Hỗ trợ kinh tế tư nhân: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế?
(VNF) - Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng biện pháp dài hạn đẩy mạnh cải cách tái cơ cấu kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là phát triển khu vực tư nhân, tăng cường lĩnh vực tài chính ngân hàng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khai thác tối đa các nhân tố mới cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và nền kinh tế số.
- Theo đánh giá của ông, thời điểm hiện tại, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói riêng đang gặp phải những khó khăn như thế nào?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 không thay đổi, ở mức 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Dự báo tăng trưởng tích cực này dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, khu vực sản xuất cho xuất khẩu – một trong những động lực phục hồi chủ yếu – dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới. Nhìn chung, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại so với nửa đầu năm do những khó khăn kéo dài.
Là nền kinh tế có độ mở cao, sản xuất chế biến chế tạo chủ yếu hướng đến xuất khẩu, thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ bên ngoài với triển vọng suy giảm của kinh tế toàn cầu. Dự báo thời điểm và mức độ chuyển hướng chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ từ thắt chặt tiền tệ sang nới lỏng đã gần kề, là yếu tố quan trọng có thể tác động đến quá trình phục hồi nhu cầu từ bên ngoài và hoạt động thương mại toàn cầu.
Hơn nữa, bất ổn chính trị bắt nguồn từ nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới (như ở EU và Hoa Kỳ) rất khó đoán định và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Đánh giá khách quan, sau năm 2023 có nhiều khó khăn do sụt giảm xuất khẩu, năm 2024 xuất khẩu đã phục hồi nhanh có thể bù đắp lại sụt giảm của năm trước.
Ở trong nước, nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng còn hạn chế mặc dù chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn tiếp tục. Phản hồi của các doanh nghiệp cho thấy khó khăn nội địa đóng vai trò chủ đạo, trên 50% số doanh nghiệp nhận định khó khăn về nhu cầu nội địa yếu và cạnh tranh nội địa cao, so với chỉ 30% doanh nghiệp nhận định khó khăn do cầu xuất khẩu yếu.
Đồng Việt Nam mất giá khoảng 5% trong nửa đầu năm 2024 làm tăng thêm áp lực lạm phát từ giá nhập khẩu cao hơn. Xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nền kinh tế định hướng xuất khẩu khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Trong năm 2024 và thời gian tới, khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước còn yếu, đầu tư công và chính sách tài khoá vẫn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công tăng 1% sẽ tương ứng với tăng trưởng kinh tế tăng 0,058%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với theo kế hoạch vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng 48% kế hoạch năm sau 8 tháng, so với mục tiêu 95% đề ra từ đầu năm 2024. Do đó, cần phải có kế hoạch và các biện pháp triển khai quyết liệt thì động lực này mới phát huy được tác dụng.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, với nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn hán kéo dài vào đầu năm nay. Năm nay được dự báo sẽ có mưa nhiều hơn, điều này có thể có lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng đồng thời lại làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và các rủi ro thiên tai khác cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ để có những biện pháp giảm thiểu.
- Những khó khăn đó đã tác động như thế nào tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?
Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, chúng ta hãy xem xét các tác động bất lợi từ bên ngoài. Nhu cầu toàn cầu yếu đi do căng thẳng địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp và sự phục hồi kinh tế chậm chạp của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam sẽ ảnh hướng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong khu vực sản xuất, chế biến chế tạo cho xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng và sự cạnh tranh khốc liệt từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các ngành hàng dệt may và điện tử. Tuy kết quả xuất nhập khẩu năm 2024 đến nay cho thấy phục hồi khả quan, triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới dự kiến sẽ nhiều khó khăn hơn, khó đạt được tốc độ cao như nửa đầu 2024.
Một điều cần lưu ý là tăng trưởng của Việt Nam dựa vào xuất khẩu, nhưng hoạt động xuất khẩu chủ yếu là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu gần gấp đôi tổng mức xuất siêu của cả nước, trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu ở mức cao.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh thương mại của các doanh nghiệp trong nước trong trung và dài hạn. Kết nối giữa doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế, thể hiện ở tỷ lệ giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, mặc dù đã có một số cải thiện đáng kể, nhiều thủ tục hành chính rườm rà vẫn chưa được giải quyết, làm tăng chi phí kinh doanh, khiến việc đầu tư kinh doanh trong nước còn khó khăn.
Theo quy luật, khi kinh tế khó khăn thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ kém đi, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và tài sản, giảm nhu cầu đầu tư và có thể cắt giảm thu nhập cho nhân viên, dẫn đến tiêu dùng sụt giảm. Các khó khăn này của doanh nghiệp sẽ được giải quyết khi nền kinh tế chuyển sang chu kỳ tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp cần phải bám trụ thị trường và tồn tại qua thời kỳ khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần tập trung hơn vào phát triển thị trường nội địa thông qua việc tiếp tục các nỗ lực cải cách cơ cấu, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cấp công nghệ, áp dụng chuyển đổi số, đồng thời củng cố lĩnh vực tài chính - ngân hàng để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, cần có các chính sách khuyến khích và tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước với các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Đó cũng là những cải cách mang tính quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và đảm bảo cho việc củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia, từ đó đảm bảo cho sự phục hồi và phát triển bền vững trong dài hạn.
- Trong bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nói riêng?
Nguyễn Bá Hùng: Phải khẳng định một cách công bằng là Việt Nam khá thành công trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và có chính sách điều hành kinh tế hiệu quả, giúp nền kinh tế vượt qua nhiều thách thức do sự bất ổn của kinh tế toàn cầu trong những năm qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, áp lực lạm phát tăng cao và đồng USD mạnh, những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều phối chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm cân bằng kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng rất đáng ghi nhận.
Thời gian qua, các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ ưu tiên chú trọng, từ cải cách hành chính đến sử dụng chính sách tài khóa trong các chương trình kích cầu tiêu dùng và tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp. Việc tăng lương gần đây đã hỗ trợ phục hồi nhu cầu trong nước. Trong 6 tháng cuối năm 2024, ước tính các biện pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt khoảng 98 nghìn tỷ đồng; bao gồm việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Các chính sách tiền tệ đã được áp dụng linh hoạt vừa kiềm chế lạm phát vừa giữ lãi suất ở mức tương đối thấp để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.
Tuy nhiên, việc thực hiện và phối hợp các chính sách vẫn còn nhiều chỗ cần được cải thiện. Những hạn chế ở các thị trường vốn kém phát triển, sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng và những thách thức về nợ xấu đã thu hẹp dư địa nới lỏng tiền tệ. Nới lỏng tiền tệ hơn nữa có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống, dẫn đến bong bóng tài sản và gia tăng rủi ro lạm phát. Trong khi đó, vị thế tài khóa vẫn tương đối ổn định do nợ công đã được kiểm soát, thu ngân sách tăng và kỷ luật tài khóa được thắt chặt.
Do đó, còn nhiều dư địa cho chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tài khóa sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy cầu trong nước, chia sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ.
- Thời gian tới, theo ông, trong việc hỗ trợ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, chúng ta nên tập trung vào chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ, thưa ông?
Nguyễn Bá Hùng: Hiện nay, chính sách tiền tệ đã đem lại những hiệu quả tích cực, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, do vậy cú hích quan trọng sẽ phải từ chính sách tài khóa với các biện pháp giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ cho đầu tư công, cũng như đẩy mạnh an sinh xã hội. Chính sách tài khoá mở rộng trong bối cảnh cầu yếu và lạm phát được kiểm soát sẽ là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Đối với chính sách tài khóa, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như giảm, hoãn một số loại thuế, phí, Việt Nam có thể nghiên cứu các giải pháp tài khóa dài hạn khác, như đẩy nhanh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, hoặc sử dụng chính sách tài khóa để đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư công nghệ.
Việc tăng lương cơ bản từ tháng 7/2024 là một biện pháp tích cực để kích cầu nội địa. Đối với an sinh xã hội, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình việc làm và thu nhập sụt giảm, Chính phủ có thể xem xét trợ cấp bằng tiền đối với nhóm người lao động bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm. Phần trợ cấp sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, đến khi nền kinh tế phục hồi trở lại, họ có thể quay lại tham gia vào thị trường lao động.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng điểm, đầu tư công tiếp tục là giải pháp rất quan trọng, vừa giúp kích cầu trước mắt, vừa tạo điều kiện để có hạ tầng tốt hơn, từ đó có thể tạo ra xung lực cho tăng trưởng trong dài hạn.
Nếu Chính phủ sử dụng các giải pháp tài khóa hợp lý, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, cùng với hỗ trợ phúc lợi xã hội, trợ cấp người lao động yếu thế và đẩy nhanh đầu tư công, triển vọng tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian tới là hết sức khả thi.
- Cuối cùng, ông có kiến nghị như thế nào để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại?
Theo dõi biến động của kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và 2024, chúng ta cần lưu ý rằng nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều những khó khăn thách thức từ bên ngoài và nội tại. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như tài khóa và tiền tệ nói trên, biện pháp dài hạn đẩy mạnh cải cách tái cơ cấu kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là phát triển khu vực tư nhân, tăng cường lĩnh vực tài chính ngân hàng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khai thác tối đa các nhân tố mới cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và nền kinh tế số.
Hiện tại, để kích thích phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư công là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Để thúc đẩy những động lực này, Chính phủ cần tập trung vào việc mở rộng chính sách tài khóa trong ngắn hạn để chi tiêu công có thể được thực hiện hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ có thể tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, qua đó cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng đầu tư và mua sắm. Ngoài ra, Chính phủ có thể tiếp tục giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp và cá nhân. Điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân vì cùng với một lượng tiền khả dụng, người ta có thể mua nhiều hàng hóa hơn nếu mức thuế được giảm.
Nhiều doanh nghiệp tuy đã có nhiều cố gắng trong chuyển đổi công nghệ, cải thiện năng lực quản lý nhưng vẫn cần được hỗ trợ nhiều hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ số sẽ cần một lượng lớn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, khai thác các động lực tăng trưởng mới như Chính phủ đã ký vọng.
Phát triển đồng bộ thị trường vốn, tài chính tiền tệ theo các xu hướng mới như tài chính xanh, bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thời hạn dài hơn với chi phí thấp hơn cũng sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao nguồn lực của doanh nghiệp.
Cuối cùng, cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm thiểu chi phí tuân thủ và minh bạch trong quản lý nhà nước vẫn là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường và doanh nghiệp trong dài hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế'
- Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế 09/10/2024 05:00
- Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới 09/10/2024 12:30
- Đưa kinh tế tư nhân thành động lực hàng đầu 08/02/2024 04:34
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.