Góc nhìn chứng khoán: Thị trường đứng trước nguy cơ kết thúc nhịp hồi kỹ thuật

Song Tử - 24/06/2020 16:43 (GMT+7)

(VNF) - Phiên giảm khá mạnh hôm nay đã củng cố thêm tín hiệu về khả năng quay lại đà điều chỉnh giảm khi dòng tiền tiếp tục suy yếu và nhà đầu tư chốt lời mạnh hơn.

VNF
VN-Index có thể đang trong kịch bản điều chỉnh sau khi đạt đỉnh cao ngày 8/6 vừa qua. Nhịp phục hồi tuần trước chỉ là các diễn biến hồi kỹ thuật trong xu thế giảm ngắn hạn.

VN-Index để mất 0,98% lúc đóng cửa là mức giảm đáng kể nhất sau phiên ngày 15/6. Từ chỗ dao động dập dình rất hẹp của nhịp đi lên tuần trước tới biên độ giảm gia tăng trong phiên hôm nay, chỉ số đang trong quá trình tạo đỉnh sau thấp hơn (lower High) là một tín hiệu của nhịp điều chỉnh tiếp diễn.

Về mặt kỹ thuật, kịch bản khả dĩ là VN-Index đã hoàn thành xong sóng tăng và tạo đỉnh ngày 8/6. Phiên giao dịch then chốt là mức giảm 3,6% trong ngày 11/6 tại 905,65 điểm, mức giảm lớn hơn bất kỳ phiên giảm đơn lẻ nào kể từ đầu tháng 4. Đó là tín hiệu của sự thay đổi trạng thái thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư khi chấp nhận bán ra thoát khỏi vị thế nắm giữ cổ phiếu.

Các phiên phục hồi trong tuần trước chỉ đủ đưa VN-Index lên 872,94 điểm ngày 22/6 và hai phiên vừa qua bắt đầu giảm trở lại. Như vậy chỉ số tạm thời tạo một đỉnh sau thấp hơn, báo hiệu khả năng thực sự rơi vào một xu thế điều chỉnh ngắn hạn. Kịch bản này chỉ có thể bị phủ định nếu VN-Index đủ sức tăng vượt đỉnh 872,94 điểm và đỉnh 905,65 điểm.

Ủng hộ cho kịch bản thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm là dòng tiền đang suy yếu nhiều hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng tại đỉnh thanh khoản thường cao nhất do nhà đầu tư hưng phấn nhất và chấp nhận mua “tất tay” thậm chí là sử dụng margin tối đa. Tuần VN-Index tạo đỉnh trên 905 điểm đã xác lập kỷ lục về thanh khoản với phiên khớp lệnh trên 10.000 tỷ đồng ngày 11/6 và bình quân tuần đó, giá trị giao dịch hàng ngày (khớp lệnh) đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.

Về lý thuyết, sau khi đạt đỉnh cao nhất thì các phiên phục hồi kỹ thuật sau đó sẽ có thanh khoản thấp hơn do nhà đầu tư đã chốt lời tại đỉnh sẽ không quay lại mua ngay lập tức. Mức giao dịch bình quân tuần trước – tuần phục hồi kỹ thuật – chỉ đạt khoảng 4.900 tỷ đồng/ngày. Thanh khoản tiếp tục suy yếu trong các phiên đầu tuần này và hôm nay, mức khớp lệnh cũng chỉ đạt hơn 4.700 tỷ đồng.

Điều hiển nhiên trong sóng tăng vừa qua là thị trường thu hút được một lượng tiền rất lớn từ các nhà đầu tư mới, cộng với năng lực sẵn có của các nhà đầu tư cũ. Vì vậy khi thanh khoản sụt giảm, dòng tiền giao dịch hàng ngày suy yếu, câu hỏi quan trọng nhất là vì sao nhà đầu tư đã không tiếp tục giao dịch với cường độ như cũ? Lượng tiền mặt được chuyển đổi thành cổ phiếu là cân bằng với lượng cổ phiếu được chuyển thành tiền mặt. Lý do duy nhất khiến thanh khoản giảm chỉ có thể là các nhà đầu tư giữ tiền mặt không mua trở lại.

Một quy luật luôn luôn đúng là thị trường có tăng có giảm, không bao giờ một xu hướng kéo dài mãi mãi. Điểm khác biệt giữa các chiến lược đầu tư là coi trọng mức điều chỉnh trên khung thời gian như thế nào. Đối với nhà đầu tư dài hạn nắm giữ nhiều năm, các nhịp điều chỉnh vài tuần, vài tháng không quan trọng, nhưng với đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn thì đó lại là vấn đề lớn. Mặt khác, khả năng tận dụng các nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn xen kẽ trong một xu hướng lớn hơn để tái cơ cấu danh mục, giảm giá vốn cũng khiến thị trường là một tập hơn các quan điểm trái ngược.

Vì vậy khi không còn sự đồng thuận lớn trên thị trường, cộng với dòng tiền một phần đã nghỉ ngơi, động lực tăng trưởng sẽ giảm đi. Trong xu thế tăng tháng 4, tháng 5 vừa qua, các nhịp điều chỉnh đều rất ngắn, thậm chí chỉ giảm 2-3 phiên là tăng trở lại ngay. Đó là do dòng tiền dồi dào vẫn hoạt động mạnh mẽ, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rất cao nên bất kỳ nhà đầu tư nào chốt lời cũng bị hấp thụ hết, chưa kể nhà đầu tư có cổ phiếu cũng không muốn bán ra sớm. Thị trường hiện tại có điểm khác là khả năng hấp thụ của dòng tiền không còn như trước, đồng thời các nhà đầu tư mua lúc giá đỉnh đang nếm trải cảm giác thua lỗ. Các cổ phiếu đầu cơ nay trần mai sàn không biết đằng nào mà lần, trong khi các blue-chips hầu như chỉ đi ngang hoặc giảm trong hơn 2 tuần nay. Nói đơn giản, khả năng tìm kiếm lợi nhuận sau ngày 8/6 là rất khó khăn. Điều này cũng tạo một bối cảnh tâm lý tiêu cực hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác