Giải mã mức tăng trưởng lợi nhuận 19% của Techcombank bất chấp Covid-19

Minh Tâm - 28/07/2020 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Nguồn thu tăng mạnh ở cả mảng tín dụng và phi tín dụng giúp Techcombank sẵn sàng gia tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp 5 lần nhưng vẫn giữ được tăng trưởng lợi nhuận cao, nhờ đó tạo nguồn để mạnh tay xóa nợ xấu cũ, tạo "khoảng trống" đón nợ xấu mới phát sinh do Covid-19.

VNF

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Mặc dù Techcombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Techcombank vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 6.737 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, mức tăng lợi nhuận này đóng góp rất lớn bởi tăng trưởng nguồn thu tín dụng - hoạt động vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, thông qua các động thái như giảm lãi suất cho vay, không cho phép ghi nhận lãi dự thu khi tái cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và đặc biệt là nhu cầu tín dụng thấp khiến tăng trưởng dư nợ ở mức rất thấp (6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng - bao gồm cả dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp - của Techcombank chỉ đạt 3,5%).

Cụ thể, trong kỳ, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của Techcombank đạt 8.147 tỷ đồng, tăng tới 22,9% so với cùng kỳ năm 2019. Ở nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần đột ngột chững lại do chịu tác động từ dịch Covid-19.

Có hai yếu tố giúp Techcombank đạt được mức tăng trưởng ấn tượng này. Thứ nhất, trong kỳ, Techcombank vẫn đạt được mức tăng trưởng thu nhập lãi 13,5%, do quy mô dư nợ tín dụng khác biệt lớn giữa các kỳ so sánh. So với thời điểm cuối tháng 6/2019, quy mô dư nợ tín dụng của Techcombank tại thời điểm cuối tháng 6/2020 lớn hơn tới 17%.

Dù mức tăng này là không quá lớn nhưng trong bối cảnh hiện tại, so với mặt bằng chung thì vẫn là mức khá tốt.

Yếu tố thứ hai là sự chững lại đầy bất ngờ của chi phí lãi. Mức tăng chi phí lãi trong kỳ chỉ vỏn vẹn 1,9%. Điều này có được là nhờ Techcombank vẫn tiếp tục giữ được tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) ở mức trên 32%, trong khi đó, ngân hàng này cũng giảm mạnh huy động trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, lãi suất huy động giảm cũng là thành tố quan trọng giúp kiểm soát chi phí lãi.

Thu nhập lãi tăng khá, chi phí lãi tăng rất nhẹ đã giúp thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng mạnh 22,5%, như đã đề cập phía trên.

6 tháng đầu năm 2020, chi phí lãi của Techcombank tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái

Không chỉ tín dụng, các hoạt động phi tín dụng của Techcombank cũng ghi nhận tăng trưởng lãi thuần rất tốt. Tính toán cho thấy, tổng lãi thuần phi tín dụng của ngân hàng này đạt 3.636 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng tới 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nổi bật là lãi thuần mảng dịch vụ tăng tới gần 60%, mảng chứng chứng khoán đầu tư tăng gấp hơn 5 lần.

Chốt kỳ 6 tháng, Techcombank đạt tổng thu nhập hoạt động 11.783 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30%.

Tuy nhiên do chi phí hoạt động tăng khá mạnh (20,6%), chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp 5 lần nên lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng thấp hơn mức tăng tổng thu nhập hoạt động, đạt 19%.

Quan sát cho thấy, chiến lược trong kỳ của Techcombank là tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro, song song với đó, mạnh tay xóa nợ xấu cũ để chuẩn bị đón nhận nợ xấu mới phát sinh do Covid-19. Lượng nợ xấu đã xóa bằng dự phòng trong kỳ lên đến 1.746 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức rất thấp, chỉ 0,91% (cuối năm 2019: 1,33%). Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên mức cao: 109%.

Cùng chuyên mục
Tin khác