Học trường tư 12 năm hết gần 3 tỷ: Mua căn chung cư hay đầu tư cho giáo dục
(VNF) - Thu nhập không dư giả nhiều, nhưng vẫn muốn đầu tư giáo dục cho con, tính toán thử nếu con học một trường tư nhân hoặc quốc tế đến hết lớp 12 cũng “ngốn” của bố mẹ gần 3 tỷ đồng. Vậy lựa chọn đầu tư thế nào cho đúng, giúp ba mẹ đỡ áp lực tài chính
Học trường tư hết lớp 12 “ngốn” 3 tỷ đồng
Mới đây, một độc giả chia sẻ trên cộng đồng Tài chính Cá nhân về việc đầu tư giáo dục cho con tại một trường tư nhân đến hết lớp 12, con số được vị phụ huynh này tính toán lên đến gần 3 tỷ đồng, tương đương một căn chung cư.
Đồng thời, chia sẻ hoàn cảnh 2 vợ chồng thu nhập cũng ở mức đủ để lo cho các con chứ không thực sự dư giả. Vị độc giả này nhấn mạnh, không bàn về chất lượng học tập, chỉ muốn tư vấn về việc chuẩn bị tài chính cho mục tiêu này phù hợp bức tranh tài chính hiện tại của gia đình.
Cuối cùng, vị phụ huynh thắc mắc với thực trạng này, cố theo thì có thể sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, mà không đầu tư được cho con thì cũng không đành.
Tương tự, chị Lê Thu Hà (33 tuổi) ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết, chị cũng đang cho con theo học từ lớp 1 tại một trường liên cấp quốc tế với mức học phí hàng năm khoảng gần 150 triệu đồng. Với tình hình tài chính hiện tại, gia đình chị Hà hoàn toàn có thể lo được cho con.
Tuy nhiên, bản thân chị Hà cũng khá nhiều lo lắng, tương lai vẫn muốn con học trường quốc tế, tính ra chi phí để học hết lớp 12 cũng lên đến vài tỷ đồng. Đó là đang tính tại thời điểm năm 2024, chưa có đề cập đến vấn đề lạm phát.
“Thời điểm này vẫn ổn, nhưng không biết tương lai sẽ ra sao từ công việc, thu nhập, chi phí phát sinh, sức khoẻ… nên cũng rất mong muốn có một kế hoạch tài chính cho việc học của con được bảo đảm”, chị Hà tâm sự.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, với sự phát triển của xã hội và các hệ thống giáo dục tại Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh ngày nay có xu hướng đầu tư cho con học tại các trường tư nhân hay chuẩn quốc tế.
Điều này cũng tạo điều kiện cho thế hệ tương lai tiếp cận với các nền giáo dục quốc tế một cách dễ dàng hơn, trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng đang mang lại nhiều áp lực về tài chính.
Ba lưu ý về nhân khẩu học tài chính
Trao đổi với VietnamFinance, bà Lưu Thanh Thảo, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho biết, việc chọn cho con học trường quốc tế theo tính toán bằng tiền mua một căn chung cư, có nhiều yếu tố cần xem xét đầy đủ.
Đầu tiên, cần xác định mục tiêu ưu tiên của hai vợ chồng. Đầu tư học tập cho con hay đánh đổi chi phí cơ hội của một khoản đầu tư khác.
Điều cha mẹ mong muốn cho con học trường chuẩn quốc tế cuối cùng cũng là cho con có nền giáo dục tốt hơn, tăng cơ hội phát triển và hội nhập toàn cầu, tuy nhiên phương án này cần được cân nhắc kỹ khi thu nhập gia đình cũng vừa đủ không dư dả, và tài sản cũng không lớn.
Vì điều này sẽ làm tăng áp lực tài chính và cả tâm lý trong dài hạn, trong khi cũng có thể cân nhắc việc cho con học ở trường công lập, dùng phần tiền tích luỹ để cho con học đại học ở trường quốc tế hoặc du học vẫn đạt được mục tiêu đề ra.
“Với phương án này, tiền thặng dư hàng tháng hiện tại có thể dùng đầu tư vào một tài sản có hiệu suất tốt mà 2 vợ chồng không phải chịu áp lực tài chính cũng như tâm lý khi có những yếu tố bất khả kháng xảy ra”, bà Thảo nói thêm.
Còn nếu vẫn mong muốn chọn phương án cho con học 12 năm tại trường chuẩn quốc tế thì cần phải chuẩn bị một khoản tiền sẵn sàng cho kế hoạch này vì đây là việc quan trọng, cần đảm bảo tính thanh khoản để đóng học phí.
Thực tế tài chính gia đình chỉ mới để dành được một phần cho quỹ học vấn này và phải dùng thu nhập hàng tháng để chi trả thì cần xem xét yếu tố quan trọng về nhân khẩu học tài chính.
Thứ nhất, tính ổn định thu nhập của 2 vợ chồng, đó là việc đảm bảo khả năng chu cấp toàn bộ học phí cho đến khi con hoàn thành chương trình học mà không bị gián đoạn giữa chừng hoặc phải thay đổi môi trường khác.
Do đó trước khi quyết định có cho con theo học 12 năm phổ thông tại trường quốc tế thì phải xem, thu nhập trong những năm tiếp theo có ổn định hay không. Và nếu vợ hoặc chồng có ý định thay đổi công việc thì người đó có dễ dàng tìm được công việc mới với mức lương cao hơn hoặc bằng hiện tại.
Thứ hai, nếu thu nhập gia đình cũng chỉ đủ lo cho con học chứ không dư dả, cần lưu ý đến một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là quỹ dự phòng. Quỹ này cần đủ đảm bảo học phí đến hết phổ thông của con trong trường hợp chẳng may người trụ cột xảy ra những rủi ro về sức khoẻ, tai nạn, dẫn đến không thể tiếp tục tạo ra nguồn thu nhập.
Lưu ý, vì chi phí học tập là một khoản chi phí thiết yếu nên quỹ dự phòng cần đảm bảo tính thanh khoản, tài sản thanh khoản có thể kể đến bao gồm tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm, vàng và nếu chưa kịp có ngay quỹ dự phòng đủ cho con thì có thể xem xét một chương trình bảo hiểm.
Thứ ba, một yếu tố về nhân khẩu học tài chính khá phổ biến đó là gia đình có dự định sinh thêm em bé, hoặc đang có trách nhiệm chu cấp cho ba mẹ hai bên. Nếu tương lai 2 vợ chồng có thêm bé thứ hai (có thể nằm trong hoặc ngoài kế hoạch), sẽ phát sinh thêm một đầu chi phí bao gồm cả học phí.
“Con thứ nhất học trường quốc tế thì bé thứ hai nhiều khả năng cũng học trường quốc tế. Vì vậy gia đình cần có kế hoạch về việc tăng chi phí nếu sinh thêm con hoặc các khoản chi phát sinh liên quan đến sức khoẻ bố mẹ 2 bên”, bà Lưu Thanh Thảo lưu ý.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, quyết định cho con học tại một trường đạt chuẩn quốc tế hay trường công lập phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng tài chính cá nhân, các yếu tố nhân khẩu học tài chính…, mục tiêu, mong muốn phải khả thi với thực trạng hiện có. Nếu không, rất có thể sẽ mang đến áp lực tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình.
“Hãy xác định đây là một chặng đường dài hơi, trong đó có rất nhiều biến số có thể xảy ra từ sức khoẻ, thu nhập, trách nhiệm… cần tham khảo sự tư vấn từ các chuyên gia tài chính cá nhân để có một kế hoạch giáo dục khả thi, phù hợp với bức tranh tài chính của gia đình, đảm bảo mục tiêu đặt ra được đến đích” một vị Chuyên gia tài chính nhấn mạnh.
50 tuổi chưa có kế hoạch về hưu: 10 năm nữa cuộc sống sẽ ra sao?
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.