Hy vọng rồi lại thất vọng, Phố Wall ‘nản chí’ với Fed
(VNF) - Phố Wall đã lùi dự đoán về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng 3 đến tháng 6, sau đó đến tháng 9 và giờ đây các nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi liệu có đợt cắt giảm nào hay không.
- Fed trì hoãn giảm lãi suất, tỷ giá sẽ lên đỉnh 25.600 đồng/USD? 04/05/2024 08:00
Lạm phát tiếp đà tăng
Sau đợt phục hồi huy hoàng của thị trường chứng khoán vào năm 2023, Phố Wall bước sang năm 2024 với nhiều dự đoán lạc quan khi thu nhập của các doanh nghiệp ổn định, mức tiêu dùng hộ gia đình mạnh mẽ và cuối cùng là lạm phát hạ nhiệt.
Sự kết hợp nay thường sẽ khiến Fed sớm bước vào lộ trình cắt giảm lãi suất - một động thái giúp giảm chi phí nợ, đẩy cổ phiếu lên cao hơn và khiến người tiêu dùng cảm thấy giàu có hơn.
Tuy nhiên, những trở ngại trong hành trình đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% đã khiến triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trở nên mờ nhạt.
Ông Justin Simon, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Jasper Capital, cho hay: “Mọi người đều nghĩ rằng sắp cắt giảm lãi suất, và mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Đó là lý do tại sao mọi người mua cổ phiếu. Bây giờ điều đó dường như tương đối khó xảy ra”.
Sự tồn tại dai dẳng của lạm phát đã tạo ra sự không chắc chắn cho thị trường, từ đó dẫn đến biến động. Khi hy vọng về việc cắt giảm đã mờ nhạt, hiệu suất của các chỉ số chứng khoán chính đã liên tục suy giảm. S&P 500 đã giảm 0,2% kể từ đầu tháng 3, trong khi chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ giảm 0,7%.
Không những không giảm, lãi suất có thể tăng?
Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối năm ngoái cố gắng đưa ra một giọng điệu thận trọng thì những dự báo công khai của Fed về lãi suất báo hiệu rằng nhiều đợt cắt giảm sẽ diễn ra vào năm 2024.
Đối với thế giới tài chính, điều đó nghe có vẻ giống như một chiến thắng nho nhỏ trước lạm phát và có nghĩa là Mỹ sẽ có khả năng hạ cánh mềm, một kịch bản của Goldilocks khi giá cả ổn định mà không làm nền kinh tế chậm lại đến mức gây ra suy thoái.
Nhưng khi năm mới bắt đầu, mọi thứ đã dần trở nên tồi tệ. Dữ liệu lạm phát cho thấy giá cả vẫn đang tăng với tốc độ khó chịu. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (loại bỏ các danh mục dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) trong tháng 3 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với Fed, tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong quý 1, mức tăng lớn nhất trong một năm.
Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE lõi tăng ở mức 3,7% trong quý, và cả hai chỉ số này đều cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có xu hướng tập trung vào lạm phát lõi, xem đây như một chỉ báo xác thực hơn về xu hướng dài hạn của lạm phát.
Phố Wall thực sự bắt đầu lo lắng rằng những đợt cắt giảm quý giá sẽ không diễn ra. Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nhắc nhở mọi người đừng để "bị ru ngủ trong cảm giác an toàn sai lầm rằng một cuộc hạ cánh mềm sắp đến”.
Tuần trước, Fed đã thừa nhận trong cuộc họp chính sách mới nhất rằng mặc dù nền kinh tế đang có nền tảng vững chắc, nhưng “trong những tháng gần đây, vẫn chưa có tiến triển gì hơn nữa đối với mục tiêu lạm phát 2% của Ủy ban”.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ lãi suất vay ngắn hạn chuẩn ở mức 5,25 -5,5%. Đây là mức lãi suất được ấn định từ tháng 7/2023, cao nhất trong vòng 23 năm và đã được giữ nguyên sau 6 cuộc họp của Fed. Quan chức của Fed nhấn mạnh rằng họ vẫn “rất chú ý đến rủi ro lạm phát”.
Một số nhà phân tích, bao gồm ông Torsten Slok - nhà kinh tế trưởng tại Apollo, cho rằng rất có khả năng lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới do giá năng lượng tăng. Một kịch bản như vậy có thể đặt Fed vào tình thế không chỉ giữ lãi suất ở mức 5% mà còn cân nhắc việc tăng lãi suất.
Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm, chứng khoán Mỹ hỗn loạn
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.