Góc nhìn chứng khoán: Nới tín dụng chứng khoán, tiền dồn dập mua lại

Song Tử - 06/05/2020 16:35 (GMT+7)

(VNF) - Cơn hưng phấn cao độ đã bùng nổ phiên này khi xuất hiện thông tin Bộ Tài chính đề xuất nới tín dụng cho chứng khoán. Cũng giống như thời kỳ khủng hoảng trước đây, việc nới tín dụng chứng khoán như một liều doping mạnh.

VNF
VN-Index tăng mạnh hôm nay và có cơ hội kiểm tra lại đỉnh cao tháng 4.

Sau những giải pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật như giảm thuế, phí cho giao dịch chứng khoán, đề xuất nới tín dụng là biện pháp mạnh mẽ nhất tác động trực tiếp đến thị trường. Việc giới hạn vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán vốn từ lâu đã bị cho là tạo khó khăn đối với thị trường. Nhân cơ hội Covid-19 tàn phá mọi lĩnh vực, thị trường chứng khoán cũng tìm kiếm cơ hội hỗ trợ.

Thực tế lượng tiền giao dịch trên thị trường cũng không phải là ít, dù có nới tín dụng hay không. Thời điểm đỉnh tháng 4 vừa qua, riêng giao dịch khớp lệnh cũng đạt trên 14.300 tỷ đồng trong 3 phiên liên tục – chu kỳ mà nhà đầu tư phải có sẵn tiền mặt mới mua được do giới hạn T+3. Thời điểm trung tuần tháng 3/2020 – khi thị trường lao dốc, thanh khoản bắt đáy liên tục 3 ngày cũng xấp xỉ 13.800 tỷ đồng.

Dù vậy nếu tín dụng cho chứng khoán được nới hơn, dòng vốn ngân hàng thông qua các hoạt động cho vay của công ty chứng khoán cũng dồi dào hơn. Hiện các công ty chứng khoán sử dụng vốn tự huy động (thường qua trái phiếu) cũng khá lớn và chưa có thống kê nào thể hiện thị trường đã sử dụng tối đa nguồn vốn này. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cảm thấy hào hứng khi thông tin hỗ trợ xuất hiện.

Sau nhiều ngày dập dình đi ngang rất ngái ngủ, thị trường hôm nay như bừng tỉnh và thanh khoản đã tăng vọt. Số cổ phiếu tăng giá gấp đôi số giảm giá cũng đồng nghĩa với sức mua thay đổi và nhà đầu tư đã xuống tiền nhiều hơn. Hôm nay người mua hành động trước, đẩy thanh khoản lên rất cao.

Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mang tính đột biến của VHM, tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, cũng không phải là quá nhiều. Thế nhưng giao dịch khớp lệnh khá lớn, đạt trên 3.800 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 phiên trở lại đây.

Thị trường xuất hiện 7 cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng là VHM, FPT, HPG, CTG, VRE, VNM, GAS. Một số cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ cũng xuất hiện thanh khoản rất cao như HSG, DBC.

Sức tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn là rất mạnh, kéo VN-Index tăng 2,41% trong ngày hôm nay và chủ yếu là tăng mạnh vào buổi chiều. Thị trường ban đầu lặp lại tình trạng giao dịch chán nản của các phiên trước, thậm chỉ buổi sáng còn có lúc VN-Index tụt về sát tham chiếu. Đến khoảng 15 phút cuối phiên sáng, chỉ số mới bắt đầu tăng vượt ngưỡng 1% và sau 2h bắt đầu vượt ngưỡng 2%.

Với mức tăng chung cuộc 2,41% tương đương 18,43 điểm hôm nay, VN-Index đã thay đổi tính chất và mạnh lên nhờ thu hút được lượng tiền khá lớn quay lại. Chỉ số đang trên đà tiến sát về đỉnh cao quanh mốc 800 điểm đạt được ngày 20/4 vừa qua.

Một bất ngờ là đà tăng nhanh hôm nay đã kích thích giao dịch bán rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. VHM là một giao dịch đặc thù và xuất hiện ngay từ 11h. Tuy nhiên ngoài VHM, khối ngoại cũng xả hàng rất nhiều.

Thậm chí ngay với VHM, ngoài thỏa thuận bán ròng trị giá gần 2.145,6 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài còn xả thẳng trên sàn khớp lệnh khoảng 30 tỷ đồng ròng nữa. VRE hoàn toàn bị bán ròng qua khớp lệnh, khoảng 27 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán rất nhiều tại STB, CTG, VCB, BID. Riêng với các mã thuộc VN30, sau khi đã trừ giao dịch thỏa thuận VHM, vẫn còn bị bán ròng tới trên 400 tỷ đồng.

Tổng giá trị bán ra với cổ phiếu trên sàn HSX của khối ngoại hôm nay lập kỷ lục từ đầu tháng 5/2019 với 3.014,8 tỷ đồng, trong khi mua vào khoảng 634,2 tỷ đồng. Mức bán ròng như vậy đạt 2.380,6 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngoài VHM bị bán ròng 235 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng với cổ phiếu bao gồm cả HNX hôm nay là 2.404,7 tỷ đồng, tương đương mức bán ròng không kể VHM là gần 260 tỷ đồng. Như vậy sau 2 phiên đầu tuần hạ nhiệt, hôm nay khối ngoại lại tăng bán trở lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác