Hai thách thức lớn với DN Việt khi bán hàng ra thị trường toàn cầu
(VNF) - Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, quyết định sản phẩm để bán và chi phí là hai thách thức lớn mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu.
- Ông đánh giá thế nào về thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong thời gian qua? Đâu là kết quả khiến ông ấn tượng nhất?
- Ông Gijae Seong: Có thể thấy sự gia tăng không ngừng của các đối tác bán hàng Việt trên thị trường toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới, trong đó có Amazon. Sự phát triển liên tục không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng.
Trong 5 năm qua (2019-2023, dữ liệu Amazon), số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%; số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần. 5 năm qua chứng kiến những thành tựu và cải tiến không ngừng, và chúng tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn, với sự tham gia sôi nổi của các nhà bán hàng thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Lần đầu đến Việt Nam trong chuyến công tác vào năm 2017, tôi nhận thấy nhiều nhà bán hàng rất hào hứng về kinh doanh trực tuyến. Nhìn lại sau 7 năm, so với thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ không chỉ về quy mô mà còn nhiều chỉ số khác kể trên và cả chất lượng.
Ban đầu, nhà bán chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, hướng đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang dần hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn. Họ không chỉ gia tăng doanh thu hay đạt được những con số triệu đô mà còn nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng.
- Theo ông, đâu là những lợi thế của các đối tác Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu?
Các đối tác bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Việt Nam rất chú trọng xuất khẩu với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sáng kiến, chính sách của chính phủ. Nhiều nhà máy và nhà cung cấp tại Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm xuất khẩu, mang đến lợi thế riêng biệt.
Ngoài ra, còn có một cộng đồng các doanh nhân trẻ thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Những nhà bán hàng này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các động lực của thương mại điện tử.
Ngành sản xuất của Việt Nam cũng thu hút sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Sự phát triển này đã góp phần củng cố chuỗi cung ứng và gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Không những thế, năng lực sản xuất không chỉ phục vụ cho những thương hiệu quốc tế lớn, mà đang dần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, đóng góp tích cực vào sản xuất trong nước.
- Những thách thức nào mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu?
Khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, hai thách thức chính mà họ sẽ gặp phải. Đầu tiên là quyết định sản phẩm để bán. Điều này không chỉ đòi hỏi các nhà bán hàng có sự thấu hiểu nhu cầu thị trường mà còn cần nắm bắt các quy định của thị trường và sự tuân thủ về sản phẩm, từ đó có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm để bán ra thị trường.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải rất linh hoạt để có thể phản ánh nhu cầu của khách hàng trong sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần liên tục, linh hoạt và nhanh chóng đọc vị, đáp ứng những thị hiếu mới nhất của thị trường.
Thách thức lớn thứ hai là chi phí. Bán sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ đòi hỏi rất nhiều chi phí, đặc biệt về logistics, vận chuyển đầu vào (inbound shipping) và quản lý tồn kho. Tiếp đó, họ cần tìm cách áp dụng những công cụ và chương trình này vào quy trình sản xuất để tối ưu hoá lợi ích sản xuất, đàm phán với nhà cung cấp, thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp, từ đó cải thiện cấu trúc chi phí.
- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu?
Ngày nay, thị trường vận hành dựa trên nhu cầu hơn là nguồn cung. Trước đây, nguồn cung hạn chế giúp sản phẩm mới dễ dàng thu hút người mua. Hiện tại, với nguồn sản phẩm phong phú, việc thấu hiểu khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ là rất quan trọng. Một sản phẩm đại trà, cơ bản có thể thu hút nhiều người nhưng rốt cuộc lại không làm hài lòng bất kỳ ai.
Để xây dựng một thương hiệu thành công, cần xác định rõ khách hàng mục tiêu và giải quyết được các vấn đề cụ thể của họ. Bằng cách kết hợp sự hiểu biết về thị trường mục tiêu cùng với lợi thế bán hàng (unique-selling-point), các doanh nghiệp có thể thiết lập được bản sắc thương hiệu riêng biệt. Nếu không có sự khác biệt, sẽ rất khó để duy trì hoạt động kinh doanh.
Sự thành công ban đầu của nhà bán hàng là nhờ vào sự am hiểu về các nền tảng trực tuyến, tuy nhiên họ sẽ sớm đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự, dẫn đến việc mất thị phần nếu không có yếu tố khác biệt. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh tại Việt Nam đang trở thành xu hướng và là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ Việt Nam. Amazon có sáng kiến gì để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong TMĐT xuyên biên giới?
Tại Amazon, chúng tôi đang tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến đa dạng nhằm thúc đẩy sự bền vững. Một phần của nỗ lực này là chương trình vận chuyển trong bao bì sản phẩm (SIPP), trước đây gọi là vận chuyển trong bao bì riêng (SIOC).
Chương trình này cho phép nhà bán hàng vận chuyển sản phẩm bằng bao bì thương hiệu riêng của mình mà không cần Amazon bổ sung thêm vật liệu. Điều này cho phép nhà bán tùy chỉnh các yếu tố thương hiệu và bao bì để khách hàng thấy thương hiệu của mình trong quá trình giao hàng. Với ít bao bì đóng gói hơn, nhà bán hàng sử dụng ít không gian hơn trên xe tải, giúp giảm số lượng xe tải cần dùng và giảm tổng lượng carbon phát thải.
Một sáng kiến khác của chúng tôi đó là sử dụng huy hiệu cam kết thân thiện với khí hậu (Climate Plegde Friendly), nhằm nhận diện các sản phẩm đáp ứng các chứng nhận bền vững nhất định.
Cụ thể, Amazon hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau để đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, từ nguồn nguyên liệu thô đầu vào đến quy trình sản xuất. Các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được gắn nhãn rõ ràng trên các gian hàng Amazon, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
‘Ông lớn’ Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á: Cuộc chiến bán hàng online thêm khốc liệt
- Hưởng lợi CPTPP, Việt Nam xuất khẩu lớn nhất Asean vào Canada 20/10/2024 08:45
- Đề xuất sàn thương mại điện tử đủ điều kiện khai, nộp thuế thay người bán hàng 27/09/2024 04:55
- Đề xuất siết sàn thương mại điện tử khuyến mại quá 50% 24/10/2024 09:32
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.