Giá điện bất cập do chính sách… ổn định quá
(VNF) - Theo các chuyên gia, nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, không có động lực để phát triển thêm nguồn điện. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Đáng nói, một phần nguyên nhân của tình trạng này là do… chính sách ổn định quá.
Giá điện chưa theo cơ chế thị trường
Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất hiện nay gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào sản xuất điện chính là bất cập về giá điện. Hiện, cơ cấu giá thành, cách tính giá điện còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là trong bối cảnh tình hình giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao, tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện ngày càng cao.
Phân tích cụ thể về tình hình giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá điện hiện nay đang có 4 bất cập rất lớn.
Bất cập thứ nhất có tính bao trùm là giá điện chưa theo cơ chế thị trường. Điều này được đánh giá trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, khi cho rằng chính sách năng lượng chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.
Theo đó, toàn bộ chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất điện: than, khí, dầu, tỷ giá... đã theo thị trường nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của chi phí đầu vào; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Chính cách điều hành này khiến sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn. Ngành điện bị lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng trong 2022 - 2023.
Bất cập thứ hai là giá điện hiện nay được kỳ vọng gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu. Có những mục tiêu ngược chiều nhau và việc xử lý hài hòa các mục tiêu không đảm bảo được mong muốn đặt ra. Do đó, nhà điều hành phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, xem đâu là mũi nhọn.
“Phải dùng những biện pháp như thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện, chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát; phải tính toán lại chính sách phát điện từ chính sách thị trường này”, ông Thỏa nói.
Bất cập thứ ba là cơ chế bù chéo giá điện đã kéo dài, lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. “Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu phải chấm dứt bù chéo trong giá điện, việc này chúng tôi cũng đang đề nghị đưa vào Luật Điện lực mới, phải luật hóa yêu cầu này”, ông Thỏa chia sẻ.
Bất cập thứ tư là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội, do đó nếu giảm giá điện thì ngành điện phải tự gánh vác. Ví dụ như trong dịch COVID-19, nhà nước quyết định giảm giá điện nhưng không quy định chính sách để điều tiết thị trường hợp lý. “Đây là lý do khiến chính sách giá điện vẫn còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thỏa nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động, cũng cho rằng một khi giá bán điện không theo thị trường thì không thể thu hút được nhà đầu tư. Trong khi đó, tốc độ phát triển của nguồn so với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại đang không tương xứng.
"Nguồn thủy điện hiện tại cơ bản khai thác được hết tiềm năng. Nhiệt điện than theo lộ trình của Chính phủ sẽ tiết giảm đến năm 2030, đâu đó sẽ dừng ở năm 2050 theo chương trình Net Zero. Đương nhiên, giá cho điện năng lượng tái tạo rất lớn, bởi suất đầu tư cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bình quân của thị trường và sẽ ảnh hưởng đến giá của EVN cũng như Chính phủ", ông Tuấn dẫn chứng.
Tại chính sách… ổn định quá
Lý giải về nguyên nhân của những bấp cập này, ở góc độ lập pháp, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng hiện nay có vẻ chính sách của chúng ta ổn định quá.
Ví dụ Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… Tuy nhiên thực tế ngành điện thay đổi rất nhanh chóng nên sự ổn định là chậm thay đổi.
Về mặt nội dung, ông Hiếu cho rằng vì đầu tư ngành điện rất lớn, đứng từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ; nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt.
Trong một số trường hợp, chính sách thiếu sự đồng bộ, ví dụ chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ.
Thứ ba là cơ sở pháp lý, nhà đầu tư cần sự vững chắc thì chúng ta đang điều hành khá nhiều ở quyết định, điều này cần phải xem xét.
Thứ tư là thiếu tính thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững.
Giá điện phải theo nguyên tắc thị trường
Để bảo đảm mục tiêu khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, các chuyên gia đều cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là giá điện phải được tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường.
Nguyên do là nếu giá điện không tính đúng, tính đủ thì ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, không có động lực để phát triển thêm nguồn điện. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, đời sống sinh hoạt người dân...
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, cho rằng nếu điều này xảy ra, thiệt hại sẽ là cực kỳ lớn và hệ lụy sẽ vô cùng nhiều. Ông Hồi dẫn chứng 2023 là năm điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ.
“Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết. Điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào. Nền kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không có đầu vào đó thì không vận hành được. Mà nền kinh tế không vận hành thì không có tăng trưởng, không có gì cả. Đấy là về phương diện kinh tế, chúng tôi gọi là chi phí ngừng cung cấp điện”, ông Hồi nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, khi giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.
“Chúng ta không có lý do gì để bắt doanh nghiệp chịu lỗ trong sản xuất kinh doanh. Muốn bền vững thì phải công khai, minh bạch, cả hai cùng thắng”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm.
'Biểu giá điện bán lẻ giảm xuống còn 5 bậc, nới bậc 1 lên 100kWh'
- ‘EVN cần tăng giá điện thêm ít nhất 5% để hoà vốn’ 11/07/2024 08:45
- Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ của đại gia điện gió 05/05/2024 10:00
- Từ 2025, áp dụng giá điện 2 thành phần tới mọi khách hàng 09/04/2024 09:27
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.