Hà Nội: 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập
Hoàng Sơn -
31/07/2023 18:23 (GMT+7)
(VNF) - Thành phố Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 đơn vị cấp huyện phải thực hiện sắp xếp. Chỉ có 4 quận, huyện là Đông Anh, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm không có đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp.
176 đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội phải thực hiện sắp xếp
Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã; 579 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.
Đáng chú ý, chiếu theo các tiêu chí, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 đơn vị cấp huyện phải thực hiện sắp xếp. Chỉ có 4 quận, huyện là Đông Anh, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm không có đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, lần này việc sắp xếp có nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 2019-2021. Thứ nhất là số đơn vị sắp xếp lớn hơn; có 39 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 58 tỉnh, thành phố phải sắp xếp.
Thứ hai, khi nhập một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị phải có đề án riêng; sắp xếp đô thị phải bảo đảm 100% tiêu chí đô thị.
Thứ ba, việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị, nên phải làm đồng thời với công tác quy hoạch. Thứ tư, thời gian không có nhiều, việc triển khai bắt đầu từ ngày 1/8/2023, phải xong trước quý III/2024, nghĩa là có tổng cộng khoảng 13 tháng.
Sắp xếp phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, một số văn bản hướng dẫn chưa thực sự kịp thời, nội dung chưa thật đầy đủ, đồng bộ. Số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư còn chưa kịp thời. Chất lượng đô thị ở một số đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm theo quy định.
Việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư và tài sản công tại một số địa phương thực hiện sắp xếp còn vướng mắc. Việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được hướng dẫn cụ thể. Việc kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn có nơi, có lúc chưa được kịp thời.
Thủ tướng nhấn mạnh sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, có lộ trình, bước đi, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; nơi có điều kiện thuận lợi thì làm trước, nơi chưa có điều kiện thuận lợi thì xác định lộ trình phù hợp để thực hiện.
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội; tạo không gian phát triển mới, với tư duy mới, tạo giá trị mới.
Ngoài ra, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người dân có liên quan tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.