Hàng loạt ngành lãi đậm quý đầu năm

Ngọc Nhi - 26/04/2021 07:00 (GMT+7)

Quý đầu tiên của 2021, hầu hết doanh nghiệp niêm yết đều làm ăn có lãi. Đáng chú ý, hiện tượng lãi kỷ lục xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn khó lường.

VNF
Hàng loạt ngành lãi đậm quý đầu năm

Theo dữ liệu từ công ty chứng khoán SSI, tính đến 22/4, có 89 doanh nghiệp trên HoSE, tương đương 1/5 số lượng doanh nghiệp đang giao dịch trên Sở, công bố báo cáo tài chính. Kết quả sơ bộ cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm. Phần lớn đến từ các ngành ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản.

Ngân hàng dẫn đầu

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa chuyển cổ phiếu sang HoSE từ đầu năm nay, ngân hàng của chủ tịch Trần Hùng Huy báo lãi 2.483 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 61% so với cùng kỳ. Cùng thời điểm, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) cũng báo lợi nhuận tăng trưởng 41% trong quý I với 3.201 tỷ đồng. Ngân hàng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - HDBank cũng báo lãi quý tăng 68% đạt 1.680 tỷ đồng.

Trước đó, theo ước tính của lãnh đạo Vietcombank, quý I/2021, ngân hàng có thể lãi 7.000 tỷ đồng trong quý I năm nay, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ. Tại VietinBank, dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng theo lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận cũng có thể đạt mức 7.000-8.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Trong bức tranh lợi nhuận của các nhà băng đã công bố đến nay, phần lớn cho thấy kết quả tăng trưởng trên mức hai con số. Thậm chí một số ngân hàng đạt lãi tăng tính bằng lần trong quý I/2021, như ngân hàng MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 4 lần cùng kỳ, ngân hàng quân đội MBBank cũng báo lãi tăng 108% với 3.294 tỷ đồng, hay ngân hàng của bầu Hiển - SHB - báo lãi 1.330 tỷ đồng, tăng 116%. Trong báo cáo phân tích mới đây, phòng phân tích công ty SSI đánh giá ngân hàng sẽ là nhóm có triển vọng tăng trưởng tốt với lợi nhuận dự kiến tăng 55-65% trong quý I/2021.

Mặc dù chỉ có 26 đại diện có mặt trên sàn niêm yết, ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất với nhiều ngân hàng vốn hóa tỷ USD. Dư nợ cho vay của các ngân hàng chiếm 83% dư nợ toàn hệ thống, đóng góp khoảng 30% lợi nhuận toàn thị trường niêm yết trong năm 2020, theo dữ liệu từ FiinGroup.

Lợi nhuận tăng trưởng đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng của nhóm "cổ phiếu vua" trong thời gian qua. Theo thống kê của Zing, tính đến hết phiên giao dịch cuối tuần 23/4, ngoại trừ BIDV, 26 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đều tăng giá trong đó 14 mã tăng trên 20%, 6 mã tăng trên 40%. Mức tăng mạnh nhất ghi nhận tại cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc dân, tăng 71% so với đầu năm. Dưới sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu vua, VN-Index đã có mức tăng 11%, tính đến cuối phiên 23/4, đóng cửa tại 1.248 điểm.

Chứng khoán, bất động sản tăng tốc

Cùng với ngân hàng, nhóm công ty chứng khoán cũng được hưởng lợi từ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán. Trong ba tháng đầu năm, thị trường có thêm 258.000 tài khoản mở mới của nhà đầu tư, theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Sự gia nhập của nhà đầu tư ngày càng nhiều kéo theo giá trị giao dịch toàn thị trường cơ sở tăng mạnh và cũng tạo ra cơ hội để các công ty chứng khoán đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ. Ghi nhận trên HoSE giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đã trên 15.500 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đó là chưa kể đến tình trạng nghẽn lệnh ảnh hưởng đến giao dịch thực tế của nhà đầu tư.

Tính đến 23/4, HoSE cho biết đã có 67 trong tổng hơn 70 công ty chứng khoán thành viên công bố báo cáo tài chính quý I/2021.

Với mức nền thấp của quý I năm ngoái - thời điểm VN-Index giảm sâu dưới tác động của đại dich bùng phát – tăng trưởng lợi nhuận khối công ty chứng khoán trong quý I/2021 đặc biệt mạnh mẽ, hầu hết đều tính bằng lần.

SSI, công ty chứng khoán lâu đời trên thị trường chứng khoán báo lãi ròng 427 tỷ đồng, gấp 47 lần cùng kỳ, nhờ các hoạt động kinh doanh đều khởi sắc bao gồm phí môi giới, cho vay ký quỹ, kinh doanh nguồn vốn. Mức lợi nhuận cao nhất trong khối thuộc về chứng khoán VNDirect với lợi nhuận ròng gấp 8 lần cùng kỳ, đạt 482 tỷ đồng, Ngoài ra, một loạt công ty chứng khoán lớn, nhỏ khác cũng đều báo lãi tăng trưởng ở trên ba con số. Đáng chú ý, nhiều công ty chuyển từ lỗ của cùng kỳ sang lãi mạnh trong ba tháng đầu năm như Chứng khoán BSC (61 tỷ đồng), Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (40 tỷ đồng), Chứng khoán Rồng Việt (98 tỷ đồng), Chứng khoán FPTS (145 tỷ đồng)…

Tương tự ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán hầu hết đều có mức tăng giá mạnh 80-200% về thị giá trong khoảng 6 tháng. Đà tăng của nhóm này dễ dàng dự báo khi nhìn vào thanh khoản nên hầu thị giá của các công ty đều đã có đoạn “chạy” trước thời điểm công bố.

Bất động sản cũng là lĩnh vực được kỳ vọng có quý đầu năm kinh doanh khả quan, dù không rơi quý mùa vụ.

Trong nhóm bất động sản niêm yết, hiện các ông lớn Vinhomes, Novaland vẫn chưa công bố kết quả. Trong khi một số doanh nghiệp đầu tiên báo lãi tăng trưởng.

Tập đoàn Đất Xanh (DXG) báo lãi quý I/2021 tăng 7,6% lần cùng kỳ nhờ vào hạch toán dự án của năm 2020. Hay tại công ty cổ phần Nam Long, lãi ròng quý I tăng 3,3 lần cùng kỳ, đạt 365 tỷ đồng. Lợi nhuận này chủ yếu nhờ hạch toán phần chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường khi công ty mua thêm cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty con quản lý dự án WaterFront tại Đồng Nai. Tuy nhiên, chất lượng lợi nhuận của công ty bất động sản sẽ là yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm hơn khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, quý I, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM ghi nhận mức tăng 65% so với cùng kỳ, với 2.539 căn hộ cung mới. Trong đó 1.960 căn đã được tiêu thụ. Các dự án của Vinhomes, "con cưng" nhà Vingroup vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong lượng cung mới cho thị trường.

Tình trạng pháp lý cũng giảm bớt áp lực cho chủ đầu tư hơn khi Nghị định 148 có hiệu lực từ đầu tháng 2. Ngoài ra, Luật Xây dựng sửa đổi cũng đi vào hiệu lực từ đầu năm giúp các rút ngăn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 xuống còn 20 ngày.

Tại đại hội cổ đông thường niên, chủ tịch bất động sản Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang cho hay hiện tại có hai điểm khiến ông tin tưởng tình trạng pháp lý dự án bất động sản tại TP.HCM sẽ cải thiện. “Một là, sau bầu cử, kiện toàn bộ máy nhà nước mới, thị trường sẽ ổn định hơn. Mặt khác, chính quyền TP.HCM đang cho thấy nỗ lực cố gắng tháo gỡ cho doanh nghiệp, đó là thông tin tốt cho thị trường bất động sản”, theo ông Quang.

Ngành thép bội thu

Bên cạnh nhóm ngành tài chính, quý I năm nay cũng là vụ bội thu với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại ngành thép. Trong quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam vừa ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận suốt gần 30 năm qua, tính theo quý.

Hoạt động phân phối là chủ yếu, Tập đoàn Hoa Sen cũng báo lãi kỷ lục trong quý đầu năm với 572 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Doanh thu tăng trưởng 38% đạt 9.099 tỷ đồng. Các công ty ở quy mô nhỏ hơn cũng báo lãi lớn trong quý, chẳng hạn thép Nam Kim với lợi nhuận đạt được 318 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ, thép Tiến Liên lãi 120 tỷ đồng, gấp 30 lần cùng kỳ,…

Các công ty trong ngành đã có quý bội thu nhờ vào sự khởi sắc chung của ngành thép.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong quý đạt 2,5 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Các sản phẩm thép cán nóng, thép cán nguội, tôn mạ,… đều tăng sản lượng tiêu thụ so với cùng kỳ. Riêng hoạt động xuất khẩu sắt thép ghi nhận 2,9 triệu tấn sản lượng với kim ngạch đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 45% về sản lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ.

Tiêu thụ thép trong quý I đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi được hỗ trợ bởi cả nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường xuất khẩu và hoạt động xây dựng trong nước phục hồi, theo phòng phân tích của Chứng khoán Rồng Việt. Trong quý II, đơn vì này dự báo hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực khi một số nhà sản xuất tôn mạ đã nhận đủ đơn đặt hàng cho đến giữa tháng 8/2021. Trong khi đó, tiêu thụ thép xây dựng nhiều khả năng sẽ tăng so với quý II do hoạt động xây dựng sôi động hơn trong quý II do tính thời vụ và các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được triển khai.

Nhìn nhận kết quả kinh doanh quý I/2021 đã công bố cho đến hiện tại, bà Phạm Huyền Trang, phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - SSI Research cho rằng ngoài các nhóm ngân hàng, bất động sản, thép; các doanh nghiệp dầu khí, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu như hóa chất, phân bón, gỗ, dệt may, bán lẻ… cũng ghi nhận lợi nhuận tăng rất mạnh.

Theo bà Trang, ngoài nguyên nhân nền so sánh thấp của quý I/2020, mà một phần do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã củng cố rất tốt sức cạnh tranh trong giai đoạn dịch bệnh và đã lấy thêm được thị phần khá đáng kể, nên doanh thu và lợi nhuận của họ tăng mạnh hơn đối thủ và toàn ngành khi nhu cầu phục hồi, ví dụ như HPG, PNJ, MWG, DWG… Mặt khác, một số doanh nghiệp có thể nói là được hưởng lợi từ điều kiện vĩ mô (lãi suất thấp) như ngân hàng, chứng khoán…

"Thêm nữa, việc giá cả hàng hóa tăng cao do chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng và doanh nghiệp có thể chuyển sang giá bán, cũng là một lý do làm tăng lợi nhuận, như trường hợp của các công ty thép, xăng dầu, hóa chất, phân bón, đường,…”, bà cho hay.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Trịnh Duy Viết, giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á chỉ ra ba nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi tăng mạnh bất chấp đại dịch diễn biến khó lường. Ở nhóm hàng hóa cơ bản, Covid-19 khiến nguồn cung một số mặt hàng thay đổi, trong khi nhu cầu gần như không thay đổi so với trước dịch. Trong khi đó, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt đã sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường và cung ứng ra bên ngoài trong khi nhiều nước vẫn đang loay hoay đối phó với dịch bệnh.

Nhưng sâu xa hơn, theo ông Viết, để đạt được kết quả trên, phải nhờ vào quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới thông qua hàng hoạt hiệp định thương mại, mà gần đây là CPTPP và EVFTA đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam dễ dàng xuất khẩu hơn.

“Nhiều quốc gia là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đã tăng cường kích thích kinh tế, trong khi nhu cầu chi tiêu người dân trong dịch ít đi, tỷ lệ tiết kiệm tăng lên đáng kể. Sau khi dịch bệnh giảm thì nhu cầu chi tiêu sẽ bùng nổ rất nhanh, điều này gián tiếp có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, chuyên gia từ chứng khoán Đông Á nhìn nhận.

Ông Viết cũng nhấn mạnh thêm rằng kinh tế Việt Nam trước dịch vẫn đang trong trạng thái tăng trưởng nhanh và ảnh hưởng Covid-19 là sự kiện bất ngờ chỉ làm gián đoạn nhất thời. Chính phủ đã có những gói kích thích kịp thời để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp ngay cả trong lúc dịch bệnh khó khăn nhất, do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát thì tăng trưởng sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để tiếp tục lấy lại đà.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng xu hướng tăng trưởng nhanh của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2021 trước khi tăng trưởng ổn định trở lại vào năm 2022.

Bà Phạm Huyền Trang từ chứng khoán SSI cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ phục hồi mạnh vào năm nay. “Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp rõ nét nhất vào quý II năm ngoái, nên chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng quý II năm nay tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trước khi tăng chậm lại ở các quý sau. Nhìn chung năm 2021 lợi nhuận các doanh nghiệp toàn thị trường sẽ phục hồi mạnh và cao hơn mức trước dịch”, chuyên gia SSI nói.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.