Hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chờ Bộ GTVT giải ngân trong năm 2023
Chí Bình -
02/02/2023 07:56 (GMT+7)
(VNF) - Năm 2023, Bộ GTVT đăng ký số vốn 72.000 tỷ đồng, tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho cơ quan này hơn 22.000 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân một số vốn “khổng lồ” hơn 94.000 tỷ gấp 1,7 lần năm ngoái và 2,2 lần năm 2021.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan đơn vị của Bộ, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư về triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đạt 96,2%, bảo đảm mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (trung bình cả nước đạt tỷ lệ khoảng 92,7%) và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ năm 2021 (năm 2021, Bộ giải ngân 40.300 tỷ đồng, đạt 93,7%).
Về tình hình giao chi tiết kế hoạch vốn 2023, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng giao là 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%);
Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch; để giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất khó khăn.
Báo cáo thêm tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết năm 2023 dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án. Trong đó phải tập trung hoàn thành 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2) và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ 2 dự án thành phần hoàn thành trong năm 2024 và 12 dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần tập trung chỉ đạo các dư án cầu Rạch Miễu 2, dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang , 7 dự án sử dụng vốn ODA, 3 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách; cũng như một số dự án giao cho các địa phương là chủ đầu tư…
Bên cạnh đó, cần khẩn trương phê duyệt dự án đầu tư các dự án đường Hồ Chí Minh; tập trung phối hợp, hỗ trợ các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ mọi khó khăn để khởi công các dự án cao tốc thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Liên quan đến kế hoạch vốn 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh năm nay tổng số vốn Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng, tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ, một con số “khổng lồ”; nên tháng nào không đạt được thì gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.
Để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc. Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.
Thứ hai, công tác GPMB phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, không phải thời gian được Chính phủ ấn định là quý II/2023 địa phương phải bàn giao toàn bộ. Tuy nhiên chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.
Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Năm nay ngành GTVT không thiếu tiền, chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó. Phải tập trung làm cuốn chiếu để giải ngân được nhiều nhất, muốn như vậy phải sẵn sàng kế hoạch, con người thiết bị đầy đủ
Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tức là có thể triển khai song song nhiều việc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lấy ví dụ như vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở từng phần bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại để đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới...
Rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban quản lý dự án vừa là chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng theo các quy định cũng như hợp đồng đã ký kết.
"Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay. Trách nhiệm cao nhất của các Ban quản lý dự án/chủ đầu tư, nếu không làm được thì các lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo Bộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.