Nhọc nhằn kinh tế tư nhân

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - 13/10/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Bây giờ, không còn mấy ai nhìn kinh tế, tài chính tư nhân bằng con mắt kì thị nữa, nhưng phân biệt đối xử thì vẫn còn...

Có nhiều lúc tôi tự hỏi: Nếu có phép nhiệm màu cất thật kỹ hay giấu biến đi mất tăm mất tích những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát (HPG Group), Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group), Tập đoàn Thành Công (TC Group), Tập đoàn Masan (Masan Group), Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, Hàng không Vietjet, TH True Milk, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tập đoàn FPT… thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Thế rồi giấu tiếp đi những Tập đoàn Hoa Sen, Thế Giới Di Động, Bim Group, Cơ điện lạnh, IDICO, Novaland, PNJ, Sun Group, HDBank, ACB, VPBank… thì diện mạo nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?

Chắc chắn nhìn vào bức tranh kinh tế tài chính Việt Nam không có các doanh nghiệp kinh tế tư nhân hùng mạnh sẽ đơn điệu, kém sôi động và có phần nhợt nhạt, chứ không thể sinh động, đa dạng, phong phú và phức hợp như hiện nay. Chỉ cần điểm nhìn tài chính hướng đến phân khúc việc làm, chúng ta cũng sẽ nhận ra ngay những doanh nghiệp tôi vừa kể tên nếu không may bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế, sẽ có hàng chục vạn người thất nghiệp, sẽ xảy ra hậu quả là hàng trăm vạn người ăn theo sống trong bần cùng. Bần cùng và sau bần cùng là cái gì tồi tệ nữa không lường hết, không hình dung nổi.

Kinh tế tư nhân là gì? Ở nước ta, đó là lực lượng kinh tế ngoại biên, nằm ngoài kinh tế trung tâm của Nhà nước. Kinh tế tư nhân bao gồm các cơ sở sản xuất và kinh doanh dựa trên sở hữu tư nhân và không nằm trong sở hữu nhà nước. Kinh tế tư nhân bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tồn tại dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá thể dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Dĩ nhiên, cách điều hành sản xuất và kinh doanh, phân phối sản phẩm, lợi nhuận cũng khác với kinh tế nhà nước.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Ở nước ta, suốt “đêm trường trung cổ” của nền kinh tế tự cung tự cấp phong kiến, ngay giữa các thành phần kinh tế tư nhân cũng bị phân biệt đối xử bất nhất. Người ta coi “Phi thương bất phú”, nhưng lại chủ trương “sĩ - nông - công – thương”. “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ” (sĩ: giới trí thức; nông: người làm nghề nông; công: người làm thợ; tứ cổ: người buôn bán), và phân biệt kì thị với giới thương nghiệp xếp cuối cùng và coi họ là “con buôn”.

Thời bao cấp hãi hùng, thời chiến tranh rực lửa, không chỉ bị kì thị mà kinh tế tư nhân còn bị đưa vào chủ trương cần phải đánh đổ, xóa bỏ, bị phong tỏa, chèn ép, vùi dập đến mức không tách vỏ mọc mầm, không ngóc đầu dậy, bị thui chột từ trong trứng nước. Chỗ nào “cây mầm” tư nhân nảy sinh từ trong kẽ nứt của bức tường kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu thì sống cũng èo uột, cỗi cằn. Nói một cách hình tượng là: Cùng một bầu sinh quyển, môi trường sống, nhưng cái cây kinh tế nhà nước - quốc doanh thì được hưởng toàn diện từ nước, phân, cần, giống, và cả các chính sách ưu tiên tập thể; còn cái cây kinh tế tư nhân thì ánh sáng không đủ, phải sống trong tối tăm, không khí cũng thiếu, hít thở nghí ngóp, ngột ngạt, nói gì đến ưu tiên chăm sóc.

Những cuộc đại tấn công vào thành trì của tư bản chủ nghĩa “thủ tiêu kinh tế TBCN, thiết lập chế độ sở hữu XHCN”, chủ trương và hành động quyết liệt, quy mô lớn nhất là “Hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội” năm 1958 - 1960 ở miền Bắc và chiến dịch cải tạo tư sản ở miền Nam lần I, lần 2 sau năm 1975. Hậu quả của việc “thủ tiêu kinh tế tư nhân” vô cùng nghiêm trọng, đã kéo lùi kinh tế xã hội xuống không thể kể xiết.

Nhưng, điều nhìn thấy rõ ràng nhất là miền Bắc không còn những doanh nghiệp tư nhân gắn với doanh nhân lớn cỡ như Vua mỏ - vua tầu thủy Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi, ông chủ ngành in Ngô Tử Hạ, ông chủ hãng sơn lớn nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Hà… Những thương hiệu tư nhân nổi tiếng như dệt Cự Doanh, giày da Thụy Khuê… tồn tại với hình thức “công ty hợp doanh” rồi cũng biến mất tăm tích như chưa hề có trên đời.

Sau năm 1975, ở miền Nam có những thương hiệu lừng lẫy một thời như: Xà bông cô Ba, xe hơi La Đalat, nồi nhôm Ba Cây Dừa… cũng vắng bóng. Niềm tự hào dân tộc sản xuất hàng Việt, dùng hàng Việt một thời xà bông cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền làm lu mờ cả xà bông Pháp ở Đông Dương. Xà bông cô Ba thâm nhập thị trường Hồng Kông, Singapore, nhưng sau khi bị hợp doanh thì trở nên dặt dẹo, ngắc ngoải, sống èo uột.

Tháng 9 năm 1975, hãng ô tô đường dài Phi Long chở mấy tiểu đoàn chúng tôi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, xe nối đuôi nhau như con rồng trên đường, nhìn thật hùng vĩ và lãng mạn. Vào đến cửa ngõ Sài Gòn đã thấy bức quảng cáo to đùng in hình người da đen cười tươi với hàm răng trắng muốt, cứ tưởng là sản phẩm của một hãng nước ngoài nào đó. Sau mới biết hãng kem đánh răng Hynos của doanh nhân Vượng Đạo Nghĩa một thời “làm mưa làm gió” ở miền Nam, được người tiêu dùng lựa chọn, bán chạy nghiêng ngửa với C’est it của Pháp, Colgate của Mỹ. Thế rồi, sau đó hãng xe ô tô Phi Long cũng vào công ty hợp doanh với Nhà nước, thiếu dầu, thiếu phụ tùng, những chiếc xe đường dài kiêu dũng một thời biến thành sắt vụn và mất luôn thương hiệu. Kem đánh răng Hynos thì cứ vắng bóng dần và mất hẳn trên thị trường…

Ở miền Nam, “đến năm 1978, có 1500 xí nghiệp tư bản tư doanh lớn và vừa được tổ chức sắp xếp thành 650 xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh. 64 công nhân được cử làm giám đốc xí nghiệp công tư hợp doanh”. Người Sài Gòn vẫn nhớ sau một đêm thức dậy, hơn 1.000 nhà thuốc vốn tồn tại với đời sống từ lâu bỗng nhiên biến mất. Các bác sĩ không được hành nghề tư nhân, ban ngày làm đủ 8 tiếng đồng hồ rồi về nhà nuôi heo, đốt than tổ ong cải thiện đời sống. Rõ ràng là kinh tế tư nhân đã bị kinh tế nhà nước nuốt chửng.

Hậu quả là, sau chiến tranh, các nguồn viện trợ cho hai bên bờ bắc và nam sông Bến Hải không còn nữa, quản lý kinh tế bằng kế hoạch hóa tập trung, tình trạng “cha chung không ai khóc” là phổ biến. Động lực sản xuất kinh doanh bị triệt tiêu… Cả nước thiếu ăn, thiếu hàng tiêu dùng, cộng với chủ trương “cấm chợ ngăn sông” khiến cho hàng hóa khan hiếm, nơi dư thừa không được lưu thông sang nơi thiếu thốn. Cả nước đói ăn và sống những năm tháng nghèo khó…

Tôi vẫn không thể nào quên nỗi ám ảnh của những ngày “cấm chợ ngăn sông” xa xưa. Vài cân chè Thái Nguyên về Hà Nội cũng phải qua mấy trạm kiểm soát. Mấy cân thịt từ miền Tây lên Sài Gòn cũng bị săm soi. Hàng hóa mang trên đường trót lọt hay bị tịch thu hoàn phụ thuộc vào cảm hứng và trách nhiệm của thanh tra thị trường và thuế vụ. Không khí sục sôi khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất, bắt bớ, tịch thu nhà xưởng, tư liệu sản xuất của tư nhân đã được các nhà văn ghi chép, phản ánh, cảnh báo. Chỉ mất mười năm sản xuất, kinh doanh để ông Nguyễn Văn Chẩn trở thành “Vua lốp”, “Vua dép lốp”, nhưng ông phải mất hai mươi năm đi đòi lại tài sản bị tịch thu và đòi trả lại danh dự với khát vọng làm giàu. Làm giàu mà bị nghi ngờ “ăn nên làm ra vùn vụt, chắc phải có gian lận”. “Ông vua lốp” bị tan hoang cuộc đời bởi chính cái tư duy ấu trĩ một thời trong quản lý xã hội, quản lý kinh tế, tài chính.

Đời sống xã hội nghèo nàn, nền sản xuất nhỏ, hầu như không có sáng chế và phát minh. Kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng không giữ được vai trò chủ đạo. Ngó sang các nước trong khu vực mới thèm khát, ước muốn, giá như kinh tế tư nhân được công nhận và phát triển để có những tập đoàn kinh tế chủ chốt như: Mitsui, Sumitomo hay Mitsubishi của Nhật, Samsung, Hyundai, LG, Lotte… của Hàn Quốc. Nhưng, ước muốn vẫn chỉ là ước muốn xa vời.

***

Kinh tế tư nhân bắt đầu “mọc mũi sủi tăm” có dấu hiệu khá lên là nhờ có công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhà nước công nhận kinh tế tư nhân là một thành phần cơ bản quan trọng và hợp pháp trong cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Tư nhân được khuyến khích sản xuất và kinh doanh đúng pháp luật. Dĩ nhiên, Nhà nước cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhưng, phải đến 15 năm sau thì kinh tế tư nhân mới rõ hình thù và có diện mạo mới, sức mạnh mới. Các chính sách với kinh tế tư nhân cởi mở hơn, là công dân Việt Nam ai cũng có quyền làm giàu đúng pháp luật. Vùng đất kinh tế tư nhân có vẻ như càng ngày càng màu mỡ, quyến rũ và thu hút sức người sức của.

Cột mốc đặc biệt công nhận giá trị và chỗ đứng của kinh tế tư nhân là Điều 51, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. Nhà đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh, làm giàu mà không bị những cái “dớp” của các lần cải tạo công thương trước đó như bóng ma gây tâm lý sợ hãi đổ tiền của vào làm giàu để rồi lại tay trắng.

Nhà kinh tế học người Anh T.J.Dunning nói rằng: “Với một lợi nhuận thích đáng, tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận, người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% là hoạt bát hẳn lên; được 50% trở nên thật sự táo bạo”. Chẳng biết khu vực kinh tế tư nhân có bao nhiêu doanh nghiệp lợi nhuận 20%, bao nhiêu doanh nghiệp lợi nhuận 50% để “hoạt bát hẳn lên” để “thật sự táo bạo”? Chỉ biết rằng, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 43% trong cơ cấu GDP.

“Cuối năm 2021, doanh nghiệp tư nhân trong nước thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các doanh nghiệp ở Việt Nam”. Nhưng con số biết nói và vô cùng thú vị là: Trong số “500 doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn nhất chiếm 0,07% số lượng; đóng góp 12% lao động; 28% tổng tài sản; 18,4% doanh thu”. Cũng phải kể thêm những con số rất sinh động: “đến ngày 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE) chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động”. Rõ ràng là bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam dù trải qua nhiều năm phân biệt, kì thị, đã sáng sủa dần lên, dễ thở nhiều hơn, và đang trở thành lực lượng kinh tế chủ đạo.

Theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thì: “Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước”. Sở dĩ hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chất lượng bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”, vốn tự bỏ ra “của đau con xót”, doanh nhân không thể lãng phí tiền bạc của mình và phiêu lưu mạo hiểm vào những rủi ro tài chính. Kinh tế tư nhân tự mình lớn dần cả về tầm nhìn, trình độ quản lý quản trị, văn hóa doanh nghiệp…

Có những dự án lớn, khó nhưng được hoàn thành với chất lượng cao, mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân, mang cá tính của doanh nhân như: Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng… Cuối năm 2018, sân bay Vân Đồn đón vị khách đầu tiên, trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất đất nước ta cũng là doanh nghiệp tư nhân xây dựng…

Dây chuyền nhà máy hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Việt Nam

Quan sát xã hội hiện nay, tôi nhận ra một điều rất bình thường mà trước đây không có là: Sức lao động và chất xám ở khu vực kinh tế nhà nước đang chảy sang khu vực kinh tế tư nhân. Biên chế nhà nước vẫn thu hút phần lớn người lao động, nhưng không còn là miếng mồi béo bở để người ta cố chạy vào và cố giữ bằng được một vị trí. Những sinh viên giỏi chưa ra trường đã được nhiều doanh nghiệp tư nhân để mắt, mời chào, được tạo điều kiện làm việc và thăng tiến, lương cao.

Doanh nhân đứng mũi chịu sào cầm lái con thuyền doanh nghiệp không chỉ có tầm nhìn xa rộng mà rất năng động tiếp cận tri thức của nhân loại. Khát vọng về một doanh nghiệp cha truyền con nối mang tinh hoa gia đình dòng họ kế tiếp nhiều thế hệ đang nung nấu ở nhiều doanh nhân người Việt với mẫu hình đế chế ô tô của Henry Ford ở Mỹ hay Toyota ở Nhật.

Bây giờ, không còn mấy ai nhìn kinh tế, tài chính tư nhân bằng con mắt kì thị nữa, nhưng phân biệt đối xử thì vẫn còn. Bình đẳng giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân vẫn vênh lệch. Quán tính của cỗ máy kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn, cộng với tệ cửa quyền, hách dịch và tư tưởng xin cho, ban ơn, phân phát, cùng với nguồn lực tài chính quá lớn vẫn thuộc về nhà nước, vô tình đắp đập be bờ cản trở kinh tế tư nhân phát triển.

Cùng là kinh tế ngoài nhà nước, các doanh nghiệp FDI thì lại được trải thảm đỏ đón rước linh đình, ưu ái ưu tiên hưởng lợi từ vay vốn, đất đai và đặc biệt là thuế, nhưng doanh nghiệp tư nhân thì bị hờ hững, lạnh nhạt, đòi hỏi các điều kiện ngặt nghèo, chịu đủ các loại phí bôi trơn giá trên trời, khiến nhiều doanh nhân có lòng tự trọng phải bỏ cuộc, không dám đầu tư mạo hiểm.

Chân trời mới đang mở ra với kinh tế tư nhân Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tìm kiếm thị trường bên ngoài biên giới và trụ vững chiếm lĩnh được người tiêu dùng toàn cầu thông thái.

Hy vọng một ngày không xa, người Việt sẽ có quyền tự hào về doanh nghiệp tư nhân Việt như người Nhật tự hào có Toyota, Mitsubishi, Honda, như người Hàn tự hào có Samsung, LG, Hyundai…

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: toasoan@vietnamfinance.vn.

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Sự kiện VNF
(VNF) - Khối kinh tế tư nhân đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của đất nước. Và đằng sau sự phát triển đấy chính là sự máu lửa và đậm chất tinh thần dân tộc của con người Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Duy Thuận, đâu là bước ngoặt ‘chết người’ ở Lộc Trời?

Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Duy Thuận, đâu là bước ngoặt ‘chết người’ ở Lộc Trời?

Tập đoàn Lộc Trời đã có những sai lầm 'chết người', đánh mất thế mạnh của cỗ máy in tiền suốt 30 năm, chưa kể chiến lược mở rộng đầy rủi ro. Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Nguyễn Duy Thuận liệu có liên quan tới những bước ngoặt của tập đoàn?

Dệt may, da giày vào Canada ngày càng khó khăn hơn

Dệt may, da giày vào Canada ngày càng khó khăn hơn

(VNF) - Đó là thông tin tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada đưa ra liên quan liên quan đến 3 thách thức lớn cho các mặt dệt may, da giày, điện tử và các sản phẩm khác xuất khẩu sang Canada trong thời gian tới do những thay đổi về chính sách của nước này.

VHM tăng vọt, VN-Index vẫn ‘mất đà’ khi tiến về mốc 1.300 điểm

VHM tăng vọt, VN-Index vẫn ‘mất đà’ khi tiến về mốc 1.300 điểm

(VNF) - VHM tăng vọt 4,01% sau thông tin khả quan về kế hoạch mua lại cổ phiếu, nhưng điều này không thể giúp VN-Index chạm tới mốc 1.300 điểm dù đầu phiên rất nỗ lực.

Doanh nhân Hồ Minh Hoàng: Từ giấc mơ nhà giáo đến 'Ethan Hunt' giao thông

Doanh nhân Hồ Minh Hoàng: Từ giấc mơ nhà giáo đến 'Ethan Hunt' giao thông

(VNF) - Theo học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và tốt nghiệp vào năm 1995, Hồ Minh Hoàng từng nuôi ước mơ trở thành nhà giáo. Nhưng ước mơ đấy nhanh chóng tiêu tan khi hợp tác xã do cha ông quản lý đứng trước nguy cơ bị phá sản. Lúc này, Hồ Minh Hoàng buộc phải chọn kinh doanh nối nghiệp gia đình. Cũng từ đây, ngành giao thông vận tải xuất hiện một thương hiệu mới – thương hiệu “vua hầm”.

SJC Đà Nẵng mở cửa trở lại nhưng muốn mua vàng miếng lại phải đăng ký online

SJC Đà Nẵng mở cửa trở lại nhưng muốn mua vàng miếng lại phải đăng ký online

(VNF) - Hai cửa hàng SJC ở Đà Nẵng đã mở cửa trở lại sau nhiều ngày đóng cửa. Tuy nhiên, theo thông báo, khách hàng muốn mua vàng miếng thì phải đăng ký trực tuyến.

Tập đoàn Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Việt Nam

Tập đoàn Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Việt Nam

(VNF) - Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc.

Số phận buồn của khu 'đất vàng' ở TP.Hà Tĩnh, 20 năm vẫn bỏ hoang

Số phận buồn của khu 'đất vàng' ở TP.Hà Tĩnh, 20 năm vẫn bỏ hoang

Khu đất vàng hơn 3ha có 2 mặt tiền ở thành phố Hà Tĩnh, sau 20 năm, từ dự án nhà máy bia cho đến trung tâm thương mại, khách sạn, villa, trị giá hơn 1.200 tỷ đồng, vẫn đang bị bỏ hoang phần lớn và trở nên nhếch nhác.

Thanh Hoá: Hơn 35.000 tỷ 'rót' đầu tư vào nông nghiệp

Thanh Hoá: Hơn 35.000 tỷ "rót" đầu tư vào nông nghiệp

(VNF) - Tính đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được trên 200 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư, đăng ký trên 35.000 tỷ đồng, trong đó, có 7 dự án FDI, với tổng mức đầu tư hơn 3.873 tỷ đồng.

Doanh nghiệp 'họ Louis' vất vả đường về bờ, phải giải thể công ty con

Doanh nghiệp 'họ Louis' vất vả đường về bờ, phải giải thể công ty con

(VNF) - Động thái giải thể công ty con của Angimex diễn ra ngay sau khi Ladophar tổ chức có liên quan đến Chủ tịch thông báo về việc đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu AGM mà công ty này đang sở hữu.

'Sập bẫy' việc nhẹ lương cao, người phụ nữ bị lừa gần 600 triệu đồng

'Sập bẫy' việc nhẹ lương cao, người phụ nữ bị lừa gần 600 triệu đồng

(VNF) - Thủ đoạn của các đối tượng này là tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.