Vận hội tươi sáng của kinh tế tư nhân

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Công sự. - 12/10/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Dù các thống kê đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá sáng nhưng trong hiện tại nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời cơ sẽ luôn đi cùng thách thức và ở hiện tại vẫn có cả vận hội và cơ hội mới được mở ra cho khu vực kinh tế năng động này.

Doanh nghiệp tư nhân không cần hỗ trợ mà cần điều kiện và môi trường để phát triển

Tôi đã nhiều lần nói và viết về kinh tế tư nhân, với giai tầng này, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng đây mới là lực lượng thể hiện sức sống thực sự mãnh liệt của nền kinh tế. Lý do bắt nguồn từ bản năng kinh tế hay ý chí và khả năng tự lao động để nuôi sống mình của con người.

Trong khi đó, kinh tế nhà nước được hình thành hoàn toàn từ ý chí chính trị và phục vụ cho mục tiêu ấy. Do vậy, về nguyên tắc, kinh tế tư nhân không nhất thiết cần khuyến khích hay hỗ trợ từ phía Nhà nước, hay nếu có sẽ chỉ là giải pháp tình thế và nhất thời, tuy nhiên nó rất cần được tạo môi trường và các điều kiện để phát triển. Vậy, các điều kiện đó là gì?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

Trước hết, đó là môi trường tự do không bị kìm hãm phát triển cả về quy mô và lĩnh vực, ngành nghề. Tự do trong nền kinh tế thị trường chính là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau, không bị chi phối hay thao túng bởi vị thế độc quyền của “cá lớn” với “cá bé”.

Thứ hai, đó là chính sách, thái độ và sự ứng xử bình đẳng từ phía Nhà nước khi tiến hành các biện pháp can thiệp vào quan hệ thị trường, đặc biệt trong khía cạnh phân bổ các nguồn lực của quốc gia.

Thứ ba, cần có một hệ thống pháp luật có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch nhằm bảo vệ sở hữu tư nhân và khả năng thực thi các hợp đồng. Cuối cùng, để đương đầu với cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh không tránh khỏi hội nhập, một nhà nước kiến tạo phát triển như chúng ta có thể có các biện pháp hỗ trợ nhất định trong giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu của kinh tế tư nhân.

Chẳng hạn, lấy kinh nghiệm từ Hàn Quốc, các Tập đoàn kinh tế lớn (Chaebol) của nước này đạt tới vị thế toàn cầu như hiện nay là nhờ thủa ban đầu đã được hỗ trợ về tài chính cũng như mở đường ra thị trường thế giới của chính phủ. Trong khi đó, cũng là giải pháp hỗ trợ của chính quyền, ở Đài Loan, đó là các ưu đãi nhằm khuyến khích sáng tạo công nghệ dành cho số đông là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Động lực từ mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Trong quá trình xây dựng lực lượng kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, chúng ta đã đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á vào năm 2030. Mục tiêu này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của tầng lớp doanh nhân trong tình hình mới.

Trong bối cảnh như hiện nay, mục tiêu trên nên được coi là động lực để phấn đấu chứ không phải là đích đến cuối cùng bởi suy cho cùng chính sách phát triển của bất kỳ quốc gia nào đều cốt ở giải pháp thực hiện, hơn là mục tiêu.

Mà kèm theo các giải pháp là rất nhiều yếu tố mang tính tiền đề hay điều kiện ở cả hai mức cần và đủ. Trong các điều kiện đó có những vấn đề then chốt như nguồn lực vật chất, cơ chế quản trị chuyên nghiệp và trên tất cả là ý chí chính trị nhất quán và ổn định.

Dù sao, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan, đó là sự hình thành của kinh tế tư nhân về cơ bản mang tính tự nhiên, theo cách tự nó và tự chủ, hay nói một cách hình ảnh là “từ dưới lên”. Khác cơ bản với kinh tế nhà nước, đó là nền kinh tế được xây dựng “từ trên xuống” và hoàn toàn phụ thuộc vào các mục tiêu và định hướng chính sách của chính quyền. Cho nên, các chỉ tiêu liên quan đến phát triển của kinh tế tư nhân nên có tính chất dự báo hơn là cái đích để phấn đấu đạt được.

Mặt khác, chúng ta cũng cần phân biệt giữa việc xuất hiện một số tập đoàn kinh tế lớn và sự liên minh, liên kết giữa số lượng lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về định hướng chính sách, câu hỏi cần đặt ra trước tiên là nền kinh tế cần các doanh nghiệp lớn để làm gì? Câu trả lời dễ thấy có lẽ là để có các “quả đấm thép” nhằm đương đầu với cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, mặc dù không ai phủ nhận tiềm lực mọi mặt của các doanh nghiệp lớn, bài toán cạnh tranh lại không phải xoay quanh các doanh nghiệp mà chính là các sản phẩm và mặt hàng, bao gồm giá cả, điều kiện cung ứng, thương hiệu và uy tín về chất lượng. Hơn nữa, một khi hàng hoá do người Việt sản xuất bán được càng nhiều sẽ đồng nghĩa với việc sự giàu có của đất nước càng tăng và người dân ngày càng có nhiều việc làm và hạnh phúc. Khi nói như vậy, tôi e rằng kể cả khi nước ta có nhiều doanh nghiệp khổng lồ với nhiều tỷ phủ nhưng mục tiêu “dân giàu nước mạnh” cũng không chắc chắn đã đạt được.

Hơn thế nữa, việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh toàn cầu vẫn là cũng là điều không hề đơn giản trong bối cảnh hiện tại. Nếu xét đến một con đường tự nhiên và lành mạnh, tôi cho rằng cách thức đúng đắn nhất để hình thành một tập đoàn kinh tế lớn là phát triển từ thấp đến cao, hay giả sử có sự lớn nhanh bằng “đốt cháy giai đoạn” như các công ty công nghệ của thời đại kinh tế số cũng phải là một quá trình tự thân nó. Có nghĩa rằng mức độ lớn hay nhỏ, đường đi nhanh hay chậm của một doanh nghiệp phải do các yếu tố thị trường quyết định.

VinFast xuất ô tô ra thị trường nước ngoài.

Tại sao lại như vậy? Bởi suy cho cùng, tôi cho rằng để phát triển, một doanh nghiệp cần dựa trên ba trụ cột chính. Đó là con người, quy chế tổ chức quản trị và văn hoá công ty. Mà cả ba trụ cột này lại không thể lớn nhanh, mạnh mẽ và bền vững như cách chúng ta xây một toà nhà, hay thậm chí cả một khu đô thị được.

Xin chia sẻ thật, với công việc của một nhà tư vấn, tôi từng tiếp xúc với nhiều công ty tư nhân Việt Nam, trong đó nhiều doanh nghiệp được coi là tập đoàn lớn với tiếng tăm vang dội trên thị trường. Rất tiếc rằng cả tổ chức và hoạt động của nhiều doanh nghiệp không bài bản. Chẳng hạn, khi triển khai các dự án, họ vẫn ưa dùng các nhóm đặc nhiệm (task force) do người chủ lớn nhất chỉ đạo thay cho hệ thống quản trị chung của doanh nghiệp, nó phản ánh việc thiếu cả tính chuyên nghiệp lẫn sự minh bạch.

Tôi nhấn mạnh rằng việc hình thành các tập đoàn đa sở hữu công tư với sự góp vốn đầu tư của Nhà nước là giải pháp đúng đắn bởi nó không chỉ tiềm ẩn rủi ro về quản trị do thiếu sự sòng phẳng và tính minh bạch, hay các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, mà quan trọng hơn nó thể hiện bản chất của sự xung đột về lợi ích. Nhà nước được sinh ra để đảm nhiệm các dịch vụ công cho xã hội hơn là hoạt động kinh tế, bởi cái lý đơn giản là chính quyền không thể sử dụng tiền thuế của người dân và doanh nghiệp rồi đầu tư, kinh doanh nhằm cạnh tranh với chính họ.

Có chăng khi tham gia đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu nhất định, Nhà nước phải bảo đảm được một nguyên tắc, đó là chỉ làm những gì mà xã hội cần mà khu vực tư nhân từ chối hoặc không thể làm. Mặt khác, chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của các mô hình nhà nước kiến tạo, phát triển ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, theo đó nhà nước sẽ cung cấp các hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp thông qua tín dụng ưu đãi hay tài trợ nghiên cứu phát triển công nghệ mới trên cơ sở các dự án và chương trình mục tiêu được lựa chọn.

Cho nên, như người ta nói “Thành Rome không thể xây trong một ngày”, muốn có phát triển bền vững chúng ta cần phải kiên nhẫn. Để khuyến khích, động viên ý chí, tinh thần doanh nhân và sức sáng tạo của người Việt, chúng ta cần bắt đầu bằng thiết lập các nền tảng về thể chế và pháp luật, sau đó là xây dựng môi trường văn hoá kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao phát triển được các doanh nghiệp tư nhân trong nước, là lực lượng nòng cột để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh sự phụ thuộc hay chi phối, dẫn dắt của đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Lo ngại “tư bản thân hữu” sẽ còn tăng

Quá trình phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh những thuận lợi cũng tồn tại nhiều lo ngại, đặc biệt là về chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Nhiều vụ việc trong thời gian qua cho thấy trong quá trình phát triển của kinh tế tư nhân đã hình thành những mối quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế – xã hội, Đảng đặt vấn đề phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính, rất nhiều chính sách đã ra đời.

Lo ngại “tư bản thân hữu” sẽ còn tăng.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng hai hiện tượng “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là điều khó tránh ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đặc biệt nó hình thành ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp - tập trung sang thị trường.

Điều đáng lo ngại là các xu hướng vận động theo hướng này không những không giảm mà còn tăng, vươn tới đỉnh cao là tội phạm có tổ chức thông qua quan hệ móc nối giữa hai khu vực công và tư.

Trong bối cảnh đó, tôi thấy và tin rằng việc phá thành công các vụ án lớn về tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm vừa qua đã có tác dụng thức tỉnh rất nhiều đối với xã hội, về mức độ nguy hiểm của hiện trạng cũng như khả năng các vụ việc lớn có thể bị xử lý bởi pháp luật. Qua đó, tôi tin rằng trong thời gian tới niềm tin vào những điều tốt đẹp của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang dần dần được lấy lại.

Tựu chug lại, bối cảnh nào cũng vậy, cơ hội và thách thức sẽ luôn song hành. Theo các thông tin, số liệu thu được từ khảo sát về doanh nghiệp gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng các doanh nghiệp rời thị trường có xu hướng tăng so với các doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời chỉ có 27% doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh mới.

Điều đó thể hiện rằng kinh tế tư nhân đang gặp những khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có cả vận hội và cơ hội mới được mở ra. Tôi có thể nêu ba khía cạnh chính. Trước hết, đó là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và các Cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Thứ hai, công cuộc chống tham nhũng và tiêu cực vừa qua, trong đó bao gồm cả xử lý các hiện tượng và hậu quả của chủ nghĩa tư bản thân hữu, đã mang lại một tác dụng thức tỉnh cho cộng đồng doanh nhân rằng đã qua thời kỳ huy hoàng của sự phát triển kinh doanh bằng trục lợi quan hệ và chính sách, thay vào đó là sự phát triển bằng năng lực tự thân và quan hệ thị trường.

Cuối cùng, thông qua hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cọ sát khốc liệt giữa các lực lượng trong nước và nước ngoài trên chính sân nhà đã làm nổi lên các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, là các cơ hội để họ có thể nắm bắt, chẳng hạn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và kinh tế số.

Do đó, dù thế nào tôi rất tin vào các triển vọng tươi sáng của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].

Điều kiện kinh doanh đang khiến doanh nghiệp tư nhân thêm gánh nặng

Điều kiện kinh doanh đang khiến doanh nghiệp tư nhân thêm gánh nặng

Tiêu điểm
(VNF) - Kể từ khi xảy ra dịch COVID-19 quá trình cải cách điều kiện kinh doanh để trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân đã chậm lại, thậm chí có lĩnh vực, rào cản mới còn nặng nề hơn.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.