Hàng nghìn tỷ công đức thu chi chưa chặt chẽ, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý

Tiểu An - 09/08/2024 12:45 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Theo Công điện, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Còn một số cơ sở di tích lịch sử - văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.

Vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp…

Ảnh minh họa.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

Từ đó, chủ tịch tỉnh/thành chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.

Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng các bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm hướng dẫn UBND các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa theo quy định.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quý 4/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

Theo báo cáo, trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ.

Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Còn tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng, một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.

"Trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng không báo cáo, với lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa", Bộ Tài chính cho biết.

Cùng chuyên mục
Tin khác