'Vua hồ tiêu' Phan Minh Thông: Đừng chê nông nghiệp vì đó là vàng ròng bền vững
(VNF) - Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Corporation, cho rằng các doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp bởi đó là vàng ròng bền vững.
Nông nghiệp là vàng ròng bền vững
- Những ngành nghề có khả năng sinh lời cao hiện nay là bất động sản, tài chính, công nghệ, vậy tại sao ông lại lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp?
Ông Phan Minh Thông: Đó là nghề chọn người. Khi vào TP. HCM, tôi có một công việc về nông nghiệp và lúc đó tôi cũng chỉ cần có công việc để sống sót vì là dân di cư. Nhưng bất ngờ tôi có duyên với hạt tiêu, nên tôi quyết định gắn bó và lập công ty phát triển nó. Cho đến hiện tại, công ty đã trở thành đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong ngành hạt tiêu.
-Có một thực tế đáng lo ngại tồn tại trong nhiều năm đó là tình trạng được mùa mất giá và được giá mất mùa. Với Phúc Sinh thì sao?
Ông Phan Minh Thông: Đây là thực trạng của tất cả nền nông nghiệp trên thế giới. Nhưng hiện nay, tôi cho rằng làm nông nghiệp không phải và cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào trời, mà phải tạo ra các giá trị bằng cách xây dựng hệ thống nhà máy chế biến sâu. Khi vào mùa vụ, các nhà máy chế biến sẽ mua nguyên liệu và tạo ra sự cạnh tranh với xuất khẩu nguyên liệu, đẩy nhu cầu nguyên liệu lên cao, từ đó được mùa sẽ không bị mất giá.
Điều này đã được khẳng định từ thực tế bởi so với tháng 1/2023 giá cà phê tăng 320%, giá tiêu tăng 120%. Như vậy, nếu doanh nghiệp và người dân không tham gia vào quá trình chế biến sâu, nông nghiệp sẽ rơi vào tình trạng được mùa, mất giá nhưng khi đã chế biến sâu, tình trạng rớt giá đã không còn. Đó cũng là lí do mà tôi tin rằng tới thời điểm hiện tại nông nghiệp chính là vàng ròng bền vững và các doanh nghiệp, doanh nhân nếu có ý định xin đừng ngại đầu tư vào nông nghiệp.
Xin được lấy ví dụ, năm nào nước ta cũng thu hoạch cà phê thu về 5 - 6 tỷ USD. Không chỉ cà phê, các mặt hàng nông nghiệp khác như hạt tiêu, điều… cũng thu về hàng tỷ USD cho Việt Nam. Đây chính là nguồn vàng bền vững cho nền kinh tế. Đáng nói, đó là lợi thế của Việt Nam khi nước ta là nước nông nghiệp, những sản phẩm này chúng ta không phải nhập khẩu để xuất khẩu mà là sản phẩm chúng ta tự làm ra.
- Những lợi thế như ông nói là điều không thể phủ nhận nhưng vì sao doanh nghiệp, doanh nhân vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp. Liệu lý do có phải vì đầu tư nông nghiệp là “bỏ ra tiền cục, thu về tiền lẻ” không?
Ông Phan Minh Thông: Tôi cho rằng hiện tại không có chuyện đầu tư cho nông nghiệp thu về tiền lẻ, thay vào đó là thu hàng triệu USD, như đã nói ở trên. Tôi được biết các lô hàng nông sản ngày trước (khi chưa có máy móc để chế biến sâu) giá chỉ 30-40 nghìn USD giờ lên hàng trăm nghìn USD. Cùng với đó, việc nước ngoài đặt số lượng hàng hóa rất lớn trong khi giá trị nông nghiệp tăng mạnh sẽ giúp triển vọng của nền nông nghiệp trở nên tươi sáng, khiến doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp hiện nay đã và đang chứng minh được sức hấp dẫn cũng như tầm quan trọng của mình. Sau đại dịch, tất cả công ty về thực phẩm đều được đánh giá rất cao. Bản thân doanh nghiệp tôi cũng có rất nhiều đối tác đã tìm mọi cách để mua lại, cho vay.
Mặt khác, hiện tại, các vấn đề về an toàn thực phẩm cũng được mọi người quan tâm, chú ý. Do đó, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam đối với ngành chế biến thực phẩm rất nhiều, đây là tín hiệu tốt.
Những điều như tôi đã nói ở trên cũng chứng minh thực tế rằng nông nghiệp mới là vàng ròng bền vững và xin đừng chê nông nghiệp khi đây mới là lợi thế của Việt Nam.
- Nhưng cũng có một thực tế đáng buồn là trong danh sách các tỷ phú hàng đầu, có rất ít tỷ phú về nông nghiệp, đa phần là các tỷ phú bất động sản, tài chính… Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phan Minh Thông: Nestlé - một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới… đã tạo ra rất nhiều tỷ phú. Gần đây, các công ty chế biến ở Việt Nam cũng vươn lên rất nhiều, đây là tín hiệu tốt. Dần dần, lĩnh vực sản xuất thực phẩm, một lĩnh vực giàu tiềm năng và nhiều giá trị cho các công ty Việt Nam sẽ là lĩnh vực mà các doanh nghiệp, doanh nhân hướng tới. Khi nông nghiệp được quan tâm một cách đúng mức ( quan tâm cả về thể chế, chính sách tới hỗ trợ về vốn, đất đai, thủ tục hành chính...) dần dần các tỷ phú về nông nghiệp sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Được biết, 8 năm trước, khi quay về thị trường nội địa, ông từng chia sẻ mong muốn “phổ cập” cà phê thật đến người Việt, bởi lúc đó cà phê trong nước pha trộn nhiều quá. Vậy, ở thời điểm hiện tại, việc phổ cập cà phê thật như ông nói đến đâu rồi?
Thị trường cà phê thay đổi và cả cách uống cà phê của chúng ta thay đổi rất nhiều so với khoảng 10 năm trước. Hồi đó, mình chào cà phê sạch, hàng loại ngon nhưng người ta từ chối, không phải vì giá mà vì không biết uống. Bây giờ, nhiều người uống và khen, quay lại mua thường xuyên. Đó là tôi nói sản phẩm của riêng doanh nghiệp chúng tôi. Còn những doanh nghiệp khác nữa, họ cũng nhận kết quả tích cực khi người dùng thay đổi thói quen uống cà phê.
Về mặt nào đó, tôi thấy cần phải có người tiên phong mới cùng nhau làm được. Khi người dùng thay đổi thói quen, nhà sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo. Thị trường ngày càng nhiều cà phê sạch, nguyên chất, người dùng chào đón, doanh nghiệp sẽ tự tin tung sản phẩm chất lượng ra thị trường hơn. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng không phải là vấn đề dễ và cần thời gian, giống như thói quen của người uống cà phê vậy.
- Bí quyết tạo nên thành công của Phúc Sinh là gì?
Ông Phan Minh Thông: Thành công đến từ sự chịu khó sáng tạo, kiên trì và bền bỉ. Bản thân tôi và Phúc Sinh đã thất bại nhiều lần, nhưng chúng tôi không vì thế mà bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn sáng tạo rất nhiều sản phẩm mới và khác biệt trên thị trường. Một số sản phẩm tiêu biểu phải kể đến như tiêu trắng. Với sản phẩm này, Phúc Sinh là công ty xuất khẩu đầu tiên tại Việt Nam; hay các sản phẩm tiêu sạch, Phúc Sinh cũng là một trong những công ty xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên tại Việt Nam.
Ngoài ra, Phúc Sinh còn là doanh nghiệp dám tiên phong trong việc mở rộng thị trường. Khi nhận thấy dư địa của thị trường nội địa đã vơi dần, Phúc Sinh đã mạnh dạn xuất khẩu ra quốc tế, từ đây, chúng tôi cũng tạo ra những công ty xuyên lục địa, có mặt trên 102 quốc gia trên thế giới và tạo ra những thị trường lớn ở châu Âu và Mỹ. Nhờ thành công của Phúc Sinh, nhiều công ty tư nhân khác cũng đã học hỏi.
- Vậy, trong tương lai, Phúc Sinh sẽ làm gì để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu?
Ông Phan Minh Thông: Thứ nhất, Phúc Sinh sẽ tiếp tục duy trì sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, bởi nếu thiếu sáng tạo sẽ không có được thành công.
Thứ hai, công ty tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực sản xuất. Năm nào Phúc Sinh cũng có dự án xây dựng nhà máy, đây là yếu tố quan trọng để duy trì vị thế của mình.
Thứ ba, công ty tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm mới, phá bỏ những rào cản với mục tiêu lớn là phủ rộng khắp thế giới.
Chung tay vì giai đoạn phát triển mới của đất nước
- Ở góc độ là một doanh nghiệp tư nhân, ông có kiến nghị như thế nào doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Ông Phan Minh Thông: Cần đẩy mạnh các chính sách về thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thực tế, khi cơ quan thuế nhận hồ sơ và kiểm tra, trong hàng nghìn hóa đơn của doanh nghiệp chỉ cần 1 hóa đơn chưa đúng, họ sẽ cho ách tắc lại toàn bộ. Tôi cho rằng, hóa đơn nào đúng thì cho hoàn thuế trước, đầu vào đầu ra rõ ràng thì cho hoàn thuế, không nên giữ lại hồ sơ và cơ quan thuế cần chủ động chịu trách nhiệm, không đổ dồn trách nhiệm cho bên khác. Hiện, điều bất hợp lý nằm ở chỗ một mặt khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất kinh doanh nhưng một mặt lại không hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Với các thông điệp chính trị gần đây, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và phải chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Ông đánh giá như thế nào về thông điệp này và Phúc Sinh đã có sự chuẩn bị gì cho giai đoạn mới này?
Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng. Bối cảnh này mở ra những cơ hội chưa từng có nhưng cũng không ít những thách thức. Hi vọng thời gian tới chúng ta sẽ thay đổi về tư duy quản lý, bên cạnh đó là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn.
Với Phúc Sinh, công ty đã đầu tư rất nhiều cho phát triển thị trường, kinh doanh hàng hóa, thuê nhà máy chế biến sâu và tuyển dụng. Giai đoạn chuyển mình quan trọng của đất nước chắc chắn sẽ mang lại cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhiều cơ hội. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội để vươn lên mạnh mẽ.
- Với công việc bận rộn như vậy, ông đã làm gì để cân bằng giữa công việc chung và công việc riêng?
Ông Phan Minh Thông: Tôi có một thú vui đó là viết lúc rảnh rỗi. Tôi đã viết rất nhiều câu chuyện, viết báo, viết sách… điều đó giúp tôi thư giãn rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách. Đồng thời, tôi luôn dành thời gian thư giãn bên gia đình sau thời gian giải quyết những công việc khó khăn, chồng chất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].
Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế'
- Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế 09/10/2024 05:00
- Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới 09/10/2024 12:30
- Sắp ra mắt Đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân 28/08/2024 11:33
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.