các điều kiện kinh doanh nói riêng, môi trường kinh doanh nói chung để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển theo hướng ba giảm : thời gian, chi phí, thủ tục giấy tờ, ba tăng: tăng liên kết, tăng sáng tạo, tăng ESG ( môi trường, xã hội, quản trị).

Cùng với đó, giao cho VCCI phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, với các UBND tỉnh, thành phố cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chính phủ, các Bộ ngành, Tỉnh ủy, UBND sử dụng các số liệu trong các Báo cáo PCI, PAPI … để làm căn cứ trong việc ban hành chính sách, pháp luật, các quyết định điều hành, gắn kết quả cải thiện chỉ số PCI với việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp trung ương và địa phương.

Về phía Quốc hội, với chức năng giám sát việc thi hành pháp luật cần có các chuyên đề giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật phát triển kinh tế tư nhân bao gồm việc bảo vệ quyền tài sản, quyền hợp đồng, quyền được đối xử công bằng, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại, hành chính, hình sự mà một bên là các chủ thể của khu vực kinh tế tư nhân.

Cuối cùng, cần có các chương trình quốc gia tôn vinh, biểu dương các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, các hình thức liên kết công tư với khu vực này trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chúng.

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Tiêu điểm
(VNF) - Năm 1986, với tuyên ngôn “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, thực chất cốt lõi là cho phép kinh tế tư nhân phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT), công cuộc “Đổi Mới” đã tạo một bước ngoặt lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Tin khác