Gặp Thủ tướng, Chủ tịch ACV và Tân cảng Sài Gòn đồng loạt xin tăng vốn

Chí Bình - 03/03/2024 16:43 (GMT+7)

(VNF) - Tại cuộc gặp đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu ngày 3/3, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Chủ tịch Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đều kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt và chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Huy động tư nhân đầu tư hạ tầng sân bay

Theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, năm 2023, doanh nghiệp này đã thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng trưởng đạt 15%. Đặc biệt, sản lượng hành khách quốc tế tăng trưởng đến 173%. Các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của tổng công ty đều vượt kế hoạch.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, tổng công ty đã thành công đưa vào khai thác vượt tiến độ các công trình trọng điểm nhà ga T2 Phú Bài, mở rộng cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện Biên. Đồng thời, khởi công đồng loạt các hạng mục quan trọng của 2 dự án mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất và xây dựng cảng hàng không Long Thành.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh.

Hiện ACV đang triển khai đồng loạt các dự án với tổng mức đầu tư là 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm thực hiện kế hoạch trung hạn.

Ngoài các dự án trọng điểm thì có cả các dự án mà Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạo, và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thông qua, đưa vào kế hoạch trung hạn như Đồng Hới, Tuy Hòa…

"Như vậy, đến năm 2025, 2026, tổng công suất sẽ lên hơn 150 triệu hành khách/năm, do đó tổng tài sản của tổng công ty cũng sẽ lên đến khoảng 115.000 tỷ đồng, so với 45.000 tỷ đồng của năm 2016 khi thực hiện cổ phần hóa", Chủ tịch ACV nói.

Để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo ACV kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của tổng công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, giảm sự chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

ACV cũng kiến nghị thông qua cơ chế chung về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không. Đồng thời, sớm phê duyệt triển khai đề án xã hội hóa; huy động khối tư nhân cùng ACV trong việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Đề xuất cho DNNN giữ lại lợi nhuận sau thuế

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn đề nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó cần cụ thể hóa các quy định về vốn Nhà nước, vốn của DNNN, về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của DNNN đầu tư vào doanh nghiệp khác, trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư...

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn.

Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN theo hướng cho phép một số DNNN kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn mong Chính phủ tạo điều kiện để tổng công ty tiếp nhận, đầu tư và khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trọng điểm về kinh tế.

Doanh nghiệp này cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho tổng công ty được phát triển các dự án trọng điểm vừa tạo thế cạnh tranh bền vững vừa đảm bảo thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là chấp thuận và tạo điều kiện để tổng công ty tăng vốn điều lệ từ 6.931 tỷ đồng lên 10.445 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác