Giá vàng thế giới rời mốc 1.900 USD/ounce, trong nước giảm 300.000 đồng/lượng

Bích Thủy - 22/12/2020 17:04 (GMT+7)

(VNF) - Sau 15 giờ ngày 22/12/2020, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra ở mức 55,05 - 55,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.868,8 USD/ounce.

VNF
Giá vàng thế giới rời mốc 1.900 USD/once, trong nước giảm 300.000 đồng mỗi lượng

So với ngày hôm qua, giá vàng thế giới đã rời mốc 1.900 USD/ounce, giảm khoảng 37 USD/ounce, còn giá vàng trong nước đã giảm khoảng 300.000 đồng mỗi lượng. Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 54,2 triệu đồng/lượng mua vào, 54,75 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá hôm nay, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn giá thế giới gần 3,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán đang được các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước giữ ở mức 500.000 đồng/lượng. Giá vàng trang sức tăng mạnh và giữ ở mức khá cao trong nhiều ngày qua nên đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với vàng SJC. Hiện giá vàng trang sức đang thấp hơn vàng SJC gần 1 triệu đồng mỗi lượng.

Giao dịch trên thị trường thế giới sáng 21/12 cho thấy giới đầu cơ đã tạo sóng thị trường vàng khi Quốc hội Mỹ thống nhất phương án phân bổ gói hỗ trợ tài chính nhằm giúp nền kinh tế nước này chống chọi với Covid-19.

Theo đó, giới đầu cơ tăng sức mua làm kéo theo nhiều nhà đầu tư khác tham gia gom hàng. Lập tức, giá vàng tăng 24 USD/ounce, từ 1.882 USD/ounce lên 1.905 USD/ounce. Tại mức giá này, giới đầu cơ bắt đầu bán mạnh, số khác thì bán khống chờ giá vàng giảm sẽ mua vào thu về lợi nhuận. Sau vài giờ giao dịch, giá vàng chìm sâu 51 USD/ounce xuống vùng 1.854 USD/ounce. Tiếp đến, những người đã bán khống lại mua vào. Giá vàng bật tăng trở lại và đến đầu ngày 22/12 dừng tại 1.877 USD/ounce.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng cao, nên nhu cầu giao dịch trên thị trường vàng trang sức vẫn trầm lắng. Báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2020 của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy doanh thu thuần đạt 15.305 tỷ đồng tăng 1,7% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 939 tỉ đồng giảm 12,4% so với cùng kỳ.

Những ngày qua, giá vàng thế giới được hưởng lợi từ thông tin Mỹ thông qua gói hỗ trợ hơn 900 tỷ nên đã bật tăng mạnh lên 1.900 USD/ounce. Một lượng tiền lớn được bơm ra sẽ khiến đồng USD suy yếu, tạo môi trường có lợi cho vàng.

Tuy nhiên, giá vàng bất ngờ quay đầu giảm sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm do những thông tin tiêu cực về dịch bệnh. Anh và nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, một loại virus có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc. Nhiều nước đã quyết định tạm ngừng hoặc hạn chế hoạt động đi lại với Anh.

Sau đợt tăng giá từ tuần trước, giá vàng thế giới một lần nữa không thành công trong việc kiểm tra ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900 USD/ounce và có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các chuyên gia phân tích vàng, sau đợt tăng giá gần 70 USD tuần trước, kim loại quý sẽ bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và tạo nền trước khi tiếp tục thử thách vùng 1.900 USD.

Một điểm tích cực trên thị trường là các nhà đầu tư tổ chức đã quay lại với mặt hàng này. Trong đó, sau hàng loạt phiên bán ròng từ tuần trước, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR đã có động thái gom hàng với khối lượng 2,04 tấn phiên vừa qua.

Về dài hạn, vàng vẫn được hưởng lợi từ các trợ lực vĩ mô như mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền mới liên tục được bơm ra từ các gói cứu trợ khiến lạm phát gia tăng, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Các chuyên gia vẫn giữ quan điểm kỳ vọng giá vàng có thể đạt mốc 1.900 USD/ounce trước khi năm 2020 khép lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác