Tài chính quốc tế

G7 áp giá trần lên dầu Nga: Lệnh có cũng như không, trừng phạt chẳng ai sợ

(VNF) - Việc Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) áp quy định giá trần lên dầu Nga dường như không có tác dụng khi mới đây Bloomberg dẫn dữ liệu cho thấy các tàu chở dầu có dịch vụ bảo hiểm an toàn của phương Tây vẫn tiếp tục chở dầu Nga dù giá dầu thô Urals đã vượt mức trần 60 USD/thùng.

G7 áp giá trần lên dầu Nga: Lệnh có cũng như không, trừng phạt chẳng ai sợ

Doanh thu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga đã tăng 20% trong tháng 7.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá dầu loại Urals hàng đầu của Nga đã vượt qua giới hạn giá 60 USD/thùng mà Liên minh châu Âu (EU) và G7 đặt ra vào tháng 12 năm ngoái. Tại thời điểm ngày 18/8, dầu Urals được giao dịch ở mức khoảng 71 USD/thùng tại các cảng của Nga.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới việc các tàu chở dầu có dịch vụ bảo hiểm an toàn của phương Tây vẫn tiếp tục vận chuyển dầu của Nga, theo Bloomberg.

Các tàu vận chuyển của phương Tây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng xăng dầu của Moscow. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga thuộc sở hữu hoặc được bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt giá trần. 

Theo đúng quy định, giá dầu của Nga cần phải thấp hơn hoặc bằng 60 USD để các công ty ở Mỹ, EU hoặc G7 cung cấp các dịch vụ như tàu vận chuyển và bảo hiểm, nhưng tất cả những gì các công ty cần làm trên thực tế là nhận được một cam kết bằng văn bản nhằm chứng thực rằng hàng hóa đã được mua dưới ngưỡng đó.

Bà Megan Apper, phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thị trường để phát hiện các vi phạm tiềm ẩn về giới hạn giá. Điều đáng chú ý là các giao dịch trên 60 USD không sử dụng dịch vụ của liên minh thì không vi phạm giá trần. Trong khi đó, một tỷ lệ đáng kể các giao dịch dầu mỏ của Nga vẫn sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ của liên minh”.

Các công ty bảo hiểm đã phàn nàn công khai về những rủi ro khi bảo hiểm hàng hóa bằng cách sử dụng hệ thống chứng nhận trong những tháng gần đây. 

Các chủ tàu chở dầu và các công ty bảo hiểm lập luận rằng họ không thể biết giá dầu chính xác kể từ khi phương Tây áp đặt giá trần, vì các giao dịch dài hạn có thể khác với giá thị trường ngắn hạn.

Nga thu lợi lớn từ xuất khẩu dầu

Bất chấp các biện pháp áp giá trần từ G7 hay lệnh cấm nhập khẩu từ EU, doanh thu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga đã tăng 20% trong tháng 7, lên tới 15,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với tháng trước đó, ghi nhận mức cao nhất trong 8 tháng trở lại đây.

Số liệu của IEA cho thấy giá trung bình dầu Nga xuất khẩu qua đường biển tăng 8,84 USD lên 64,41 USD/thùng trong tháng trước.

Theo IEA, Nga được hưởng lợi từ giá dầu thế giới lên cao. Bên cạnh đó, chênh lệch giá giữa dầu loại Urals hàng đầu của Nga và dầu Brent đã thu hẹp lại, chỉ còn 4 USD/thùng.

"Sự chênh lệch giá phản ánh căng thẳng nguồn cung ngày càng gia tăng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm cung và nhu cầu lọc dầu tăng lên sau thời kỳ bảo dưỡng các nhà máy", IEA nhận định.

Dữ liệu của IEA cũng cho thấy sản lượng xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ giảm bớt nhưng hai nước này vẫn là điểm đến cho 80% dầu xuất khẩu của Nga.

Dù xuất khẩu dầu thô giảm nhưng Nga lại tăng xuất khẩu các sản phẩm từ dầu, do đó Nga vẫn duy trì tổng lượng dầu xuất khẩu ở mức 7,3 triệu thùng/ngày như tháng 6.

Xem thêm >> Thanh niên Trung Quốc ‘mất ngủ hàng đêm’ vì khó tìm việc làm

Tin mới lên