'Giá điện 2 thành phần, phải làm dù có khó khăn'
(VNF) -Chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và thực hiện biểu giá điện hai thành phần là phù hợp, cần thiết để có biểu giá điện bền vững, tránh bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Xây dựng hệ thống 2 biểu giá điện
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi báo cáo đề xuất triển khai cơ cấu giá điện 2 thành phần lên Bộ Công Thương, bao gồm giá công suất và giá điện năng. Bộ Công Thương sẽ xem xét xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng.
Cụ thể, giá điện 2 thành phần gồm phần giá mà người sử dụng điện phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần phải trả cho lượng điện năng tiêu thụ. Các nước trên thế giới đa phần đều áp dụng theo hình thức này, trong khi đó, Việt Nam đang duy trì cơ chế giá bán theo một thành phần điện năng tiêu dùng, nghĩa là tính theo lượng điện năng thực tế sử dụng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, giá điện 2 thành phần có thể hiểu tương tự giá cước điện thoại cố định, tức là một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ 2 là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.
Trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị tư vấn, EVN đề xuất xây dựng hệ thống 2 biểu giá. Với hệ thống biểu giá cơ sở, hệ thống giá điện hai thành phần này dựa trên nền tảng của chi phí biên dài hạn và điều chỉnh theo các đặc điểm hộ tiêu dùng.
"Phương án này phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chỉ có nhóm khách hàng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt", EVN cho hay.
Còn hệ thống biểu giá khác, sẽ áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, áp dụng cho các khách hàng theo Nghị định 80 năm 2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
"Do giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được Chính phủ, Bộ ngành điều tiết nên cần phải điều tiết biểu giá hai thành phần trong điều kiện đang tồn tại 2 hệ thống giá (giá hiện hành và giá 2 thành phần)", báo cáo nêu.
Cũng tại báo cáo lần này, EVN đề xuất lộ trình triển khai được chia thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu sẽ tiến hành thử nghiệm trên dữ liệu thực tế, đồng thời vẫn áp dụng biểu giá hiện hành để tính hóa đơn cho đến hết năm 2024. Dữ liệu từ giai đoạn này sẽ được sử dụng để so sánh, đánh giá và hoàn thiện biểu giá hai thành phần.
Giai đoạn kế tiếp sẽ tiến hành áp dụng chính thức biểu giá hai thành phần cho nhóm khách hàng đã lựa chọn. Song song với đó, cần hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi.
Dự kiến từ đầu năm 2025, biểu giá điện hai thành phần sẽ được áp dụng thí điểm cho toàn bộ khách hàng sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng quy định tại nghị định 80/2024/NĐ-CP, thay thế cho biểu giá hiện hành. Các nhóm khách hàng khác sẽ tiếp tục thực hiện theo biểu giá hiện hành.
“Phải làm dù có khó khăn”
Đánh giá về đề án giá điện 2 thành phần của EVN, PGS.TS Trần Văn Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc khách hàng sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm khiến ngành điện phải huy động các nhà máy có giá thành cao, dẫn đến bán ra không đủ bù lỗ. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện biểu giá điện hai thành phần là phù hợp, cần thiết để có biểu giá điện bền vững, tránh bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
"Tuy nhiên, việc xây dựng biểu giá điện 2 thành phần sẽ phức tạp, cần có phương án quyết liệt, phù hợp, tránh "đẽo cày giữa đường" nếu phát sinh nhiều ý kiến đóng góp" ông Bình lưu ý.
Vị chuyên này cũng nhấn mạnh, áp dụng biểu giá điện hai thành phần là "phải làm dù có khó khăn".
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.
Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kWh hoặc đ/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện.
Dưới góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc thay đổi cơ chế tính giá điện cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp để chuyển đổi sang cạnh tranh bán lẻ điện.
Theo đó, các mức giá chi phí dịch vụ mang tính độc quyền tự nhiên (truyền tải điện, phân phối điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện) cần xác định một cách minh bạch và mang tính dài hạn.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cần được tách bạch rõ ràng, độc lập với giá bán lẻ điện khi đó mức giá điện sẽ hoàn toàn phản ánh đúng chi phí đầu vào theo đúng nguyên tắc thị trường cạnh tranh.
Giá điện tăng thêm gần 5% ngay khi EVN báo lỗ xấp xỉ tỷ USD
- Giá điện: 'Tính đúng, tính đủ không phải EVN tính bao nhiêu cũng được' 11/10/2024 07:30
- Giá điện bất cập do chính sách… ổn định quá 04/09/2024 07:00
- Từ 2025, áp dụng giá điện 2 thành phần tới mọi khách hàng 09/04/2024 09:27
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.