Giảm VAT đến cuối 2024: ‘Một mũi tên trúng nhiều đích’
Kỳ Thư -
04/06/2024 06:30 (GMT+7)
(VNF) - Đồng tình với để xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% cho nửa cuối năm 2024, các chuyên gia cho rằng đây là giải pháp chính sách giúp 'một mũi tên trúng nhiều đích'.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã được nhận định là một trong những biện pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Bình luận về tác động chính sách thuế VAT với nền kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định, việc giảm thuế VAT là một mũi tên trúng nhiều đích.
“Ngoài mục tiêu có thể nhìn thấy ngay là kích cầu tiêu dùng nội địa, việc giảm thuế VAT giúp tăng niềm tin vào sự phục hồi của sản xuất kinh doanh, do đó, thúc đẩy động lực đầu tư của doanh nghiệp”, ông Việt nói.
Ông Việt khẳng định, giảm thuế VAT sẽ giảm áp lực lạm phát nếu có trong tương lai. Trong mọi trường hợp, nếu xuất hiện rủi ro vĩ mô ảnh hưởng lớn đến các cán cân lớn như lạm phát, mọi thành quả trong hỗ trợ tăng trưởng sẽ rất khó duy trì.
"Với những đối tượng thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp, thu nhập phần lớn để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, đi lại… cầu co giãn không thay đổi nhiều nên nếu các mặt hàng này tăng giá, họ vẫn buộc phải chi tiêu. Giảm thuế VAT sẽ giúp giảm thiểu khó khăn cho họ”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý tác động của chính sách tài khóa có những giới hạn, chẳng hạn, khi niềm tin tiêu dùng và đầu tư còn mong manh, dù giảm thuế VAT, người dân vẫn thắt lưng buộc bụng. Hay khi doanh nghiệp không có doanh thu và lợi nhuận, các chính sách giảm thuế không có nhiều ý nghĩa với họ. Đó là một vòng xoáy mà đáp án cuối cùng vẫn là những giải pháp hỗ trợ cho các loại thị trường trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả.
Cần lộ trình rõ ràng
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) chỉ ra rằng, tăng trưởng tiêu dùng trong nước chậm đòi hỏi phải có những biện pháp kích cầu mạnh mẽ.
Ông đề xuất một lộ trình rõ ràng cho việc tiếp tục giảm thuế VAT với kỳ hạn tối thiểu là một năm để tránh các điều chỉnh ngắn hạn và liên tục hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả kích thích kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân từ TP. HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí và tiền thuê đất. Cần thiết giảm thêm 2% thuế giá trị gia tăng như một giải pháp ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc áp dụng mức giảm thuế này chỉ giới hạn cho một số hàng hóa và dịch vụ đã dẫn đến nhiều vướng mắc. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng các chính sách giảm thuế do sự phức tạp trong việc phân loại hàng hóa, dẫn đến chi phí quản lý và tuân thủ cao hơn, cũng như gây ra sự chậm trễ trong nhiều hoạt động từ thực thi đến quản lý.
Nhớ lại, chính sách giảm thuế ban đầu được thiết kế để kéo dài 6 tháng, phù hợp với giai đoạn hồi phục đầu sau dịch. Tuy nhiên, thực tế là chính sách đã được gia hạn nhiều lần. Có chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế nếu kéo dài thì không còn hiệu ứng kích thích tốt như kỳ vọng, nhưng việc dừng gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong thời điểm hiện tại có thể gây sốc và làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế.
Điều này đặt ra áp lực lớn cho các nhà thiết kế chính sách trong việc cân nhắc giữa việc tiếp tục gia hạn chính sách này để hỗ trợ kinh tế với việc đảm bảo tính hiệu quả của thuế như là công cụ điều tiết hành vi trong nền kinh tế.
Việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT không chỉ là một lựa chọn khả thi mà còn là một bước đi cần thiết để bảo vệ quá trình phục hồi kinh tế đang dần ổn định. Quá trình này cũng tạo cơ hội để rút ra những bài học quý giá trong quản lý và thực thi chính sách, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ kinh tế trong tương lai.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.