Hai phương án mua điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện quốc gia
(VNF) -Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án chính sách cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công Thương vừa có văn bản giải trình tới Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Tại văn bản này Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án chính sách cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
Theo đó, phương án 1 là nếu không dùng hết, được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên).
Công suất lắp đặt thực tế không vượt quá công suất được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký phát triển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên).
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Phương án 2: Nếu không dùng hết, được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Công suất lắp đặt thực tế không vượt quá công suất được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký phát triển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
EVN thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không vượt quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại được áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do Bộ Công Thương quyết định sau khi có báo cáo của EVN.
Với phương án 1, theo Bộ Công Thương, đúng với chỉ đạo của Chính phủ. Ưu điểm là khuyến khích lắp đặt điện mặt trời tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Tuy nhiên, lại tạo sự phân biệt giữa các vùng miền.
Còn phương án 2, cho rằng đây là phương án phù hợp trong thời điểm hiện nay. Thời gian tới, khi các điều kiện về pháp lý, kỹ thuật cho phép, quy mô phát triển điện mặt trời tại khu vực phía Bắc được xem xét, bổ sung theo đúng trình tự, quy định tại Luật Quy hoạch.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 356/TB-VPCP ngày 30/7/2024, thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” với điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, lượng điện sản xuất được tiêu thụ 90% tổng công suất và được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu làm rõ quy định về điện đấu nối lên lưới điện quốc gia và điện không đấu nối.
Liên quan đến vấn đề giá điện, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thêm giải pháp lượng điện dư phát lên lưới mà EVN mua thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN hoặc giá điện dư thì EVN có thể mua theo giá thị trường tại thời điểm giá điện thấp nhất được chào trên thị trường điện.
Điện mặt trời mái nhà trong KCN: DN sẵn sàng nhưng nghị định chưa xong
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.