Gọi tên ngân hàng yếu kém trước đợt tái cơ cấu mới

Ngọc Sơn - 09/10/2022 20:15 (GMT+7)

(VNF) - Đầu năm 2022, nhân viên Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) có thêm khoản thu nhập bổ sung. Nguồn của khoản thu nhập này đến từ hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Điều này lại dấy lên kỳ vọng tái cơ cấu ngân hàng này sau đồn đoán về 1 tập đoàn tài chính của nước ngoài ngỏ ý đầu tư để tái cơ cấu nhưng không thành.

VNF
Ngân hàng Đông Á bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.

Mới đây nhất, tại lễ bổ nhiệm chủ tịch và tổng giám đốc mới của GPBank đầu tháng 9/2022, bên cạnh quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VietinBank - ngân hàng được giao hỗ trợ quản trị điều hành - còn có sự hiện diện của đại diện VPBank. Với những diễn biến này, nhiều khả năng GPBank đã có được đối tác để thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn mới.

Dấu hiệu “về chung một nhà”

Cuối năm ngoái, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” đã được thông qua. Ngay trong văn bản chỉ đạo đầu tiên sau Tết 2022, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN triển khai ngay việc cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương, tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

Việc tái cơ cấu đã thành chủ đề nóng trong mùa ĐHCĐ năm 2022 khi những kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt được nhiều ngân ngân hàng công khai xin ý kiến cổ đông.

Trong số đó, có 3 ngân hàng TMCP làm ăn thua lỗ được nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các “ông lớn” nhóm Big 4 hỗ trợ quản lý điều hành. Cụ thể, OceanBank và GPBank được giao cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ CBBank… Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt do làm ăn thua lỗ kéo dài.

Trước đây, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém những tưởng sẽ được đẩy nhanh sau quyết định mua lại 0 đồng. Sau khi được giao hỗ trợ, các ngân hàng lớn đã cử nhân sự sang làm lãnh đạo cấp cao, cùng với đó là các hỗ trợ khác về nhân sự, quản trị… với mục tiêu ban đầu sau 3 – 4 năm sẽ khắc được khó khăn và tìm hướng để tái cơ cấu và phát triển. Tuy nhiên, sau thời gian dài hơn dự kiến, các ngân hàng 0 đồng bị kiểm soát đặc biệt vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Con số thua lỗ của 3 ngân hàng không công bố chính thức nhưng đã từng được hé lộ lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là đơn vị đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng yếu kém. Tên tuổi ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc chưa công bố nhưng thông tin bước đầu xác định là Oceanbank.

Cũng trong dịp này, lãnh đạo Vietcombank đã trình bày kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Với việc hỗ trợ quản lý điều hành CBBank gần 8 năm qua, đây là cái tên được cho là nằm trong kế hoạch của Vietcombank.

Mới đây nhất, HDBank chính thức đề xuất chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu.

Thực tế, cách đây nhiều năm, đã có thông tin về việc HDBank hỗ trợ tái cơ cấu DongA Bank. Tuy nhiên, điều đó chưa được công khai chính thức thì HDBank có kế hoạch sáp nhập PGBank. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sáp nhập này dần đi vào im lặng và đến nay được xem như đã không thành.

Ngân hàng Đông Á bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015. Từ đó đến nay, ngân hàng này liên tục chìm trong khó khăn, lãnh đạo chủ chốt ra đi, con số tài chính không được công khai, cổ đông cấm bị chuyển nhượng cổ phần… Không khó để dự đoán DongA Bank và HDBank sẽ tiếp tục con đường tái cơ cấu trước đây.

Trong khi đó, tại ĐHCĐ năm 2022, khi trả lời cổ đông về khả năng tham gia tái cơ cấu, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Với những diễn biến mới này thì có thể dự đoán GPBank dường như sẽ ghép đôi với VPBank.

Điều kiện đặc biệt cho việc khó

Một chuyên gia ngân hàng ước tính, các ngân hàng 0 đồng khi được chuyển giao đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, trong các năm qua dù không công bố nhưng có thể dự đoán con số thua lỗ hàng năm cũng lên đến cả nghìn tỷ đồng. Vì thế, tổng con số thua lỗ của 3 ngân hàng 0 đồng đã lên tới vài chục nghìn tỷ đồng là không khó để hình dung. Một công bố cho thấy, năm 2021, tổng số nợ xấu của GPBank ở mức 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ của ngân hàng này.

Với khoản lỗ lớn, cùng sự phức tạp về xử lý nợ xấu, hệ thống, mô hình quản trị, nhân sự, công nghệ… vốn đã đi xuống rất nhiều trong mấy năm qua, đã đặt ra bài toán khó với các ngân hàng tham gia tái cơ cấu.

Trả lời tại ĐHCĐ năm 2022, lãnh đạo MB thừa nhận đây là việc khó và chỉ có thể làm được với các cơ chế đặc biệt, có sự hỗ trợ lớn từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, thời gian để đưa ngân hàng 0 đồng về trạng thái hết lỗ rồi mới tính tiếp cũng ước chừng cỡ 8 – 10 năm.

Trong phương án đưa ra với các cổ đông, các ngân hàng dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc cho thấy những điều kiện hỗ trợ rất đặc biệt.

Sau khi chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém thì ngân hàng nhận chuyển giao trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập, hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH 1TV. Bên nhận chuyển giao cũng sẽ góp vốn vào vào TCTD được chuyển giao bắt buộc theo lộ trình góp vốn phù hợp.

Ngân hàng nhận chuyển giao không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc và được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng nhận chuyển giao.

Ngoài ra, ngân hàng nhận chuyển giao được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của ngân hàng nhận chuyển giao đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của bên nhận chuyển giao. Cùng với đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của ngân hàng nhận chuyển giao nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định…

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới. Tuy nhiên, lãnh đạo MB cho rằng việc triển khai phương án chuyển giao bắt buộc và tái cơ cấu thành công một TCTD là nhiệm vụ khó khăn lâu dài, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, công sức và đối diện nhiều rủi ro.

Cho đến nay, sau hơn nửa năm vẫn chưa có 1 công bố chính thức nào cho tiến trình tái cơ cấu mới này. Lãnh đạo các ngân hàng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc khi được hỏi đều trả lời chưa thể nói gì hơn vào thời điểm này.

Một chuyên gia ngân hàng lâu năm nhận định, với kinh nghiệm tái cơ cấu thì việc khó này không dễ quyết nhanh được. Ông lấy ví dụ chỉ 1 khoản nợ xấu nghìn tỷ để giải quyết được cũng mất cả mấy năm để đi đến phương án cuối cùng. Việc tái cơ cấu cả 1 ngân hàng đã ở diện kiểm soát đặc biệt gần chục năm qua không hề đơn giản và chắc sẽ còn phải chờ thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác