Hàng Trung Quốc giá rẻ bán online: Làn sóng mới đổ về Việt Nam

Tiểu An - 04/10/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Đối mặt với 'cuộc chiến' khốc liệt ở thị trường trong nước, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc bắt đầu rục rịch mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài với nhiều dịch vụ hấp dẫn.

Hàng giá rẻ Trung Quốc sắp tràn về Việt Nam?

Mới đây, sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) phiên bản trên iOS đã hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc.

Theo đó, tại phần đăng nhập, đăng kí tài khoản hay xác minh thông tin, .... sàn thương mại điện tử do Alibaba quản lý này đã thể hiện ngôn ngữ tiếng việt. Khi bấm vào tìm mua các sản phẩm ở màn hình chính, 1966 đã đề xuất những sản phẩm bằng tiếng việt như: thời trang nữ, mỹ phẩm, dép da, máy tính....

Bên cạnh đó, nền tảng này cũng hỗ trợ các loại thẻ quốc tế, ngoài kênh ví nội địa Trung Quốc là Alipay.

Ngoài ra, các doanh mục hướng dẫn về thanh toán, khuyến mãi, vận chuyển cũng được hiển thị tiếng Việt song song với tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh, khi mua hàng do nền tảng này chỉ mới hỗ trợ 1 phần tiếng Việt, còn đến công đoạn chọn sản phẩm, chốt đơn đang hoàn toàn bằng tiếng Trung nên chưa biết cách chốt đơn thế nào và hiện thanh toán chưa hỗ trợ loại tiền VNĐ.

Ứng dụng 1688 trên iOS bất ngờ có phiên bản tiếng Việt.

Trước đó, nền tảng Taobao cũng đã 'tấn công' thị trường quốc tế bằng chương trình vận chuyển miễn phí cho các đơn hàng quần áo. Quần áo được xem là 'át chủ bài' của Taobao, bởi nền tảng này sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng vượt trội so với các đối thủ. Động thái này được xem là một nỗ lực nhằm cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu và Shein.

Theo đó, chi phí vận chuyển quốc tế sẽ do Taobao 'bao thầu'. Người bán chỉ cần giao hàng đến kho của Taobao tại Trung Quốc, các khâu còn lại sẽ do Cainiao (đơn vị vận chuyển của Alibaba) đảm nhiệm. Các sản phẩm quần áo trong chương trình vận chuyển miễn phí cũng sẽ được bán trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế khác của Alibaba như Lazada và AliExpress.

Trước đó, hãng tin Reuters đã thông tin người dùng Indonesia sắp tới có thể mua hàng trên YouTube thông qua các đường link Shopee gắn kèm. YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc, Mỹ và có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tính năng này hoạt động tương tự hình thức gắn giỏ hàng của TikTok Shop nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ sàn Shopee. Hiện tại, YouTube Shopping đã có mặt tại Hàn Quốc và Mỹ.

Tính đến nay, tại Việt Nam đang có 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.

Theo số liệu của Metric, trong quý II, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (7,6% thị phần) và hơn 997 tỷ đồng (1,3% thị phần).

Thương hiệu Việt vắng bóng trên các bảng xếp hạng doanh thu

Trong báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 do Metric thực hiện, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất chủ yếu là các thương hiệu đến từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Hàng loạt các nhà bán hàng láng giềng như Trung Quốc hay Indonesia cũng đang ồ ạt đặt chân vào thị trường Việt Nam với các danh mục hàng hoá phổ biển (thời trang, nhà cửa,...) với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã và vận chuyển.

Hàng Trung Quốc được đặt mua rầm rộ trên các sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ 

Sát biên giới Việt Nam, hiện nay, nhận thấy rõ hoạt động sôi nổi của các kho bãi Trung Quốc chứa hàng hoá để xuất khẩu sang Việt Nam thông qua hình thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thậm chí, các nhà bán hàng Trung Quốc đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng thêm kho vận sát biên giới Việt Nam trong thời gian tới.

Theo phản hồi của nhiều người dùng, thời gian giao hàng và cước phí quốc tế nhiều khi còn nhanh và rẻ hơn so với hàng nội địa. Điều này cho thấy các nhà bán hàng Việt còn chậm chân, chưa tận dụng hết lợi thế bản địa trong cuộc đua này.

Chị Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đặt mua giày online, từ một cửa hàng Trung Quốc trên sàn Shopee. Nghĩ rằng phải chờ 7 - 10 ngày, do hàng vận chuyển quốc tế, nhưng bất ngờ ba ngày sau hàng đã giao tận nhà.

"Nhanh hơn cả mua hàng nhiều shop tôi đặt mua ở TP. HCM hay Hà Nội. Hàng dùng tốt, mẫu mã xinh. Không phải giao nhanh rồi tăng phí, mà họ miễn phí vận chuyển luôn", chị Linh nói.

Trước đó, theo số liệu thống kê của một số doanh nghiệp bưu chính của Việt Nam, từ tháng 3/2023 đã có trung bình từ 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 45 - 63 triệu USD/ngày. Một tháng có khoảng 1,3 – 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok.

Cùng chuyên mục
Tin khác