Hé lộ chiêu bầu Kiên chiếm đoạt 11 triệu cổ phiếu ngân hàng

Huyền Anh - 24/09/2018 10:51 (GMT+7)

Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) vừa có đơn tố cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) chiếm đoạt gần 158 tỷ đồng thông qua giao dịch chuyển nhượng 11 triệu cổ phiếu của ngân hàng. Không chỉ vậy, bầu Kiên còn có dấu hiệu ngăn cản việc trả gần 640 tỷ đồng nợ xấu tại ngân hàng Á Châu (ACB).

Trong đơn tố cáo mới nhất mà Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội (ngày 8/5/2018), tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên (bầu kiên) có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong một giao dịch khác, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Bí ẩn vụ chuyển nhượng 11 triệu cổ phiếu ngân hàng

Giai đoạn 2008 - 2010, AFG là cổ đông chiếm đến 70% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư ACB HN (ACBI), ông Kiên khi đó chính là Chủ tịch HĐQT ACBI, và cũng là Chủ tịch HĐQT của AFG, đại diện phần vốn góp của AFG tại ACBI. Với vị trí này, ông Kiên đã tự mình quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của ACBI, trong đó có nhiều ký kết, giao dịch vượt thẩm quyền, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho doanh nghiệp này.

Ngày 25/3/2008, ACBI thu được 800 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu cho ACB. Theo phương án phát hành trái phiếu được đại hội cổ đông thông qua, mục đích của việc phát hành trái phiếu là để đầu tư tài chính - đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng thương mại. Với số tiền có được, ngày 26/3/2008, ông Kiên đã trực tiếp ký hợp đồng mua 9.670.000 cổ phiếu ngân hàng từ 12 cá nhân. Tổng số tiền chi cho việc mua cổ phiếu này từ 12 cá nhân là 699,875 tỷ đồng (mệnh giá 72.376 đồng/cổ phiếu).

Số tiền còn lại ông Kiên chỉ đạo cho Công ty ACBI vay 100 tỷ đồng nhưng không lấy lãi trong vòng 8 tháng, trong khi ACBI vẫn phải trả lãi trái phiếu cho ACB. Việc cho vay này là vượt thẩm quyền của ông Kiên và cũng không được Đại hội cổ đông thông qua. Đến ngày 15/8/2008, ngân hàng này chia cổ tức bằng cổ phiếu. Với lượng cổ phiếu sở hữu, ACBI được chia thêm 1.590.715 cổ phiếu TCB, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 11.260.715 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).

Ngày 18/12/2008 (tức 7 tháng sau giao dịch mua cổ phiếu của 12 cá nhân), ông Kiên chỉ đạo giám đốc ACBI bán toàn bộ 11.260.715 cổ phiếu ngân hàng này đang sở hữu cho 2 cá nhân với mức giá bằng với giá khi mua ban đầu cho 9.670.000 cổ phiếu, tức 699,875 tỷ đồng. Trong hợp đồng mua bán, ACBI có nhận thêm tiền lãi suất hỗ trợ cho thời gian 7 tháng này là gần 52,3 tỷ đồng.

Sau khi vào tù, bầu kiên vẫn liên tiếp bị tố cáo lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

Các cổ đông của ACBI khẳng định, đây là điều bất thường và rất khó hiểu, bởi một giao dịch mua bán cổ phiếu bình thường nhưng các bên lại thỏa thuận hỗ trợ tiền lãi vay. Số cổ phiếu ACBI chuyển nhượng cho 2 cá nhân thực tế cũng cao hơn số lượng mua ban đầu đến 1.590.715 cổ phiếu (được trả cổ tức), nhưng số tiền trả cho ACBI lại ghi nhận bằng với giá trị mua ban đầu của 9.670.000 cổ phiếu.

Theo AFG (Công ty nắm 70% vốn tại ACBI), về nguyên tắc khi mua bán tài sản (cổ phiếu ngân hàng), các bên phải tự thu xếp tài chính. Chi phí vốn sẽ được xác định trong giá bán chứ không thể mua bán cùng một giá nhưng lại thu thêm tiền hỗ trợ lãi vay. Thực chất, giao dịch mua bán này là ông Kiên thỏa thuận với 2 cá nhân mua lô cổ phiếu ngân hàng này của ACBI chịu lãi suất trả chậm từng năm cho số tiền trả chậm. ACBI và 2 cá nhân này ký hợp đồng bán lô cổ phiếu từ cuối năm 2008 và hoàn tất chuyển giao, nhưng đến tháng 3/2013, việc thanh toán mới chấm dứt.

Nhưng đáng nói là trên giao dịch mua bán, ACBI không có văn bản thỏa thuận lãi suất trả chậm nào với 2 cá nhân mua cổ phiếu này, và cũng không nhận được bất cứ khoản tiền lãi trả chậm nào, mặc dù việc thanh toán kéo dài.

Thay vào đó, cùng thời điểm thanh toán tiền lãi trái phiếu cho ACB, cá nhân ông Kiên đã nhận tổng cộng hơn 211,2 tỷ đồng qua tài khoản, với nội dung “thanh toán tiền mua cổ phiếu ngân hàng này của ông Kiên và người mua”. Sau đó, ông Kiên đã trích hơn 52,26 tỷ đồng chuyển cho ACBI theo đúng số tiền hỗ trợ lãi vay mua cổ phiếu đã thỏa thuận như đã nói ở trên. Phần còn lại gần 158 tỷ đồng ông Kiên chiếm giữ, không giao lại cho ACBI.

AFG cho rằng, hành vi của ông Kiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại điều 355 Bộ luật Hình sự “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vì AFG với tư cách là cổ đông sở hữu 70% vốn điều lệ của ACBI, nên việc ông Kiên chiếm đoạt số tiền gần 158 tỷ đồng trong giao dịch mua bán cổ phiếu ngân hàng này cũng là chiếm đoạt tiền của AFG.

Trong khi đó, trái phiếu ACBI phát hành cho ACB có thời hạn 5 năm (2008 - 2013) nhưng đến nay (9/2018) vẫn chưa thanh toán cho ACB.

Tiếp tục thoái thác trách nhiệm, ngăn cản trả nợ

Trong một diễn biến khác, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) đã bầu lại HĐQT để tiếp quản doanh nghiệp và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay, việc trả nợ của những người làm nhiệm vụ kế thừa cũng không thể thực hiện, vì bị chính bầu Kiên và các thành viên liên quan ngăn cản. Hiện AFG vẫn còn khoản nợ xấu gần 640 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Để thanh toán nợ, Chủ tịch HĐQT AFG đã lấy ý kiến các thành viên HĐQT về việc ủy quyền tất cả các quyền của chủ sở hữu theo quy định đối với 15.000.000 cổ phiếu của ACB thuộc sở hữu của AFG cho ACB hoặc bên thứ 3 do ACB chỉ định, để đảm bảo nghĩa vụ nợ của AFG tại ACB.

Nhiều cổ đông của AFG đang lo lắng vì khoản nợ của AFG tại ACB khá lớn, đã chuyển thành nợ xấu. Nợ xấu cũng đang khiến AFG gánh chịu chi phí lãi quá hạn quá lớn, vượt khả năng sinh lời so với danh mục tài sản hiện có.

Một số cổ đông này đã có văn bản yêu cầu AFG tất toán nợ cho ACB và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phương án trả nợ được đưa ra là bán một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu ACB mà AFG đang sở hữu. Nhất là trong bối cảnh giá trị cổ phiếu ACB mà AFG đang sở hữu rất tốt, thuận lợi cho việc bán để trả nợ cho ngân hàng (giá cao nhất kể từ năm 2012 cho đến thời điểm hiện tại, đóng cửa giao dịch ngày 21/9 giá cổ phiếu ACB chốt tại 34.400 đồng/cp).

Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong 5 năm

Tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu kiên), với tư cách thành viên HĐQT AFG, đã không đồng ý ủy quyền cho ACB hoặc bên thứ 3 đối với 15.000.000 cổ phiếu ACB thuộc sở hữu của AFG và các cổ đông, để thanh toán nợ. Bà Lan khẳng định HĐQT không được phép quyết định những vấn đề liên quan đến tài sản của AFG khi chưa lấy ý kiến cổ đông theo điều lệ. Trong khi đó AFG vẫn chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông để lấy ý kiến, cũng như xem xét lại tổng thể các hoạt động của Công ty.

Theo điều lệ AFG, việc bán tài sản phải được cổ đông thông qua với tỷ lệ 65%. Trong khi đó, Công ty B&B (Công ty gia đình ông Kiên - bà Lan) sở hữu 40% cổ phần của AFG nên vẫn có quyền phủ quyết việc bán tài sản để trả nợ (do ông Kiên gây ra).

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước trước ĐHĐCĐ vào tháng 3 vửa qua, ACB cho biết, trong cơ cấu cổ đông hiện nay của nhà băng này, có nhóm cổ đông và người có liên quan đến bầu Kiên nắm giữ khoảng 10,45% cổ phần ACB. Nhóm cổ đông này cũng là khách hàng vay với dư nợ gốc 193 tỷ đồng và nợ lãi 175 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 2/2018). Nhóm cổ đông này cũng có liên quan đến 6 Công ty là khách hàng có nợ xấu tại ACB, với dư nợ gốc tính đến cuối tháng 2/2018 lên đến 3.094 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo gửi NHNN của ACB, ông Kiên và bà Lan cùng các tổ chức, cá nhân liên quan đang có các hành động từ chối trả nợ, ngăn cản quá trình thu hồi nợ mà ACB đang thực hiện theo chỉ đạo của NHNN.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục
Tin khác