Hỗ trợ phục hồi sau bão lũ: Chia nhỏ đối tượng, ưu đãi dài hạn

Hạnh Vũ - 05/10/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Ngành ngân hàng đưa ra nhiều chính sách, gói tín dụng hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, để đảm bảo trúng đối tượng và thiết thực, các ngân hàng cần chia nhỏ đối tượng, đồng thời duy trì ưu đãi trong thời gian dài.

Tín dụng ưu đãi hỗ trợ phục hồi sau bão

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thống kê sơ bộ có 116.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, với 83.418 khách hàng bị thiệt hại. Trước tình trạng trên, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát dư nợ bị ảnh hưởng, thực hiện các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm lãi suất, giãn nợ, hoãn nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, đồng thời phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hành. Trước hết, các ngân hàng đã chủ động miễn, giảm lãi suất với khoản vay cũ cũng như tạo điều kiện cho vay mới. Các chương trình hỗ trợ lãi suất có thời hạn nhất định, thường kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm 2024, với một số trường hợp kéo dài đến đầu năm 2025.

Nhóm ngân hàng quốc doanh đã đi đầu trong việc triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng.

Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ 6/9 đến hết năm nay, áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Theo tính toán, Vietcombank sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 160.000 tỷ đồng, với hơn 25.500 khách hàng.

VietinBank cho biết dành 100.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hàng thiệt hại do bão. Cụ thể, tất cả doanh nghiệp và cá nhân chịu thiệt hại từ bão Yagi đều được hỗ trợ giảm lãi suất lên đến 2%/năm tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn cho các khoản vay. Chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và vay mới đến hết ngày 31/12.

Tại Agribank, gần 15.000 khách hàng với dư nợ trên 30.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Đại diện Agribank cho biết sẽ giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng với mức độ từ 0,5-2% và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9-31/12; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9-31/12.

Tại BIDV, hơn 1.000 khách hàng cá nhân cũng bị thiệt hại, với dư nợ trên 40.000 tỷ đồng. BIDV đã triển khai chương trình giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới. Đồng thời, BIDV sẽ ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay với mức lãi suất ưu đãi.

Nhóm ngân hàng tư nhân cũng đưa ra các chính sách giảm lãi vay 0,5-2%/năm cho cá nhân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Ngân hàng Quân đội (MB) giảm lãi suất từ 1-2% cho khách hàng vay trung và dài hạn, giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng vay ngắn hạn từ nay đến hết năm 2024. Đối với lãi suất cho vay mới, trước mắt MB dành 7.000 tỷ đồng để giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng vay mới.

Đại diện Techcombank cho hay ngân hàng này giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp, thời gian từ 3-6 tháng với gói tín dụng 5.000 tỷ đồng.

Sacombank áp dụng giảm lãi suất tới 2%/năm cho dư nợ hiện hữu và mới, đồng thời giảm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn. Tổng số dư nợ được giảm lãi suất lên tới 27.500 tỷ đồng, với số tiền miễn giảm gần 100 tỷ đồng.

ACB đã quyết định giảm 1-2 điểm % lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai, đồng thời áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới.

TPBank có chính sách hỗ trợ giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ và sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025.

Tương tự, LPBank đã triển khai gói vay ưu đãi 8.000 tỷ đồng cho khách hàng mới và giảm lãi suất tới 2%/năm cho khách hàng hiện hữu, với số tiền miễn giảm lãi có thể lên đến 85 tỷ đồng.

HDBank ghi nhận gần 2.000 tỷ đồng dư nợ với khoảng 1.000 khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng và đang hỗ trợ lãi suất 1% cho các khách hàng này.

Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB cho biết nhà băng này đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ 1/9-31/12. Với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên.

PGBank đưa ra các biện pháp như cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng nặng với gói tín dụng 2.000 tỷ đồng. Còn MSB cho biết giảm 1%/năm lãi suất vay VNĐ và 0,5%/năm lãi suất vay USD đối với khách hàng doanh nghiệp.

ABBANK giảm đến 1,5% lãi suất trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm áp dụng đối với khách hàng vay sản xuất kinh doanh trung/dài hạn. Khách hàng vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn, tùy theo mức độ bị thiệt hại sẽ được áp dụng giảm đến 0,7%/năm lãi suất trong toàn bộ thời gian cònlại của khoản vay hiện hữu cho đến ngày đáo hạn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBANK, chia sẻ ngân hàng đang tiếp tục chủ động rà soát thiệt hại của các khách hàng đang vay vốn để kịp thời đưa ra những biện pháp hỗ trợ, cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh.

Xây dựng gói lãi suất 0%

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu đưa ra các chính sách tín dụng ưu đãi như giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, chính sách tín chấp hay có gói lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Lãnh đạo một ngân hàng tư nhân cho hay, nhà băng này đang nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi với quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tháng đầu tiên dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ sớm trình Chính phủ các cơ chế liên quan để ban hành thông tư, chính sách giãn, hoãn nợ cho riêng đối tượng thiệt hại bởi bão số 3. Thông tư mới sẽ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới tình hình tài chính của ngân hàng, tránh để rủi ro nợ trở nên quá phức tạp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới đây thông tin, NHNN đã chỉ đạo các TCTD và các TCTD đã tăng quy mô gói tín dụng cho lâm thuỷ sản từ trước đây là 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, đến nay là 60.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc cung cấp dòng vốn tín dụng đúng thời điểm có ý nghĩa quan trọng với người dân và doanh nghiệp thiệt hại nặng nề như hiện nay. Bên cạnh việc xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, các ngân hàng nên nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp với lãi suất 0%. Đây sẽ là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí mua sắm những đồ dùng trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống. Các chuyên gia cho rằng, một trong những phương thức giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng, công ty tài chính là việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, nếu thống kê quy mô thiệt hại quá lớn thì NHNN cần có đề xuất thêm chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước như hỗ trợ lãi vay trong các trường hợp do thiên tai, bão lũ…

Ngân hàng 'kích hoạt' gói tín dụng 100.000 tỷ khắc phục hậu quả bão Yagi

Ngân hàng 'kích hoạt' gói tín dụng 100.000 tỷ khắc phục hậu quả bão Yagi

Ngân hàng
(VNF) - Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra, nhiều ngân hàng lớn đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.