Nga 'bất lực' để 39 tỷ USD mắc kẹt tại các ngân hàng Ấn Độ
Thanh Tú -
20/08/2023 10:37 (GMT+7)
(VNF) - Nga đã tăng nguồn cung dầu cho Ấn Độ gấp 11 lần và triển khai giao dịch bằng đồng rupee (đồng nội tệ Ấn Độ) do hạn chế bởi các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, vì điều này, các nhà xuất khẩu của Nga đã phải đối mặt với việc không thể nhận được tiền cho số dầu họ bán và con số này đã lên tới 39 tỷ USD, theo Reuters.
Số rupee mà Nga tích lũy được trong các ngân hàng Ấn Độ tăng do sự mất cân bằng thương mại giữa Nga và Ấn Độ. Hiện tại, chênh lệch trong trao đổi thương mại song phương đang nghiêng về phía Nga.
Nguồn cung hàng hóa từ Ấn Độ, có thể được chi bằng đồng rupee, là không đáng kể. Từ tháng 1- 5, chúng chỉ đạt 639 triệu USD, trong khi xuất khẩu của Nga sang thị trường Ấn Độ cao gấp 40 lần, lên tới 26,5 tỷ USD.
Tại một cuộc họp báo ở New Delhi hồi tuần trước, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ Dinesh Kumar Sarraf, thừa nhận rằng vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Ông cho rằng nguyên nhân của sự mất cân bằng thương mại là do lệnh trừng phạt đối với Nga. Do đó, các khoản thanh toán bằng USD là quá rủi ro.
Xung đột Nga - Ukraine đã vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Ấn Độ và Trung Quốc hiện đã trở thành hai nước nhập khẩu chính dầu thô của Nga.
Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng khoảng 85% nhu cầu dầu thô. Trước khi xung đột Ukraine diễn ra, nước này chỉ nhập 2%-3% từ Nga. Tuy nhiên, việc Nga giảm giá dầu để tìm thị trường thay thế ở châu Á đang khiến Ấn Độ là bạn hàng thân thiết.
Ban đầu, Nga muốn khuyến khích Ấn Độ dùng đồng nội tệ trong thương mại hai nước do các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt và loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, việc ruble biến động lớn sau chiến sự khiến cơ chế thanh toán rupee – ruble với dầu thô bị hủy bỏ.
Hiện các nhà xuất khẩu của Nga không thể sử dụng đồng rupee mà họ nhận được sau khi bán hàng hóa cho Ấn Độ, bởi vì việc rút tiền nói trên bị chặn theo quy định của New Delhi. Ngân hàng Trung ương nước này hiện cấm lưu thông tiền tệ của họ ra bên ngoài đất nước.
Chỉ có một cách duy nhất để Nga sử dụng số tiền của mình ở thời điểm hiện tại, đó là dùng khoản tiền mắc kẹt tại Ấn Độ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại chính quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, khả năng này được cho là khó xảy ra bởi Nga vẫn đang muốn mang tiền bán dầu về để chi tiêu.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.