Kinh tế tư nhân trong sự phát triển và hưng thịnh của đất nước

Luật sư Ngô Quốc Kỳ - 18/10/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Kinh tế thị trường, do chính ngay từ bản chất của nó, bao giờ cũng bao hàm trong nó một nền kinh tế nhiểu thành phần, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, trụ cột.

Về mặt lịch sử, kinh tế tư nhân ra đời, tồn tại và phát triển trước cả khi xuất hiện nhà nước và kinh tế nhà nước. Nó tạo ra đại bộ phận hàng hoá và dịch vụ cho cả xã hội, phát triển, thúc đẩy và vận hành cả toàn bộ nền kinh tế. Thực tiễn hầu hết các nước phát triển có nền kinh tế thị trường hiện nay đã chứng minh cho nhận định đó.

Hiện nay ở hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao đều có những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng hậu với quy mô gấp nhiều lần GDP của nhiều nước khác. Chẳng hạn ở Mỹ là các tập đoàn như Apple, Microsoft, Meta, Hathaway, JP Morgan, ExxoMobil, Walmart… ở Trung Quốc là Alibaba, Huawei, ở Đài Loan là Formoza, Acer, Cathay… hay là các cheabol lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG, SK, Deawoo…

Mặt khác, cùng với sự ra đời và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thì cũng đồng thời xuất hiện hệ thống các doanh nghiệp và một tầng lớp doanh nhân ưu tú của nước đó. Đây là tầng lớp tinh hoa, không chỉ sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn từng bước góp phần tạo ra những giá trị tinh thần về văn hóa kinh doanh.

Ở Việt Nam, Hà Nội trước năm 1945 đã từng có những doanh nhân xuất sắc, như các cụ Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô... Còn ở Sài Gòn thời trước 1945 thì người dân đã từng quen biết nhiều những cái tên như “tứ đại phú hộ” là “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”, đó là các cụ Lê Nhất Sỹ - người được coi là giàu có hơn cả vua Bảo Đại, Đỗ Hữu Phương, Lý Tường Quan (còn gọi là Bá hộ Xường) và Hứa Bổn Hòa (còn gọi là Chú Hỏa); hay sau này là ông “Vua ngân hàng” Nguyễn Tấn Đời.

Các cụ không chỉ là các nhà tư sản dân tộc mà còn là những tấm gương tiêu biểu về tài năng kinh doanh, đạo đức kinh doanh và phụng sự đất nước. Cũng chính cụ Lương Văn Can (1854-1927), là một doanh nhân tiêu biểu, lại cũng đồng thời là người thầy đầu tiên của giới doanh nhân ở Việt Nam, đã nhiều lần nhấn mạnh và xiển dương “đạo làm giàu” với triết lý kinh doanh thực nghiệp được đúc kết gói gọn trong ba chữ: Tâm - Đạo - Đức.

Cụ Bạch Thái Bưởi, vua tàu thủy, một trong bốn người được xếp vào danh sách những doanh nhân giàu nhất miền Bắc đầu thế kỷ XX, cũng được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng và đề cao tinh thần dân tộc theo phương châm “Người Việt dùng hàng Việt” (Người ta thì đi tàu ta). Cụ Trịnh Văn Bô, nhà tư sản yêu nước là người đã giúp rất nhiều lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ còn “trứng nước”, sau tháng 8/1945, gia đình cụ đã ủng hộ Chính phủ hơn 5.000 cây vàng trong “Tuần lễ vàng”…

***

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện nay có khoảng 900.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân (bao gồm cả tiểu thương, hộ gia đình). Kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Riêng năm 2023, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 1,92 triệu tỷ VND, tăng 2,7% so với năm 2022, chiếm 56% vốn đầu tư toàn xã hội. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư 550 nghìn tỷ VND, tăng 5,4% so với cùng kỳ, chiếm 16%. Đồng thời, trong năm 2023 có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có số vốn đăng ký 1.521.259 tỷ đồng, cùng với 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trái lại, đã có 65.480 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 89.060 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Điều này chỉ ra môi trường kinh doanh hiện nay vẫn đang ẩn chứa nhiều thách thức lẫn cơ hội.

Những con số nói trên đã cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân góp phần quan trọng vào việc giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội. Kinh tế tư nhân đã tham gia vào việc phân phối các nguồn lực một cách có hiệu quả nhất, chủ động thích ứng với những điều kiện và hoàn cảnh luôn thay đổi. Mặt khác, kinh tế tư nhân phát triển, đến lượt nó lại thúc đẩy doanh nghiệp mới, góp phần giải quyết công ăn việc làm và sử dụng được nhiều lao động tại chỗ.

Thực tiễn hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân mấy chục năm qua đã bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Đã bước đầu xuất hiện một tầng lớp doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù như bất động sản, xuất khẩu cafe, thủy sản... Đó là lực lượng quan trọng, huy động được các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, đóng góp đáng kể vào GDP qua từng năm, từng bước tham gia vào liên doanh, liên kết quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân có chỉ số quay vòng vốn tương đối ổn định, có hiệu suất sử dụng vòng quay vốn hiệu quả hơn khu vực kinh tế nhà nước.

Luật sư Ngô Quốc Kỳ

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yếu kém cần sớm được khắc phục, chấn chỉnh để tiếp tục phát triển bền vững.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy, đó là năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp về kĩ năng, về trình độ sản xuất, công nghệ, năng lực quản trị... dẫn đến năng suất lao động còn thấp so với tiềm năng. Mặt khác, việc tiếp cận vốn tín dụng (cả tín dụng ngân hàng và tín dụng nhà nước) còn nhiều khó khăn, một phần do pháp luật liên quan còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính còn rườm rà, còn nhiều rào cản trong xúc tiến kinh doanh, phần nữa do các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng.

Báo cáo tài chính thiếu minh bạch. Tình hình tài chính còn yếu kém nên việc đầu tư vào máy móc, công nghệ còn hạn chế. Các yếu tố thể chế chính sách còn nhiều trở ngại. Các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh (như đầu tư, đất đai, đấu thầu...) còn nhiều bất cập. Khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn lực đất đai còn hạn chế (như việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, thu hồi đất).

Còn khá nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xuất hiện các biến tướng của giấy phép con (chẳng hạn, cho đến năm 2017 vẫn có đến 3500 điều kiện kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện). Chi phí cho hoạt động sản xuất còn cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp... Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh trái pháp luật, vi phạm pháp luật, trốn thuế, phá hoại môi trường do chạy theo lợi nhuận quá mức... cũng đang làm cho bức tranh về khu vực kinh tế tư nhân cần phải được chấn chỉnh kịp thời.

Kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới năm 1986, Đảng đã chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Chiến lược đó ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và là một trong những động lực to lớn để phát triển đất nước. Quan điểm nhất quán đó ngày càng được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, qua việc ban hành các chính sách về kinh tế, đặc biệt là được thể chế hóa bằng pháp luật, thông qua việc ban hành các bộ luật, luật và các văn bản dưới luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển.

Khởi đầu là Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật công ty 1990. Tiếp theo là các Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sau đó hợp nhất là Luật Đầu tư), Luật Đất đai, Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo hiểm, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... Các văn bản nói trên đã tạo thành hệ thống các quy định pháp luật, đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua. Cùng với Cương lĩnh xây dựng đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng qua từng giai đoạn, hệ thống các văn bản pháp luật đang trở thành công cụ hiệu quả nhất để điều chỉnh hoạt động của kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân thực sự ngày càng có vai trò to lớn, là trụ cột của nền kinh tế, cần những chuyển biến tích cực căn bản trên mọi bình diện, mọi giác độ của đời sống xã hội, nhằm tạo ra một giải pháp tổng thể, một chiến lược phát triển mới vì sự hưng thịnh của đất nước. Kinh tế tư nhân là một bộ phận tiêu biểu của kinh tế thị trường, có khả năng vận hành tương thích nhất với các quy luật của kinh tế thị trường vì nó lấy lợi ích làm động lực và cũng là mục tiêu của nó.

***

Phát triển kinh tế tư nhân là một yêu cầu có tính quy luật khách quan trong nền kinh tế thị trường. Coi kinh tế tư nhân phát triển nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Do đó, trên cơ sở nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nó, cần có những giải pháp để kinh tế tư nhân phát triển, phát huy được những mặt ưu điểm tích cực, hạn chế và ngăn ngừa được những tiêu cực, nhược điểm, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và thay đổi hoàn toàn của xã hội và nhận thức chung của cả hệ thống chính trị, tâm lý xã hội đối với vai trò và động lực của kinh tế tư nhân. Tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước. Xác lập vai trò kinh tế tư nhân trong mối liên hệ biện chứng với vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế và đẩy mạnh công cuộc hưng thịnh đất nước. Trên cơ sở đó, có chiến lược cho kinh tế tư nhân phát triển ổn định và lâu dài. Gắn quá trình phát triển kinh tế tư nhân với quá trình chuyển dịch và chuyển đổi nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó thể chế sở hữu là một trong những vấn đề cốt lõi.

Hoàn thiện chiến lược phát triển tổng thể và đảm bảo đồng bộ các yếu tố của thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường, bao gồm thị trường vốn (thị trường tài chính và thị trường tiền tệ), thị trường đất đai, thị trường công nghệ, thị trường lao động... cả ở các tầm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật đối với mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển lành mạnh. Tạo dư địa, không gian sinh tồn, phát triển và sáng tạo cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương đặt ra yêu cầu về một luật chơi chung, cũng đồng thời buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có “lưng vốn” về vốn, công nghệ, tiềm lực và năng lực kinh doanh.

Tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển: Vốn, đất đai, lao động, công nghệ, các dự án đầu tư công... Có cơ chế bảo đảm để chống lại “lợi ích nhóm’’ - Bắt đầu từ việc xây dựng luật, chống lại mọi biểu hiện của “chủ nghĩa thân hữu’’ trong kinh doanh.

Sớm cụ thể hóa các quy định sửa đổi về Luật đất đai, đặc biệt là quy định về đền bù, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất... Bên cạnh việc hoàn thiện về thông tin, thu thuế điện tử, cần giảm chi phí cho doanh nghiệp về thuế và phí.

Cải cách mang tính đột phá mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo phương châm “ba giảm”: giảm thời gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ. Tháo gỡ những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mạnh dạn xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, những can thiệp và rào cản hành chính gây lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp theo triết lý: “Ngày càng ít chính phủ hơn trong kinh doanh và ngày càng nhiều kinh doanh hơn trong chính phủ”, như lời Tổng thống thứ 29 của Mỹ Warren G. Harding – Người mà trước khi trở thành tổng thống, đã từng là một tỷ phú, một doanh nhân xuất sắc.

Trên cơ sở ưu tiên cho những nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp (về đất đai, khả năng tiếp cận tín dụng, cải cách hành chính), cần lưu ý đến những vấn đề trung hạn (chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô ổn định, lãi suất, tỷ giá…) và cả những chương trình dài hạn (về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận và hội nhập quốc tế...).

Có chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc khởi nghiệp các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở địa phương. Gắn chặt giữa hoạt động của đầu tư nước ngoài với phát triến kinh tế tư nhân ở địa phương. Trên cơ sở đó, thiết lập chuỗi cung ứng và liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn và mở rộng thị trường.

Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí và tiêu thức quản trị hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tạo lập và tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Coi trọng tiếng nói của các hiệp hội ngành nghề trong việc xây dựng và ban hành các chính sách của nhà nước về đầu tư.

Cuối cùng, tạo hành trang về các giá trị văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo làm giàu cho doanh nghiệp vì sự phát triển và phồn vinh đất nước, gắn các mục tiêu làm giàu của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân với cộng đồng, dân tộc. Xây dựng khát vọng làm giàu của mỗi doanh nghiệp hướng tới sự thịnh vượng của quốc gia.

***

Thế giới hiện đang có những biến động dữ dội về chính trị và kinh tế. Bên cạnh các cuộc chiến tranh đầy bất trắc (giữa Nga - Ukraine, giữa Israel - Palestin và các lực lượng Hamas, Hezbollah), còn là những vấn đề về năng lượng dầu mỏ, lương thực và an ninh phi truyền thống. Thế giới đang có những động thái chuyển động trái chiều, vừa hội nhập liên kết mạnh mẽ (EU, BRIC), lại vừa chia tách (Brexit).

Cùng với những diễn biến trên, các dòng vốn lớn cũng đang chuyển dịch để ứng phó với những rủi ro về địa - chính trị theo quy luật lợi nhuận và khả năng tiếp nhận vốn. Thực tế này cũng đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về chính sách vĩ mô, chiến lược quốc gia mà còn cả ở tầm vi mô từng doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang tạo ra nhiều không gian kinh tế mới và sản phẩm mới với những cơ hội và thách thức khổng lồ, tác động to lớn đến chuỗi sản xuất và cung ứng truyền thống.

Trong bối cảnh của những biến động mới này, sự phát triển thành công hay thất bại, tụt hậu, không chỉ là câu chuyện của từng quốc gia, mà còn là sự thách thức của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bởi dù muốn hay không, mỗi doanh nghiệp cũng đều phải lao vào một cuộc cạnh tranh bắt buộc để tồn tại và phát triển.

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: toasoan@vietnamfinance.vn.

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Ấn tượng kinh tế tư nhân: Sự máu lửa và đậm chất dân tộc Việt

Sự kiện VNF
(VNF) - Khối kinh tế tư nhân đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của đất nước. Và đằng sau sự phát triển đấy chính là sự máu lửa và đậm chất tinh thần dân tộc của con người Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Độ xa xỉ của 5 chuyên cơ bậc nhất chở tỷ phú thế giới đổ về Đà Nẵng

Độ xa xỉ của 5 chuyên cơ bậc nhất chở tỷ phú thế giới đổ về Đà Nẵng

(VNF) - Chiều 17/10, 5 siêu tàu bay Gulfstream hãng chuyên cơ đắt đỏ bậc nhất thế giới, gồm 1 tàu bay G600, 1 tàu bay G500, 1 tàu bay G650ER và 2 tàu bay G700 đã rời khỏi sân bay Đà Nẵng.

Loạt doanh nghiệp nước ngoài cắt giảm mạnh việc làm tại Trung Quốc

Loạt doanh nghiệp nước ngoài cắt giảm mạnh việc làm tại Trung Quốc

(VNF) - Nokia đã sa thải gần 2.000 người, tương đương khoảng 1/5 tổng số nhân viên trên khắp Trung Quốc. Công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ McKinsey mới đây cũng công bố cắt giảm 1/3 lực lượng lao động tại quốc gia tỷ dân.

OceanBank: Mở ra chương mới khi 'về' với MB

OceanBank: Mở ra chương mới khi 'về' với MB

(VNF) - Sau gần một thập kỷ, OceanBank đã chính thức về với MB. Việc chuyển giao này mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của OceanBank, song, tương lai của ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số.

Trung Quốc bơm hơn 560 tỷ USD cứu bất động sản: Vẫn chưa ‘đủ đô’?

Trung Quốc bơm hơn 560 tỷ USD cứu bất động sản: Vẫn chưa ‘đủ đô’?

(VNF) - Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc lao dốc trong phiên 17/10 sau khi các biện pháp do chính quyền công bố nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản đang suy thoái bị các nhà đầu tư và nhà kinh tế cho là quá rời rạc.

 Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung làm Tổng giám đốc làm VietinBank

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung làm Tổng giám đốc làm VietinBank

(VNF) - Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung vừa được bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị kiêm giữ chức vụ Tổng Giám đốc VietinBank từ ngày 17/10.

Vũ Văn Tiền: Doanh nhân giản dị với những khát vọng 'không hề giản đơn'

Vũ Văn Tiền: Doanh nhân giản dị với những khát vọng 'không hề giản đơn'

(VNF) - Là một trong những người giàu nhất Việt Nam, nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền lại có cuộc sống khá khiêm nhường và kín tiếng.

Bán 1,6 triệu cổ phiếu, May Nam Định tăng vốn gấp 1,5 lần

Bán 1,6 triệu cổ phiếu, May Nam Định tăng vốn gấp 1,5 lần

(VNF) - HĐQT Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco, UPCoM: NJC) thông qua thực hiện phương án chào bán 1,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến tăng vốn điều lệ gấp 1,5 lần.

Từ phục vụ lẩu đến CEO Haidilao có hơn 10 nghìn tỷ sau 24 năm

Từ phục vụ lẩu đến CEO Haidilao có hơn 10 nghìn tỷ sau 24 năm

(VNF) - Sự nghiệp thành công của Yang Lijuan - CEO Haidilao chính là kết quả của những nỗ lực phi thường.

Áp luật mới, Quảng Trị hủy, làm lại thủ tục gọi đầu tư 3 dự án BĐS

Áp luật mới, Quảng Trị hủy, làm lại thủ tục gọi đầu tư 3 dự án BĐS

(VNF) - Cả 3 dự án phải huỷ thông báo mời quan tâm và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư do trước ngày 1/8/2024 chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Chuyển giao OceanBank và CBBank, tiền gửi của người dân sẽ ra sao?

Chuyển giao OceanBank và CBBank, tiền gửi của người dân sẽ ra sao?

(VNF) - Đại diện NHNN cho biết, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ của khách hàng tại CBBank và OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.