Ngân hàng

Giảm lãi suất: Thấy bở thì đào...

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng "thấy bở thì đào, thấy mềm thì đục" diễn ra rất rõ ràng tại nhiều ngân hàng bằng cách: giảm lãi suất huy động nhưng không giảm lãi suất cho vay tương ứng để tranh thủ hưởng lợi.

Giảm lãi suất: Thấy bở thì đào...

Giảm lãi suất: Thấy bở thì đào...

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là một quyết định đúng đắn nhưng cần lưu ý rằng quyết định nào cũng có cái giá của nó. Việc giảm lãi suất điều hành, đặc biệt là hạ trần lãi suất huy động (đối với kỳ hạn dưới 6 tháng) có tác động trực tiếp đến "túi tiền" của người dân, qua đó tác động trực tiếp đến chi tiêu của người dân.

"Cái giá" này được kỳ vọng sẽ được trả tương xứng nhờ việc người dân, doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn, tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại "thấy bở thì đào, thấy mềm thì đục", tranh thủ thời điểm khó khăn này để thu lợi về mình bằng cách giảm lãi suất huy động nhưng không giảm lãi suất cho vay tương ứng để tranh thủ hưởng lợi.

Nhiều phản ánh đã được đưa ra, trong đó có cả lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước. "Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn giá rẻ, không có lý do gì các ngân hàng cho vay lãi suất cao. Đây là cơ hội giảm lãi suất cho vay với khách hàng chứ không phải để ngân hàng hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận cao", Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh trong một sự kiện diễn ra đầu năm nay.

Nhìn trực tiếp vào bảng kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, có thể thấy ngay hiện tượng chi phí lãi (biểu thị chi phí huy động vốn) tăng chậm hơn thu nhập lãi (biểu thị cho doanh thu tín dụng), phần nào phản ánh thực trạng các ngân hàng tranh thủ hưởng lợi từ chính sách giảm lãi suất.

Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại đã công bố số liệu tài chính cả năm 2020 cho thấy, có tới 20 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng chi phí lãi thấp hơn thu nhập lãi, bao gồm: ACB, Eximbank, HDBank, LienVietPostBank, MB, MSB, NCB, OCB, Saombank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.

Trong khi đó, chỉ có 8 ngân hàng ghi nhận diễn biến ngược lại bao gồm: ABBank, BacABank, BIDV, Kienlongbank, NamABank, PGBank, Saigonbank, VietBank.

Tất nhiên, việc tăng trưởng chi phí lãi thấp hơn tăng trưởng thu nhập lãi, bên cạnh khả năng tranh thủ hưởng lợi từ động thái doãng rộng lãi suất huy động - cho vay, còn có thể đến từ việc chủ động phát triển nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu hệ số LDR..., nhưng việc có tới 20/28 ngân hàng ghi nhận hiện tượng này cũng phần nào phản ánh thực trạng "thấy bở thì đào".

Trước đó, năm 2019, trong số 28 ngân hàng thương mại trên, có 14 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần cao hơn tăng trưởng chi phí lãi thuần, còn lại là 14 ngân hàng ghi nhận chiều ngược lại, cho thấy tương quan rất cân bằng, khác hẳn năm 2020.

Đó là còn chưa kể đến ảnh hưởng của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo đó, thông tư này không cho phép ngân hàng được ghi nhận lãi dự thu đối với các khoản nợ trong diện tái cơ cấu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập lãi. Nếu các khoản nợ trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 01 nhưng không có nguy cơ trở thành nợ xấu được ghi nhận lãi dự thu, mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất sẽ còn hiện lên rõ rệt hơn.

Thống kê của hãng phân tích dữ liệu FiinGroup cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng trong diện nhiên cứu tăng tới 16,1% so với năm 2019 bất chấp dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân được FiinGroup chỉ ra là do ở các ngân hàng, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường cùng lạm phát ở mức thấp, nhiều kỳ vọng được đặt ra rằng Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không lấp đầy được khoảng trống lớn giữa mục tiêu chính sách và thực thi chính sách, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành có thể gây tác động tiêu cực đến chi tiêu của người dân nhưng kết quả đem về lại gây thất vọng, người thụ hưởng chính sách chủ yếu là ngân hàng chứ không phải người dân, doanh nghiệp.

Để phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động - cho vay, có một chỉ số khác thường được sử dụng là NIM. Tuy nhiên, năm 2020 là một năm đặc biệt, chỉ số NIM bị "bóp méo" bởi Thông tư 01. Cụ thể, Thông tư 01 tác động trực tiếp đến hai thành tố trong công thức tính NIM là: thu nhập lãi và tài sản sinh lãi (NIM tỷ lệ thuận với thu nhập lãi và tỷ lệ nghịch với tài sản sinh lãi).

Thứ nhất, Thông tư 01 không cho phép ghi nhận lãi dự thu dù các khoản nợ tái cơ cấu theo thông tư này có khả năng sinh lãi hay không, điều này tác động trực tiếp đến thành tố "thu nhập lãi". Thứ hai, Thông tư 01 cho phép giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ tái cơ cấu, đồng nghĩa có một lượng tài sản không sinh lãi nhờ Thông tư 01 nên vẫn được hạch toán vào tài sản sinh lãi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính của ngân hàng.

Tại Việt Nam, để tính đúng, tính đủ chỉ số NIM không dễ, dữ liệu từ báo cáo tài chính thường không đầy đủ, do đó không phản ánh đúng đắn mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động - cho vay. Việc so sánh NIM giữa các ngân hàng cũng khá khập khiễng do cả yếu tố khách quan (chẳng hạn một số ngân hàng được phép phân loại, hạch toán khác với quy định thông thường theo đề án tái cơ cấu...) và yếu tố chủ quan (các ngân hàng chủ động hạch toán thu nhập lãi và tài sản sinh lãi hoặc quá thận trọng, hoặc quá lỏng lẻo...).

Thay vì "so sánh ngang" như trên, NIM hữu ích hơn nếu "so sánh dọc", chẳng hạn như so sánh NIM của một ngân hàng qua các năm để thấy được sự thay đổi về mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động - cho vay. Tuy nhiên, như đã đề cập, chỉ số NIM năm 2020 đã bị Thông tư 01 "bóp méo", vì vậy việc "so sánh dọc" sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Nếu loại trừ ảnh hưởng của Thông tư 01, nhiều khả năng NIM của các ngân hàng sẽ tăng lên so với NIM tính theo báo cáo tài chính hiện tại, bởi khi đó nhiều khả năng thu nhập lãi sẽ có xu hướng tăng lên và tài sản sinh lãi sẽ có xu hướng giảm đi.

Từ khoá: giảm lãi suất,
Tin mới lên