'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sáng 31/10, Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết tình trạng buôn lậu thuốc lá tại các tỉnh phía Nam đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.
"Tôi đã đi thực tế để mục sở thị tình trạng buôn lậu thuốc lá. Qua chuyến đi tôi nhân thấy việc vận chuyển thuốc lá lậu công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày. Như ở Châu Đốc (Kiên Giang), xe máy chở thuốc lá công khai từng tốp từ 1-4h sáng.
"Khi ở Châu Đốc, anh em nói phải qua Long An trước 13h. Chúng tôi phải trì hoãn ăn trưa để có mặt tại đoạn đường Quốc lộ 62, cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng vài trăm mét đến thị trấn Kiến Tường. Đó là khung giờ mà bọn buôn lậu mua được, xe máy chở thuốc lá buôn lậu chạy rầm rầm, dù phát hiện chúng tôi quay phim", ông Cương nói.
Trưng ra một bịch thuốc lá lậu, ông Cương cho biết tình trạng bán thuốc lá lậu diễn ra khắp nơi, điển hình như chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Kiến Tường (thị trấn Kiến Tường), chợ Tuyên Đốc (Long An)…
"Có trưng bày hay không trưng bày nhưng muốn mua thuốc lá gì cũng có. Thưa Quốc hội, đây là toàn bộ số thuốc lá lậu mà tôi đã mua được trong chuyến đi thực tế các tỉnh phía Nam", ông Cương nêu vấn đề.
Cách nêu vấn đề của ông Nguyễn Sỹ Cương tại diễn đàn Quốc hội hôm nay khiến người ta không khỏi nhớ về ông Đặng Văn Khoa (đại biểu Hội đồng nhân dân TP. HCM) từng làm "nổi sóng" nghị trường thành phố hơn 10 năm trước.
Đó là phiên họp ngày 11/12/2006, kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân TP. HCM khóa VII, khi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM Trần Thế Ngọc, ông Đặng Văn Khoa đã giơ bình nước màu vàng ệch trước ống kính của hàng chục phóng viên ảnh, truyền hình và nói:
"Đây là mẫu nước thải... bệnh viện. Hãy tưởng tượng 67 bệnh viện của thành phố thải thứ nước này không qua xử lý, chảy thẳng vào môi trường. 3/4 của tổng 20.000m3 nước của toàn thành phố không đạt yêu cầu. Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Giám đốc Sở Y tế, các giám đốc bệnh viện trả lời thế nào với người dân thành phố bây giờ và mai sau?", ông Khoa đặt câu hỏi.
Tại buổi chất vấn hôm đó, ông Khoa còn trưng bức hình khổ lớn chụp cầu An Lộc (quận 12) xây xong 6 năm mà không có dấu xe qua lại để chất vấn Giám đốc Sở Giao thông công chính. Và trong những buổi họp về sau, hình ảnh "ông hội đồng Khoa" mang ảnh chụp khổ lớn, cây cỏ ven kênh, gỗ ván… lên hội trường đã trở nên quen thuộc và trở thành một phong cách "kinh điển" của vị đại biểu này.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau ông Khoa, cử tri không còn mấy khi được nhìn thấy cách nêu vấn đề và chất vấn lãnh đạo một cách trực quan và đanh thép như thế nữa.
Đời xưa, Tô Tần học được "thuật tung hoành", chỉ uốn 3 tấc lưỡi mà làm được Tướng quốc 6 nước. Nhưng cái thời "du thuyết bằng nước bọt" đó đã qua 2.300 năm rồi. Ngày nay, lãnh đạo nhà nước và cử tri muốn được nhìn thấy, nghe thấy những thực trạng của đời sống một cách trực tiếp, bằng ảnh, video, hiện vật…
Đó cũng là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội – những người được cử tri tín nhiệm, ủy quyền nói lên tiếng nói nguyện vọng của nhân dân. Trách nhiệm của một người đại biểu, do vậy, không phải chỉ dừng ở việc đọc báo cáo, tiếp xúc cử tri qua những cuộc họp nghe ý kiến… mà còn phải là dấn thân vào thực tế, nhìn vào những góc khuất và dũng cảm đưa nó ra trước công luận như cách "ông hội đồng Khoa" hay ông Nguyễn Sỹ Cương đã làm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.