Lo ngại quy mô doanh nghiệp tư nhân đang giảm dần
(VNF) - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lượng sản xuất quan trọng của nền kinh tế với tinh thần khởi nghiệp được đề cao.
Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, hình thành và phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh đa ngành, và trở thành những tập đoàn quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước, lan tỏa trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như xây dựng, chế biến chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, vận tải, bất động sản, trong đó, có những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, và từng bước thành công tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế (như thương hiệu Vinamilk, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Masan, Tập đoàn TH, Sovico...
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân
Tại Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu Ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội...
Nhờ đó, khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định được vị thế, vai trò và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, đã đang trở thành động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cụ thể:
Thứ nhất, kinh tế tư nhân đóng góp lớn trong GDP và tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quyết định giúp nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong giai đoạn 2014-2023, khi khối lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước đã thay thế được nhiều mặt hàng nhập khẩu, giúp cải thiện tiêu dùng trong nước và tăng xuất khẩu.
Thứ hai, nguồn vốn của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế nguồn vốn đầu tư công, trong bối cảnh hướng tới hạn chế nợ công và nợ nước ngoài, giúp củng cố độc lập tự chủ về kinh tế của đất nước. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đầu tư tư nhân đóng góp 58% cho tăng trưởng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2023 chỉ chiếm 51,2%), trong khi khu vực công là 10,45% và khu vực FDI chiếm 26,9%.
Thứ ba, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, với tỷ trọng ngày càng tăng trong giai đoạn 2014-2023. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (không kể phần thuế thu nhập cá nhân) đã tăng từ 16,8% năm 2014 (năm 2011 chỉ chiếm 11,7%) lên mức kỷ lục 22,1% năm 2021. Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân đã vượt khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI.
Thứ tư, kinh tế tư nhân góp phần quan trọng đối với an sinh xã hội, giải quyết lao động việc làm, khi là khu vực tạo ra nhiều việc làm mới. Theo Sách trắng doanh nghiệp 2023, (i) Đến hết năm 2022 cả nước có trên 786 nghìn doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động (chiếm khoảng 98% tổng số trên 800 nghìn doanh nghiệp).
Trong đó có 93,8% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 3,53% là doanh nghiệp quy mô vừa và 2,62% là doanh nghiệp lớn. (ii) Lực lượng lao động đang trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm đa số lực lượng lao động và ngày càng tăng; hiện chiếm khoảng 82,6% tổng số lao động cả nước.
Giai đoạn 2014 - 2021, tuy tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên của khu vực tư nhân đã giảm dần từ 86,1% năm 2014 xuống còn 82,6% năm 2021, nhưng khu vực này vẫn giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động của nền kinh tế. (iii) Tốc độ tăng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân và FDI giai đoạn 2014-2021 đạt trung bình 4,8%/năm, riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm gần 5,3%/năm.
Thứ năm, khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia; được ghi nhận trong nước và quốc tế, với nhiều tập đoàn tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao; từng bước tham gia liên kết, mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu thông qua liên kết dọc với khu vực FDI.
Quy mô doanh nghiệp tư nhân đang giảm dần
Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế Việt Nam như nêu trên, nhưng đối chiếu với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bao gồm:
Thứ nhất, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (52%, năm 2022), nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng trong GDP cơ bản không thay đổi suốt giai đoạn 2014–2023 (dao động trong khoảng 51,2-52%), trong khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây và chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 45/NQ-CP đề ra (đến năm 2025 đóng góp 55% GDP và năm 2030 đóng góp 60-65% GDP).
Các đơn vị kinh tế tư nhân trong nước có quy mô nhỏ với thành phần chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các DN nhỏ và vừa chỉ đóng góp khoảng 9% GDP. Số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động hiện chưa đạt mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (số liệu mới nhất tính đến 31/12/2022 chỉ đạt 895,9 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động) do tỷ trọng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, thua lỗ và phá sản vẫn ở mức cao so với số lượng các doanh nghiệp thành lập mới.
Thứ hai, các chủ thể kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân phần lớn (93,8%) thuộc nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể chiếm chủ yếu, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý (phần lớn vẫn hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ), thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.
Chỉ có 2,62% là doanh nghiệp lớn (đáp ứng tiêu chuẩn là đại lý cấp 1 của các FDI), và 3,53% là doanh nghiệp vừa (đáp ứng tiêu chuẩn là đại lý cấp 2 hoặc 3 của chuỗi cung ứng). Nếu phân theo quy mô về số lao động, năm 2021 có tới 69,3% (tỷ lệ này năm 2014 là 63%) doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô dưới 10 lao động (so với tỷ lệ khoảng 30% ở khu vực FDI và khoảng 7,7-13,4% ở khu vực doanh nghiệp nhà nước); chưa tới 1% số doanh nghiệp tư nhân có quy mô từ 200 lao động trở lên.
Hơn nữa, quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang giảm dần (trung bình 30,9 lao động/ doanh nghiệp năm 2014 còn 22,3 lao động/ doanh nghiệp năm 2021, nếu tính riêng khu vực tư nhân, quy mô trung bình chỉ 13 lao động/ doanh nghiệp), dẫn đến khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các doanh nghiệp của tư nhân còn hạn chế.
Chỉ khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Khu vực kinh tế trong nước (bao gồm cả tư nhân trong nước và các doanh nghiệp nhà nước) chỉ đóng góp 30% xuất khẩu, so với 70% của khu vực FDI.
Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất trong khu vực và toàn cầu. Sức chống chịu của doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bởi ảnh hưởng của đại dịch và các cú sốc từ bên ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chưa có thương hiệu toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong thị trường khu vực và thị trường thế giới.
Thứ ba, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân chậm được cải thiện; năng lực của kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: (i) Khu vực doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ số doanh nghiệp thua lỗ cao; (ii) Năng suất lao động xã hội của khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế.
Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và bằng 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI. (iii) Thu nhập bình quân khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực, từ 4,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2014 - 2021, bằng khoảng 55 - 82,15% so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và 76 -90,1% so với khu vực FDI. (iv) Các doanh nghiệp tư nhân thiếu năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, quy trình sản xuất mới.
Theo WB (2023) chi phí cho R&D của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 0,4% GDP xếp thứ 66/132 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới; (v) Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của khu vực tư nhân còn rất hạn chế, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp.
Thứ tư, vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại... diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Một số doanh nghiệp tư nhân báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài, không đảm bảo lợi ích của người lao động, nợ BHXH. Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa doanh nghiệp tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm” gây ra hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin.
Những điểm hạn chế trên có một phần xuất phát từ quản lý Nhà nước về kinh tế, như: hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn bất cập, thiếu đồng bộ; Môi trường đầu tư - kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; hệ thống pháp luật chưa có thực sự đồng bộ, nhất quán và hay thay đổi; Cơ chế thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và hộ kinh doanh đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, bài bản; Nhà nước chưa có quy hoạch tổng thể về hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ cho từng ngành sản xuất, từng lĩnh vực xuất khẩu, nên các doanh nghiệp còn hoạt động rời rạc, thiếu liên kết, thiếu sức mạnh tổng hợp.
Nguyên nhân chủ quan từ phía khu vực tư nhân bao gồm: (i) các doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư cho phát triển công nghệ, chuyển đổi số và nghiên cứu tiến bộ khoa học, kỹ thuật (đầu tư <1% vốn chủ sở hữu), do đó khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia chủ yếu ở công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng thấp; (ii) doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi liên kết toàn cầu chủ yếu theo các liên kết ngược hơn là liên kết xuôi, chịu sự chi phối đáng kể từ các nhà cung cấp đầu vào quốc tế hơn là trở thành mắt xích cung ứng đầu vào cho các công đoạn sau của các chuỗi sản xuất (45% nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được nhập từ bên ngoài).
Liên kết xuôi năm 2015 của Việt Nam chỉ chiếm 11,1% (giảm từ 14,5% năm 2005 và 12,5% năm 2010) trong khâu cung ứng một số nguyên liệu thô (dầu thô, than đá, nông sản thô) cho các nước thực hiện khâu tinh chế; (iii) Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện đang cạnh tranh trực tiếp với nhau, chưa liên kết thành hệ sinh thái để cùng cộng sinh khi vươn ra thị trường quốc tế, do tư duy, tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân còn hạn chế và do cơ chế, chính sách của Nhà nước trong phân phối nguồn lực phát triển cho các doanh nghiệp; (iv) Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân như thế nào?
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 45/NQ-CP, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương:
Thứ nhất, thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo đúng Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 45/NQ-CP đã đề ra: (i) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, ; (ii) Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; (iii) Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, tín dụng, v.v.) của kinh tế tư nhân; (iv) Tiếp tục hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; và (v) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, có định hướng, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân. Thành lập những kênh thông tin, tư vấn giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khu vực tư nhân tiếp cận những báo cáo nghiên cứu, phân tích, dự báo về bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường trong và ngoài nước, nhằm định hướng cho doanh nghiệp có tầm nhìn trung và dài hạn hơn, giúp doanh nghiệp có thể xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược kinh doanh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm các nước về hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển, bằng cách thiết kế các chính sách dựa trên quy mô kinh doanh (lớn - vừa - nhỏ - siêu nhỏ) và không phân chia theo hình thức pháp lý kinh doanh, từ đó xây dựng môi trường thể chế phù hợp cho hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ, đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng. Chính phủ cần có quy định riêng khuyến khích và tạo thuận lợi cho vay vốn đối với hộ kinh doanh; khuyến khích các ngân hàng đa dạng hoá các gói vay; các quy định cụ thể đối với hệ thống ngân hàng để giảm nhẹ các thủ tục, yêu cầu về hồ sơ vay vốn trên quan điểm đơn giản hoá, phòng tránh rủi ro cho ngân hàng, không gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn của các hộ kinh doanh.
Thứ tư, chú trọng thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân trong nước trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (giao thông, năng lượng, viễn thông, dịch vụ logistics...). Chủ động có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao (vi mạch bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, ...) nhằm giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc có giá trị cao hơn, nhằm tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đầu tư và thương mại hiện nay.
Thứ năm, cân bằng các chính sách giữa các loại hình doanh nghiệp; sớm chấm dứt tình trạng ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp; tạo điều kiện công bằng để các doanh nhân phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của mình để cạnh tranh công bằng, công khai, văn minh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cạnh tranh trên thương trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước về mọi mặt.
Thứ sáu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa, tăng minh bạch và trách nhiệm của công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa công chức, thái độ tác phong công chức viên chức, theo hướng phục vụ xã hội-nhân dân; tiếp tục cải cách cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa theo hướng rõ ràng, nhất quán, dễ dự báo, tránh đột ngột giật cục, giúp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ bảy, xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, nhằm tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khen thưởng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị. Từ đó, có thể lan tỏa và nhân rộng những giá trị quý báu trong đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh:
Thứ nhất, đội ngũ doanh nhân cần nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, bảo vệ sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế; nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân; khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.
Thứ hai, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và minh bạch; để xây dựng và phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam. Văn hoá doanh nghiệp cần phải được coi là tài sản đặc biệt không chỉ của doanh nghiệp, mà còn là “tài sản quốc gia”; cần được quan tâm đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, ở các cấp. Từ đó, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp.
Thứ ba, cần đẩy mạnh chuyển đổi số tại doanh nghiệp, thay đổi mô hình quản trị, phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa công ty nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp trước những biến động tiêu cực của môi trường bên ngoài.
Thứ tư, luôn tích cực, chủ động tham gia cùng Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo và duy trì môi trường kinh doanh, đầu tư công bằng, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua đóng góp các ý kiến, kiến nghị, góp ý về hoàn thiện thể chế, cải thiện khâu thực thi, cải cách thủ tục hành chính, chính sách thuế - phí, lao động, giúp tăng khả năng huy động và phân bổ nguồn lực (tài chính, vật lực và nhân lực) hiệu quả hơn.
Cuối cùng, hộ kinh doanh chủ động nghiên cứu, hoàn thiện để có thể nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm hướng đến chuẩn hóa, chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước tốt hơn.
Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế'
- Để doanh nghiệp, khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh? 10/10/2024 07:00
- Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế 09/10/2024 05:00
- Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới 09/10/2024 12:30
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.