Góc nhìn chứng khoán: Hợp đồng tương lai cao hơn chỉ số, thị trường kỳ vọng vượt đỉnh

Song Tử - 07/05/2020 16:46 (GMT+7)

(VNF) - Sau 12 phiên liên tục kể từ khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn gần nhất được nối tiếp, chênh lệch cơ sở giữa giá hợp đồng tương lai này với chỉ số VN30-Index chuyển sang dương, nghĩa là giá hợp đồng cao hơn chỉ số cơ sở.

VNF
VN-Index đóng cửa hôm nay đã đứng ngay tại đỉnh cao cũ hồi tháng 4/2020.

Thị trường tương lai thường có tính dẫn dắt thị trường cơ sở do phản ánh kỳ vọng từ biến động của thị trường cơ sở. Khi mức chênh lệch cơ sở là âm, nghĩa là nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường cơ sở sẽ giảm. Ngược lại, chênh lệch là dương đồng nghĩa với chỉ số cơ sở được chờ đợi sẽ tăng. Sự thay đổi này càng có ý nghĩa khi cả VN-Index lẫn VN30-Index đều đang đứng ngay tại đỉnh cao hồi tháng 4 vừa qua.

Trong phiên giao dịch hôm nay, giá hợp đồng tương lai VN30F2005 đáo hạn tháng 5 này có lúc cao hơn chỉ số VN30-Index tới 7 điểm. Đóng cửa chênh lệch còn hơn 2 điểm. Mặc dù chênh lệch dương không nhiều, nhưng suốt từ giữa tháng 4 tới nay (thời điểm đáo hạn kỳ hạn tháng 4) và chuyển sang kỳ hạn tháng 5, mức chênh lệch cơ sở luôn là âm, thậm chí như ngày 23/4 vừa qua còn tới -38,5 điểm. Cho tới đầu tuần này, kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn rất mờ nhạt khi chênh lệch ở mức -25,4 điểm.

Tình thế đã thay đổi trong hai phiên gần đây. Hôm qua chênh lệch chỉ còn -7,9 điểm và hôm nay chuyển sang +2 điểm. Hiện tượng đảo ngược này bắt đầu từ khoảng 2h chiều nay. Đó cũng là lúc VN-Index tăng vượt qua ngưỡng 790 điểm và tiến lên đỉnh cao tháng 4. Đóng cửa VN-Index tăng 13,95 điểm và chốt ở mức 796,54 điểm. VN30-Index tăng 14,04 điểm, chốt tại 739,98 điểm.

Nếu tính theo mốc đóng cửa thì cả hai chỉ số đã vượt qua đỉnh cao tháng 4, nhưng chưa rõ ràng. Chẳng hạn VN-Index cao nhất hôm 20/4 là 797,49 điểm, Vn30-Index cao nhất 742,27 điểm. Tuy vậy kỳ vọng đã đảo chiều thì vài điểm cũng không có nhiều ý nghĩa. Hợp đồng tương lai đã chạy trước, trong phiên này có lúc tới 746,9 điểm dù VN30-Index còn chưa vượt 742 điểm.

Đà tăng trong phiên hôm nay có sự lan tỏa tốt hơn trong nhóm blue-chips. VN30 hầu hết là tăng, chỉ có 3 mã giảm là HDB giảm 0,47%, ROS giảm 1,11% và VRE giảm 0,8%. Ngược lại, 26 cổ phiếu tăng giá đều có cường độ tăng mạnh: SAB tăng kịch trần 6,96%, VCB tăng 3,11%, BID tăng 4,31%, VNM tăng 1,87%, VIC tăng 1,05%, FPT tăng 1,13%, HPG tăng 6,31%, MWG tăng 1,72%, VJC tăng 2,77%, VPB tăng 2,64%...

Thanh khoản ở nhóm blue-chips này cũng duy trì mức cao, đạt trên 2.200 tỷ đồng khớp lệnh, tăng gần 7% so với hôm qua. Nhóm thanh khoản lớn nhất ngoài CTG tăng 0,99%, còn lại đều tăng trên 1%, trong đó HPG tăng hơn 6% và giao dịch kỷ lục trong 40 phiên.

Một điều khá bất ngờ là diễn biến hai phiên vừa qua của VN-Index đã tích cực hơn đáng kể dù thị trường quốc tế không mạnh. Chẳng hạn S&P500 hôm qua giảm 0,7%, phiên ngày 6/5 chỉ tăng 0,9%. VN-Index tăng tương ứng 2,4% và 1,8%. Thanh khoản hai phiên tăng này cũng cao hơn mức trung bình của 5 phiên trước đó.

Rất nhiều nhà đầu tư đang trông ngóng một diễn biến tăng đột phá vào ngày cuối tuần vì nếu các chỉ số tăng vượt đỉnh, đó sẽ là tín hiệu kỹ thuật tích cực, báo hiệu cơ hội cho thị trường bước vào sóng tăng mới. Thực tế về mặt kỹ thuật, đưa các chỉ số tăng thêm vài điểm để vượt đỉnh không khó, vì sức ảnh hưởng của VIC, VHM, SAB hay VCB là quá lớn. Các mã này vẫn còn dư địa tăng dù mới chỉ là kiểm định lại đỉnh cao tháng 4 – diễn biến chậm hơn VN-Index hay VN30-Index.

Thị trường vượt đỉnh sẽ lôi kéo được một lượng lớn tiền của các nhà đầu tư còn đứng ngoài tham gia mua vào. Tâm lý thận trọng sẽ bị thuyết phục. Điều cần cảnh giác là khả năng vượt đỉnh không thành công hoặc thị trường tạo một bull-trap do các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lợi dụng tâm lý để xả hàng. Dù khả năng này không cao, nhưng thị trường cũng đã nhiều lần cho thấy khi tâm lý hưng phấn cao nhất cũng đồng nghĩa với các giao dịch cảm tính chiếm số đông.

Cùng chuyên mục
Tin khác