TPBank muốn bán sạch hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ, ước thu khoảng 1.200 tỷ đồng

Tân Mai - 13/04/2021 07:28 (GMT+7)

(VNF) - HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) vừa có nghị quyết thông qua kết hoạch bán tối đa hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ hiện có, tương ứng 3,73% vốn điều lệ.

VNF
TPBank muốn bán sạch hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ, ước thu khoảng 1.200 tỷ đồng

Mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ này nhằm gia tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cơ cấu lại nguồn vốn và bổ sung vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động kinh doanh.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2021 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho phép. Nguyên tắc xác định giá theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Tạm tính theo thị giá kết phiên 12/4 (29.150 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị lô cổ phiếu quỹ của TPBank đạt gần 1.200 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2020, TPBank ghi nhận hơn 7.619 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 35% so với năm 2019. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt đạt 937 tỷ đồng và 710 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% và giảm 22%.

Biến động ngược chiều, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đột biến lên 408 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 43,8 tỷ đồng.

TPBank thu về 4.388 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, tăng trưởng ở mức 13%.

Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2020 đạt 206.315 tỷ đồng. Tổng huy động đạt 184.911 tỷ đồng, dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế đạt 132.347 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và tăng 30,3% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 của TPBank là 1,17%, thấp hơn so với 1,28% tại thời điểm cuối năm trước đó.

Năm 2021, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 21% lên 250.000 tỷ đồng. Tổng huy động dự kiến đạt 221.893 tỷ đồng, tăng 20% so với mức thực hiện năm 2020.

Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giầy tờ có giá dự kiến đạt 172.010 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác đạt 49.883, lần lượt tăng trưởng ở mức 20% và 22%.

Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến tăng 25% lên 165.434 tỷ đồng, tùy thuộc vào mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu kế hoạch duy trì dưới 2%.

TPBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế thu về 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, cũng là mốc lợi nhuận cao kỷ lục mà ngân hàng này chưa từng ghi nhận.

Được biết, TPBank đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trên 70% trong vòng 3 năm liên tiếp (từ năm 2017-2019). Trong đó năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên TPBank vượt mốc lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TPBank chững lại ở mức trên 13%.

Trong năm nay, TPBank dự kiến gia tăng tỷ trọng thu nhập từ phí và kinh doanh ngoại tệ lên 18% tổng thu nhập, doanh số giải ngân trung dài hạn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bình quân dự kiến đạt 2.000 – 3.000 tỷ đồng/tháng...

Về phương án phối lợi nhuận năm 2021, HĐQT TPBank đề xuất để lại lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm nay. Lợi nhuận để lại chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 sau khi trích lập các quỹ là hơn 2.978 tỷ đồng.

Như vậy, nếu đại hội thông qua phương án này thì đây sẽ là năm thứ hai TPBank giữ lại lợi nhuận và không chia cổ tức cho các cổ đông.

Đợt chia cổ tức gần đây nhất của TPBank là vào tháng 12/2020, ngân hàng này tiến hành trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là 20%, số lượng cổ phiếu đã phát hành là hơn 163 triệu đơn vị.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.