Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sau 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn.
“Đội ngũ doanh nghiệp ngày càng trưởng thành”
- Thưa ông, là người có thời gian quan sát và dành nhiều thời gian cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các doanh nghiệp, doanh nhân luôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhìn lại 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi liên kết giá trị và lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới của cả nước đạt 10,5%/năm, tăng gấp hai lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ gia tăng số doanh nghiệp hoạt động là 15%, tăng khoảng 80% so với giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66% GDP cả nước, 30% tổng việc làm trong nền kinh tế, 97% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
Đặc biệt, trong những thời điểm gian nguy như đại dịch Covid-19, các doanh nhân đã thể hiện chính mình là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Dịch bệnh là tình huống bất khả kháng, gây ra những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải đối mặt nhưng cũng đã và đang tạo ra động lực để doanh nghiệp hoàn thiện, thích nghi, tận dụng cơ hội để tái cơ cấu, đổi mới và bứt phá mạnh mẽ hơn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.
Nhiều doanh nhân phản ánh đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại các nguồn lực để có thể phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều đó đã thể hiện rõ tinh thần dân tộc, tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, văn hoá kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể thấy lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cùng với hành trình Đổi mới đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành, tích lũy nhiều kinh nghiệm và nguồn lực, tôi luyện ý chí và nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách. Tinh thần kinh doanh được nâng cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt.
Hiện nay, bên cạnh các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, …các doanh nghiệp của Việt Nam có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc.
Trên bình diện quốc tế, đã có 6 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm 200 công ty niêm yết hàng đầu Châu Á với doanh thu trên 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp lớn đang từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn dắt.
- Nhưng hiện nay cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đối diện với không ít những khó khăn, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn. Đa số có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp), còn hạn chế về quy mô vốn, công nghệ, năng lực quản trị, tiếp cận thị trường, phần lớn chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc có tham gia thì ở công đoạn có giá trị gia tăng thấp.
Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn như sự biến động của kinh tế toàn cầu, xu hướng chuyển đổi số và áp lực về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều cơ hội mới, đặc biệt là từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực đổi mới, chủ động thích ứng với các xu hướng mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng các chuỗi giá trị là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vươn lên trong kỷ nguyên mới. Các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn cần mạnh dạn tiên phong đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ giải quyết những bài toán lớn của quốc gia.
Thành công của DN không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước
- Như vậy, gần 40 năm sau Đổi mới, từ một nước nhận đầu tư, Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế lựa chọn đầu tư ra nước ngoài là con đường để trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến điều này, vì sao doanh nghiệp Việt lại nhanh chóng lớn mạnh không ngừng như vậy, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Gần 40 năm sau khi chính sách Đổi mới được thực hiện, Việt Nam đã chuyển mình từ một quốc gia nhận đầu tư trở thành quốc gia có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh, chọn con đường đầu tư ra nước ngoài để khẳng định vị thế doanh nghiệp toàn cầu.
Việc các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, mà còn là kết quả của sự định hướng đúng đắn từ phía Đảng, Nhà nước, cùng với tinh thần khởi nghiệp và nỗ lực mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
Sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt nguồn từ chính sách Đổi mới được thực hiện từ năm 1986. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đổi mới đã được coi là bước đột phá, mở cửa nền kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, vai trò của kinh tế tư nhân đã dần được khẳng định và công nhận là một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Năm 1990, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, các doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên được công nhận chính thức. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Tiếp theo đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (2017) đã khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng, đóng góp mạnh mẽ vào GDP và tăng trưởng bền vững.
Sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam không thể thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước sthông qua các chính sách và cơ chế tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Với tinh thần kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, hệ thống pháp luật đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, trong đó Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp liên tục được sửa đổi để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Những cải cách trong thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường, giảm bớt những rào cản pháp lý, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển và mở rộng.
Một trong những động lực chính cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã ký kết và tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nước ASEAN. Những hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, giảm thuế quan và rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và nỗ lực vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lớn mạnh. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và tìm cách mở rộng thị trường, từ đó dần dần xây dựng được những thương hiệu lớn, không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn của Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài với giá trị lớn. Điển hình, tập đoàn Viettel xây dựng hạ tầng viễn thông tại nhiều quốc gia. Tập đoàn FPT cũng đã mở rộng hoạt động công nghệ thông tin tại nhiều nước, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, và châu Âu…
Các dự án này không chỉ mang lại nguồn lực thu đáng kể cho các doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý quốc tế, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh và chuyển giao kỹ năng, kiến thức, công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
Qua đó, giúp các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường quốc tế và gia tăng sự bền vững trong quá trình phát triển.
- Trong hành trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn đứng vững trước các thách thức lớn.
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của dự án, doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất,… Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị.
Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều quyết sách để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như: Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp theo các nhóm ngành nhằm lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường cho doanh nghiệp. Đơn cử như, để hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP quy định nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân 13 nước gia hạn thị thực.
Đây là một trong những quyết sách quan trọng góp phần đưa số lượng khách khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt trong năm 2023, vượt 57% mục tiêu ban đầu. Đây cũng là chính sách quan trọng tạo đà cho du lịch đạt mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực kinh tế mới như: kinh tế xanh, kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, khơi thông nguồn lực đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA đã ký kết; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước.
Thứ ba, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm 1-2% so với cuối năm 2022. Các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm tiền thuê đất, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Có thể khẳng định, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi và phát triển bền vững.
Ngoài các chính sách hỗ trợ ngắn hạn, mang tính thời điểm, Chính phủ còn chú trọng đến việc phát triển bền vững doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Chính phủ đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, sản xuất xanh và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó cải thiện hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đây là những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược nhằm hỗ trợ và phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, góp sức cùng cả nước để tiến bước vào kỷ nguyên mới đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế'
- Đón đọc Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 10/10/2024 09:33
- Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế 09/10/2024 05:00
- Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới 09/10/2024 12:30
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.