Từ thép đến kimchi, Hàn Quốc đứng trước 'cú sốc' hàng giá rẻ Trung Quốc

Quỳnh Anh - 17/09/2024 16:01 (GMT+7)

(VNF) - Các nhà xuất khẩu sản phẩm của Hàn Quốc, từ thép, hóa dầu đến dệt may và mỹ phẩm, đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa hàng hóa trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu chậm lại.

"Bị đe dọa" bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc

Hàn Quốc được dự đoán rộng rãi là bên chiến thắng trong căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, khi thuế quan của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng các hạn chế đối với quyền tiếp cận công nghệ năng lượng thế hệ tiếp theo của Trung Quốc đã thúc đẩy người mua toàn cầu đến với ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện của Hàn Quốc.

Giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng lên hàng tháng kể từ tháng 10 năm ngoái. Nhưng các chuyên gia thương mại cho biết phần lớn mức tăng đó là do nhu cầu tăng cao đối với mặt hàng chip nhớ - mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc.

Chip nhớ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc.

Trong khi đó, một số lĩnh vực khác lại đang chịu "thiệt đơn thiệt kép" do mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn từ Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát các công ty sản xuất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc công bố vào tháng trước, 70% các công ty cho biết họ đã cảm nhận được hoặc dự kiến sẽ có thiệt hại cho hoạt động kinh doanh do hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Phần lớn sự cạnh tranh đó diễn ra ở các thị trường như Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Á và Mỹ Latinh, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng để ứng phó với tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu chậm chạp tại Trung Quốc.

Thiệt hại đa lĩnh vực

Ngay cả những nhà sản xuất kimchi của Hàn Quốc, sản phẩm đặc trưng của Seoul, cũng không phải là ngoại lệ. Hàn Quốc đã nhập khẩu nhiều kimchi hơn trong nửa đầu năm 2024, hầu hết là từ Trung Quốc, so với xuất khẩu, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt từ kimchi Trung Quốc có giá rẻ hơn 6 lần so với kimchi Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc cũng phải chịu một đòn đặc biệt nghiêm trọng khi sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc diễn ra đồng thời với sự chậm lại của ngành xây dựng trong nước.

Theo đó, Hyundai Steel báo cáo lợi nhuận hoạt động giảm 78,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý II, trong khi bộ phận thép của Posco báo cáo mức giảm 50,3% và Dongkuk Steel ghi nhận mức giảm 23% trong cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Sắt thép Hàn Quốc, giá thép Trung Quốc trung bình là 863 USD/tấn, thấp hơn nhiều lần so với giá 2.570 USD/tấn của thép Hàn Quốc.

Các công ty hóa dầu hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn khi một số phải dừng sản xuất, rút ​​khỏi liên doanh và hoãn kế hoạch mở rộng do thua lỗ ngày càng tăng trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, giá trung bình hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 4 năm nay, giảm 10,2% tổng thể, trong khi giá xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ giảm 0,1% trong cùng kỳ.

"Việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu khỏi Mỹ và châu Âu giống như một con dao hai lưỡi đối với chúng tôi. Chúng tôi có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ hơn vì Trung Quốc không có mặt ở đó, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Ả Rập Xê Út, Brazil và Kazakhstan đã tăng đáng kể trong năm nay, đặt ra thách thức cho các công ty Hàn Quốc tại các thị trường đó", ông Do Won-bin, một nhà nghiên cứu tại KITA cho biết.

Kim chi - mặt hàng xuất khẩu đặc trưng của Hàn Quốc, cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc.

"Phản công" không hiệu quả

Ông Do Won-bin cho biết các công ty Hàn Quốc cần phải phản ứng bằng cách “phân biệt sản phẩm của họ thông qua chất lượng”.

Nhưng cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phát hiện ra rằng các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đang mất niềm tin vào khả năng duy trì ưu thế của họ.

Chỉ có 26,2% các công ty cho biết họ đã duy trì lợi thế về công nghệ và chất lượng nhất quán so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc trong 5 năm qua, trong khi 73,3 % hiện đang có năng lực ngang bằng và có thể bị vượt qua trong 5 năm tới.

Bên cạnh việc duy trì ưu thế về chất lượng và công nghệ, các công ty Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc "phản công" thông qua pháp lý, tăng cường khiếu nại chống bán phá giá và vi phạm bằng sáng chế đối với các đối thủ Trung Quốc.

Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc - dẫn đầu là ngành thép, hóa dầu và pin - đang trên đà ghi nhận số vụ kiện chống bán phá giá cao nhất đối với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc kể từ năm 2002, năm sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trung Quốc chiếm 10/12 vụ rò rỉ công nghệ quan trọng do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc ghi nhận trong năm nay.

“Cho đến gần đây, Hàn Quốc vẫn thoải mái với đầu tư của Trung Quốc mặc dù có nguy cơ rò rỉ công nghệ. Nhưng hiện tại, đất nước này cần các biện pháp tinh vi hơn cho an ninh kinh tế của mình — cần có vai trò tích cực hơn của chính phủ để tạo ra một sân chơi bình đẳng”, Choi Byung-il, chuyên gia thương mại và giáo sư danh dự tại Đại học Ewha Womans, nhận định.

Theo FT
Trung Quốc cứng rắn, đặt ra 'lằn ranh đỏ' trong quan hệ với Mỹ

Trung Quốc cứng rắn, đặt ra 'lằn ranh đỏ' trong quan hệ với Mỹ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Mở đầu bằng những thông điệp đầy hy vọng về sự thấu cảm lẫn nhau và cải thiện quan hệ, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Mỹ đã đưa ra một thông điệp cứng rắn vào ngày 12/9 tại New York: “Đừng gây rối và đừng tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc”.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.