Hàng hóa của Asanzo sẽ thế nào nếu giải thể công ty?

Đào Bích - 02/09/2019 15:41 (GMT+7)

Asanzo đối diện với những khó khăn về việc giải quyết và thanh lý đối với những sản phẩm hàng tồn do sản xuất trước đó và bị các đại lý trả lại.

VNF
 Ông Phạm Văn Tam giới thiệu về quy trình lắp ráp tivi Asanzo trước báo chí ở thời điểm bị cáo buộc gian lận xuất xứ hàng hóa.

Sau nhiều tháng chờ đợi kết luận điều tra từ các cơ quan chức năng, mới đây Tập đoàn Asanzo chính thức thông báo tạm dừng hoạt động vì cho rằng “không còn khả năng tài chính”.

Theo ông Phạm Văn Tam – CEO Asanzo - trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, doanh nghiệp này bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.

“Trong thời gian tạm ngừng hoạt đông, Công ty Asanzo chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo được quyền lợi của người lao động trong khả năng của Công ty và theo quy định của pháp luật", Asanzo cho biết.

Một vấn đề đặt ra đối với Asanzo là doanh nghiệp này sẽ xử lý như thế nào đối với những sản phẩm đang tồn kho?

Trả lời VTC News, ông Phạm Văn Tam cho hay, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm giải pháp để xử lý đối với những mặt hàng này. “Có thể chúng tôi sẽ tìm đối tác và sớm thanh lý các sản phẩm này”, ông Tam nói.

Được biết số lượng hàng tồn kho hiện nay của Asanzo vẫn chiếm số lượng khá lớn, bao gồm những mặt hàng được sản xuất, lắp ráp trước đó và số lượng sản phẩm bị các đại lý trả lại trong thời gian xảy ra khủng hoảng.

Mới đây, dù doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng khi đối diện với những cáo buộc về nghi vấn "gian lận xuất xứ hàng hóa", Asanzo vẫn tiếp tục cho lắp ráp, sản xuất những mặt hàng đã nhập về trước đó.

Theo ông Phạm Văn Tam, những thiệt hại của Asanzo sau khi rơi vào nghi vấn “gian lận xuất xứ hàng hóa” là rất lớn. “Không chỉ khiến sản phẩm hàng hóa của Asanzo rơi vào tình trạng ế ẩm, bị trả lại mà thương hiệu của Asanzo cũng bị người tiêu dùng quay mặt”.

Cũng theo chia sẻ của Asanzo, ở thời điểm này, lãnh đạo doanh nghiệp không quá chú trọng đến việc thanh lý các sản phẩm hàng tồn mà tập trung chờ đợi kết luận thanh tra từ các cơ quan chức năng.

Việc tuyên bố tạm dừng hoạt động nhằm tiết kiệm một phần lớn chi phí để nhằm duy trì hoạt động của bộ phận bảo hành, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sau khi mua sản phẩm.

“Trước đây công ty có rất nhiều cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, sau “bài báo đầu tiên cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ”, mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác. Điều này khiến Asanzo đang rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính. Sắp tới, nếu việc kết luận của cơ quan chức năng cứ kéo dài vô thời hạn, công ty sẽ phải tự “chết” và tuyên bố giải thể”, CEO Phạm Văn Tam cho biết.

Trước đó, vào ngày 25/7/2019, Tổ công tác VCCI cũng đã có cuộc làm việc với đại diện Asanzo và có kết luận doanh nghiệp này không gian lận xuất xứ hàng hóa.

Biên bản làm việc giữa hai bên ghi rõ, VCCI đã lắng nghe và ghi nhận các phản ánh từ phía Asanzo. Theo đó, về việc ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa lắp ráp tại Việt Nam từ linh kiện nhập khẩu, ông Phạm Văn Tam cho biết công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo có sản phẩm lắp ráp được dán nhãn có ghi xuất xứ Việt Nam, được lưu thông, bán ra thị trường Việt Nam. Nhóm giúp việc tổ công tác VCCI rà soát các văn bản quy định pháp luật và đã cho ý kiến về việc này.

Hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean – Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của công ty Asanzo.

Tuy nhiên, pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 đều có giải thích (định nghĩa) về sản xuất hàng hóa: “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.

Như vậy, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của công ty Asanzo được sắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc ‘chế tạo bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật (cụ thể quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa).

Theo VTC News
Cùng chuyên mục
Tin khác