Nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế

NGUYỄN THỊ HƯƠNG TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ - 13/10/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quyết định khối lượng sản phẩm sản xuất ra trong nền kinh tế. Hay nói cách khác, số lượng và chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra sẽ quyết định quy mô và chất lượng tăng trưởng của một quốc gia.

Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Giai đoạn trước Đổi mới, nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung với hai loại hình sở hữu chính của nền kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Lúc đó, kinh tế tư nhân chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức.

Sau Đổi mới, đặc biệt là từ khi Luật doanh nghiệp(1) ra đời, quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp được công nhận, các doanh nghiệp tư nhân(2) được tham ra sâu, rộng hơn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau 34 năm kể từ khi Luật doanh nghiệp ra đời, doanh nghiệp tư nhân được cạnh tranh và phát triển trong một sân chơi bình đẳng, dần dần tạo lập và khẳng định được vị thế và ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp với những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Hoạt động của doanh nghiệp tư nhân góp phần thúc đẩy và hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.

Ước tính hiện có gần 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, tạo ra khoảng 25 triệu tỷ đồng doanh thu thuần. Doanh nghiệp tư nhân chiếm 96,6% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm khoảng 60% tổng số lao động, 60% tổng nguồn vốn; tạo ra 57% doanh thu, 38% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh qua từng thời kỳ với nhiều loại hình đa dạng, ngành nghề sản xuất kinh doanh phong phú, phong trào khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được hình thành, những sản phẩm công nghệ cao “Made in Vietnam” dần vươn ra thế giới, mang theo khát vọng và tự hào của người Việt Nam.

Ước tính trong 100 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước, số lượng doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 30%. Số doanh nghiệp tư nhân đạt doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD khoảng 40 doanh nghiệp.

Nhiều hạn chế của doanh nghiệp tư nhân ở nước ta

Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp tư nhân không ngừng lớn mạnh, nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể:

(1) Đây là khu vực tập trung hầu hết doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ của cả nước, quy mô lao động và nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp rất nhỏ (13 lao động/doanh nghiệp và 50 tỷ đồng/doanh nghiệp), chỉ bằng 1% đến 2% quy mô bình quân của một doanh nghiệp nhà nước và bằng từ 6% đến 9% quy mô bình quân của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

(2) Bên cạnh đó, năng suất lao động chậm cải thiện, trình độ công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, thiếu hụt lao động có kỹ năng đáp ứng được sự phát triển của thời đại… dẫn tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân còn thấp. So với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cao nhất, các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) cũng đạt mức thấp nhất(3).

(3) Phần lớn doanh nghiệp tư nhân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm gần 70% số doanh nghiệp tư nhân) và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhu cầu thị trường trong nước thấp, doanh nghiệp gặp khó

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, giá các hàng hóa, dịch vụ đầu vào tăng cao, giống như các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong cả việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm sản xuất cũng như đảm bảo các yếu tố đầu vào để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê(4) gần đây cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân là việc tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Với 54,8% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 44,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của hàng trong nước cao. Đây là những rào cản không nhỏ ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất, áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân là giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, dịch vụ và các chi phí kho, bãi tăng cao, điều này gây khó khăn lớn cho 28,4% doanh nghiệp.

Cùng với đó, có 22,3% doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn về tài chính; 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi lãi suất vay vốn vẫn còn ở mức cao so với năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 20,9% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 15,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp xây dựng có tới 27,3% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn làm ảnh hưởng tới nguồn vốn cho sản xuất của doanh nghiệp.

Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Với những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ để giải quyết các nhóm vấn đề cấp bách.

Một là, giảm gánh nặng chi phí đầu vào đang tăng cao cho doanh nghiệp thông qua: Giảm lãi suất cho vay (với 49,6% doanh nghiệp kiến nghị); Đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp (34% doanh nghiệp kiến nghị); Có các chính sách bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh (36% doanh nghiệp kiến nghị).

Bà Nguyễn Thị Hương

Hai là, khơi thông bế tắc của thị trường đầu ra thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, quảng bá để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (28,0% doanh nghiệp kiến nghị).

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi và có những chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh như: Cần cắt giảm ngay thủ tục và điều kiện vay vốn không cần thiết (31,3% doanh nghiệp kiến nghị); Tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp hơn (31,2% doanh nghiệp kiến nghị); Cần tiếp tục rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính (28% doanh nghiệp kiến nghị); Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic (27,7% doanh nghiệp kiến nghị).

Bốn là, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là trên thị trường quốc tế như: Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới (21,3% doanh nghiệp kiến nghị); Hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn hàng xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ, phòng vệ thương mại, các yêu cầu về tiêu chuẩn sản xuất xanh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu, rộng hơn và các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các chuỗi cung ứng tạo ra giá trị gia tăng cao của các nhà sản xuất lớn trên thế giới như điện tử, bán dẫn (10,2% doanh nghiệp kiến nghị).

Có thể nói, trong gần bốn mươi năm đổi mới của đất nước và sau ba mươi tư năm Luật Doanh nghiệp ra đời, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương luôn quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích của cả ba bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân ngày càng thể hiện rõ vai trò là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo nâng cao đời sống dân cư, góp phần ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế. Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của mình, các doanh nghiệp tư nhân rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành để có thể tạo ra những bước đột phá, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của đất nước.

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Sự kiện VNF
(VNF) - Khối kinh tế tư nhân đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của đất nước. Và đằng sau sự phát triển đấy chính là sự máu lửa và đậm chất tinh thần dân tộc của con người Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Tin khác