Ngân hàng

Giữ room, tăng lãi suất: Thông điệp 'cứng' từ Thống đốc

(VNF) - Tháng 8/2022, khi làn sóng tăng lãi suất bắt đầu nóng, câu hỏi được đặt ra là: Hạn mức (room) tín dụng không có tín hiệu nới thêm, đầu ra không tăng, vậy ngân hàng tăng huy động để làm gì?

Giữ room, tăng lãi suất: Thông điệp 'cứng' từ Thống đốc

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất và không nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là một biện pháp cần thiết

Trên thực tế, đây là biểu hiện của việc thanh khoản ngân hàng không dồi dào, Ngân hàng Nhà nước siết chặt cung tiền khiến ngân hàng thương mại phải xoay xở. Mọi việc càng rõ ràng hơn khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào cuối tháng 9/2022 và ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động chạm 9%.

Dùng mọi cách để kiểm soát lạm phát

Sau rất nhiều ồn ào, tháng 8/2022, 15 ngân hàng nhận được thông báo giao hạn mức tín dựng từ dưới 1% tới 4%. Tổng mức tăng tín dụng của 15 ngân hàng tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%. Đây là thông tin tích cực được gọi là “nới room”. Tuy nhiên, một lãnh đạo vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước giải thích: Ngân hàng Nhà nước giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 14%, không phải là nới room tín dụng của toàn ngành.

Đến nay, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã đã cấp 13,6% trong tổng số 14% room tín dụng năm nay. Sau quyết định giao thêm room tín dụng cho 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, triển vọng nới room tín dụng rất khó xảy ra.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng với áp lực lạm phát như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với cung tiền và kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát cung tiền từ việc bán ngoại tệ đến phát hành tín phiếu để thu tiền về. Điều đó được phản ánh vào thanh khoản hệ thống “không ở trong tình trạng dồi dào”. Trong nhiều tuần liền, Ngân hàng Nhà nước luôn hút ròng hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm có lúc vượt lên trên 5%/năm, cá biệt có những ngày gần 9%/năm; lãi suất thị trường liên ngân hàng 6 tháng đã xấp xỉ 8%/năm… Tất cả cho thấy siết cung tiền là hướng đi căn bản được Ngân hàng Nhà nước thực thi từ đầu năm.

Dù đã rất nỗ lực sử dụng các biện pháp khác nhau để siết cung tiền nhưng không tăng lãi suất nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, rốt cuộc khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đến lần thứ 5 vào ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã không thể ngồi yên. Quyết định tăng mạnh các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành và có hiệu lực chỉ 1 ngày sau đó.

Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa nhận định, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất nhằm đạt được 2 mục tiêu. Một là, giảm được cung tiền trên cơ sở giảm nhu cầu vay của các doanh nghiệp và người dân khi lãi suất cho vay tăng lên. Hai là tăng lãi suất là để tăng giá trị VND so với các đồng tiền khác, đặc biệt là USD.

“Cả hai mục đích nói trên, cuối cùng nhằm giảm áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát từ hàng nhập khẩu thông qua tỷ giá hối đoái và có thể thông qua việc tăng giá của thị trường thế giới”, ông Nghĩa nói.

Trên thực tế, việc đồng USD chưa thể dừng xu hướng tăng trong bối cảnh Fed tiếp tục tăng lãi suất, đang gây sức ép rất lớn lên tỷ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng thêm công cụ lãi suất để điều hành tỷ giá, bên cạnh mục đích kiểm soát cung tiền.

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, đã đến lúc không thể giữ được lãi suất và tỷ giá như trước nữa, bắt buộc phải nâng lãi suất lên để kiểm soát lạm phát, nhưng có lẽ quan trọng hơn là giữ ổn định tỷ giá hối đoái cũng như ngăn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước tăng 1 điểm phần trăm đối với trần lãi suất huy động cũng như các loại lãi suất chính sách, tái cấp vốn, tái chiết khấu, thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian dài trước khi tăng lãi suất, để giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 21 tỷ USD khiến cho quỹ dữ trữ ngoại hối bị bào mòn đáng kể. Và việc này không thể kéo dài được lâu. “Tăng lãi suất càng nhiều càng giữ được tỷ giá, càng tránh được sự chuyển dịch của dòng vốn và kiểm soát được lạm phát”, ông Thế Anh nhận định.

Trước sức ép lạm phát toàn cầu và khó khăn của các nền kinh tế lớn là thị trường chính của doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, triển vọng tiêu cực này có thể làm suy giảm tăng trưởng xuất khẩu và suy giảm kinh tế của Việt Nam trong những tháng tới, đặc biệt là trong năm 2023. Điều này cũng có thể làm cho thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân vãng lai gia tăng, gây áp lực khá mạnh đối với tỷ giá hối đoái. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất và không nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là một biện pháp cần thiết.

Thông điệp nhất quán

Trả lời báo chí ngay sau thời điểm tăng lãi suất điều hành, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong bối cảnh lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu, áp lực lạm phát ập đến Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Kinh tế Việt Nam với độ mở cao, vẫn chủ yếu là nhập siêu, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Nếu để cho đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động rất lớn đến nhập khẩu. Do đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng việc tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những bước đi cần thiết để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ so với đồng USD. Đây là điều tuy khó khăn nhưng cần phải làm và là một động thái quyết liệt nhằm cố gắng kiềm chế lạm phát.

Trao đổi mới đây về chính sách điều hành tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, công tác điều hành vĩ mô trong đó công tác điều hành chính sách tiền tệ phải vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối.

Thống đốc nhấn mạnh mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô – không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau. Nhắc lại các con số chỉ tiêu quan trọng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế.

Điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Tất cả các công cụ chính sách của Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự nhất quán; việc kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát lạm phát kỳ vọng đồng thời ổn định tỷ giá.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, bất kể trong hoàn cảnh nào, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu vì nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, nhất là những người dân còn khó khăn.

Tin mới lên