EU thất bại trong việc cấm dầu Nga, đưa ra dự báo kinh tế ‘ảm đạm’
Quỳnh Anh -
17/05/2022 15:02 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi các quốc gia thành viên vẫn chưa thể đi đến thống nhất để đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga sau hơn 10 ngày đàm phán, thì Liên minh châu Âu mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khối do ảnh hưởng từ sự lo ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng.
Theo người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã không thống nhất được đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, sau hơn 10 ngày đàm phán, trong đó Hungary dẫn đầu một nhóm nước phản đối biện pháp này.
Ông Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình huống này. Tôi không thể đảm bảo rằng điều đó sẽ xảy ra vì các lập trường được đưa ra đều rất kiên định”.
Đề xuất cấm vận đối với dầu thô của Nga là một phần của gói trừng phạt thứ 6, được đề xuất vào ngày 4/5, liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Ông Borrell thừa nhận rằng một số quốc gia thành viên “đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì họ phụ thuộc nhiều hơn, vì họ nằm trong đất liền” và “họ chỉ có dầu thông qua đường ống và đến từ Nga”.
Các nước EU phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, bao gồm Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria, đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm.
Chính phủ Hungary nói rằng một lệnh cấm vận sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này, đồng thời cho rằng EU phải để cho các quốc gia này có “thời gian đệm” kéo dài 2-3 năm trước khi hoàn toàn cắt đứt việc nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng khối đã thất bại trong việc tìm ra cách giảm thiểu thiệt hại từ lệnh cấm vận.
Kể từ cuối tháng 2, các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga về hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine. Các hình phạt bao gồm cấm nhập khẩu than, đóng băng tài sản của Nga, đóng cửa bầu trời đối với máy bay Nga, đưa các doanh nghiệp vào danh sách đen và nhiều biện pháp khác.
Ngoài việc cấm máy bay của EU bay vào không phận của mình, phản ứng của Nga cho đến nay chủ yếu chỉ giới hạn ở các lệnh trừng phạt đối với một số công ty liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga và yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” phải trả cho khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng ruble.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 16/5 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khối 27 quốc gia trong bối cảnh các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung năng lượng.
Theo EC, tăng trưởng GDP thực tế ở cả EU và khu vực đồng EUR sẽ là 2,7% vào năm 2022, giảm so với mức dự báo 4% từ 3 tháng trước.
Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại còn 2,3% trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 2,8% ở EU và 2,7% ở khu vực đồng EUR.
Báo cáo của EC cho biết: “Triển vọng của nền kinh tế EU trước khi chiến tranh bùng nổ là một sự mở rộng kéo dài và mạnh mẽ”, đồng thời cho biết thêm rằng “chiến tranh đang làm trầm trọng thêm những khó khăn tồn tại từ trước đối với tăng trưởng, vốn trước đây được cho là sẽ giảm bớt”.
Với giá năng lượng đã tăng vọt trong năm nay, lạm phát dự kiến sẽ ở mức trung bình 6,1% vào năm 2022 và đạt mức cao nhất là 6,9% trong quý hiện tại, EC cho biết. Trước đó, lạm phát đạt 7,5% trong tháng 4, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử của liên minh tiền tệ.
Ủy ban lưu ý rằng “tác động chính đối với nền kinh tế toàn cầu và EU là do giá hàng hóa năng lượng. Mặc dù chúng đã tăng đáng kể trước chiến tranh, nhưng từ mức thấp được ghi nhận trong thời kỳ đại dịch, sự bất ổn về chuỗi cung ứng đã gây áp lực tăng giá, đồng thời làm tăng sự biến động của chúng”.
Báo cáo cũng cho biết trong khi áp lực lạm phát gia tăng, GDP toàn cầu hiện dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm so với mức 5,7% được dự đoán trước đó.
Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cho năm nay cũng được cắt giảm xuống còn 2,9%, với lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 7,3% trước khi giảm xuống 3,1% vào năm 2023.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone