ĐHCĐ TPBank: 'Bất cứ thời điểm nào ngân hàng cũng có thể chia cổ tức'

Minh Tâm - 23/04/2021 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù trình đại hội cổ đông kế hoạch không chia cổ tức nhưng Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú khẳng định bất cứ thời điểm nào cũng có thể chia cổ tức bởi lượng lợi nhuận giữ lại hiện tại là khá lớn. Tùy tình hình, ngân hàng sẽ tính toán lại việc chia cổ tức trong năm nay.

VNF
Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Chia sẻ tại đại hội về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng rất nghiêm ngặt. TPBank mặc dù là ngân hàng quy mô nhỏ nhưng năm 2020 vẫn được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 31% nhờ đạt được các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II và xếp hạng điểm CAMELS từ NHNN.

Năm 2021, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% nhưng mức tăng này còn phải xin NHNN. Ông Hưng tiết lộ tại thời điểm cuối quý I, hạn mức tín dụng TPBank được cấp cũng ở mức chung của toàn ngành, tuy vậy cũng là mức gần như cao nhất thị trường.

Tổng giám đốc TPBank cho biết ngân hàng phải tăng vốn (TPBank đang trình cổ đông phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu) để tạo tiền đề tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Ông Hưng cho hay hiện nay, kể cả nếu NHNN không đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng thì với lượng vốn tự có hiện tại, TPBank cũng chỉ có thể tăng trưởng tín dụng tối đa khoảng 40%, nếu tăng cao hơn thì ngân hàng sẽ không đáp ứng được một số chỉ tiêu quản lý rủi ro.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Hưng cho biết tăng trưởng tín dụng của TPBank đã đạt khoảng 7%, tức là đã sử dụng hết gần 2/3 hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, ông Hưng cho biết lượng cơ cấu nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không nhiều, nợ khó đòi cũng không lớn, đến hiện giờ chỉ còn cỡ khoảng 1.200 tỷ đồng. Theo quy định mới của Thông tư 03, lượng trích lập dự phòng cần thiết cho lượng nợ trên vào khoảng 400 tỷ đồng; phân bổ cho năm 2021 khoảng trên 140 tỷ đồng trích lập dự phòng và đã được ước tính vào kế hoạch kinh doanh năm nay.

Về công nghệ, năm 2020, nhờ ứng dụng blockchain trong chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, TPBank đã đạt doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, việc ứng dụng robot cũng giúp giảm số lượng, tăng năng suất cho cán bộ back-office, ngân hàng hiện chủ yếu tuyển mới nhân viên bán hàng. Năm 2020, ngân hàng đã ứng dụng khoảng 75 robot thay thế cho khoảng 180 nhân viên full-time. Trong năm 2021 dự kiến triển khai thêm 140 robot ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Riêng với ngân hàng số, lãnh đạo TPBank cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng này, trong đó có đầu tư hạ tầng. Trước đây, ngân hàng tự phát triển nhiều giải pháp công nghệ nhưng hiện nay đã chuyển sang mua một số giải pháp công nghệ của các nhà cung cấp châu Âu, đã triển khai với khách hàng cá nhân và sắp tới sẽ triển khai với khách hàng doanh nghiệp.

"Mỗi năm TPBank đầu tư khoảng 400-500 tỷ đồng cho ngân hàng số, chưa kể chi phí vận hành", ông Hưng tiết lộ.

Đánh giá về ngân hàng số TPBank, Phó Chủ tịch Đỗ Anh Tú tự tin khẳng định: "Ngân hàng số TPBank đang đi trước các ngân hàng số khác hơn 1 năm".

"Trong cuộc đua ngân hàng số, có thể có lúc đối thủ hơn chúng tôi một chút. Nhưng nếu chấm điểm cụ thể, ngân hàng số TPBank không thể đứng ở vị trí số 2 mà hơn thế", ông Tú nói và cho biết, TPBank đang là ngân hàng duy nhất cung cấp dịch vụ cơ bản cho khách hàng liên tục 24/7 và đích nhắm của ngân hàng số TPBank không phải là so sánh với các ngân hàng Việt Nam.

Về hoạt động kinh doanh, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết tỷ lệ chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) của TPBank cách đây 3 năm vào khoảng 50% và hiện đang xuống dưới 40%. Năm 2021 sẽ vào khoảng 37-38%.

Năm 2021, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 32%, lên 5.800 tỷ đồng.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết ngân hàng đặt mục tiêu đạt 500.000 tỷ đồng tổng tài sản và 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào năm 2025. Đến năm 2030, mục tiêu tổng tài sản đạt 1 triệu tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 35.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay, người đứng đầu TPBank cho biết cá nhân ông cũng rất muốn chia nhưng ngân hàng hiện đang cần vốn đầu tư một số hạng mục, chẳng hạn như mua công ty tài chính. Tuy nhiên, ông Phú cho biết bất cứ thời điểm nào cũng có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng bởi lợi nhuận giữ lại hiện nay khá lớn, tính đến cuối năm 2020 khoảng 6.000 tỷ đồng và cuối năm 2021 khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Tùy tình hình, ngân hàng sẽ tính toán lại việc chia cổ tức trong năm nay.

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình cổ đông đã được thông qua.

* * *

Theo tài liệu đại hội, năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 14,6% đạt 206.315 tỷ đồng; huy động vốn tăng 16,4% đạt 184.911 tỷ; dư nợ cho vay tăng 12,9% đạt 132.347 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019.

Phía TPBank cho biết hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoại tệ và vàng năm 2020 ghi nhận kết quả tốt. Trong đó, năm 2020, giá vàng SJC đã tăng 30% đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ngân hàng đã tận dụng được hầu hết các đợt sóng giá vàng, thu được lợi nhuận đáng kể. Khách hàng mới giao dịch ngoại hối cũng tăng lên đáng kể, xếp thứ 13 trong top các NHTMCP có thị phần mua bán ngoại tệ lớn nhất Việt Nam. 

Năm 2021, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020.

TPBank kỳ vọng tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 250.000 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Vốn điều lệ tăng 9% lên 11.717 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 20% lên 221.893 tỷ; dư nợ cho vay tăng 25% đạt 165.434 tỷ đồng. 

Ngân hàng tiếp tục muốn mở rộng mạng lưới LiveBank thêm ít nhất 40 điểm, tối đa có thể đạt 400 điểm vào cuối năm nay. Đồng thời, TPBank sẽ hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với 3 chi nhánh, 2 phòng giao dịch đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận thành lập mới trong năm 2020 cũng như tìm kiếm địa điểm thích hợp để xin phép NHNN cho thành lập mới 6 chi nhánh, 9 phòng giao dịch. 

Đáng chú ý, TPBank không có kế hoạch chia cổ tức trong năm nay.

Về phương án tăng vốn điều lệ, TPBank sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số cổ phiếu phát hành là tối đa 100 triệu cổ phiếu, tương đương 9,33% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Số lượng chào bán dưới 100 nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế 3 năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Cùng chuyên mục
Tin khác