Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm, chứng khoán Mỹ hỗn loạn
(VNF) - Sau cuộc họp chính sách mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức cao nhất trong vòng 23 năm khi "cuộc chiến" giảm lạm phát có dấu hiệu trì trệ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, người đứng đầu Fed bác bỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất.
Giữ nguyên lãi suất
Trong động thái mới nhất sau cuộc họp chính sách thường kỳ, ngày 1/5, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ lãi suất vay ngắn hạn chuẩn ở mức 5,25 -5,5%.
Đây là mức lãi suất được ấn định từ tháng 7/2023, cao nhất trong vòng 23 năm và đã được giữ nguyên sau 6 cuộc họp của Fed.
Với quyết định giữ nguyên lãi suất, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định lãi suất của Fed - lưu ý rằng vẫn “thiếu tiến bộ” trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Ủy ban không cho rằng việc giảm lãi suất là phù hợp cho đến khi có được niềm tin chắc chắn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững ở mức 2%”, FOMC tuyên bố, lặp lại quan điểm đã được đưa ra trong các cuộc họp của Fed hồi tháng 1 và tháng 3 năm nay.
Thật vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sau khi bắt đầu năm 2024 với 3 tháng tăng giá nhanh hơn dự kiến, các nhà hoạch định chính sách “sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến trước đây” để tin lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2%.
Thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân CPI - đã tăng ở mức 2,7% hàng năm trong tháng 3, mức tăng nhanh so với tháng trước.
“Lạm phát vẫn còn quá cao”, ông Powell nói trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của FOMC.
"Tiến bộ hơn nữa trong việc hạ bệ nó (lạm phát) không được đảm bảo và con đường phía trước cũng không chắc chắn", ông Powell nhận định, nói thêm rằng ông tin lạm phát sẽ giảm trong năm nay, nhưng “niềm tin của tôi vào điều đó thấp hơn thực tế”.
Khó có khả năng tăng thêm nhưng chưa biết khi nào sẽ hạ
Chuỗi số liệu lạm phát đáng thất vọng không chỉ gây ra một số thiệt hại nghiêm trọng đến khả năng cắt giảm lãi suất vào mùa hè mà còn làm dấy lên những tranh cãi về khả năng tăng lãi suất khác.
Tuy nhiên, ông Powell nói rằng “khó có khả năng động thái chính sách tiếp theo sẽ là tăng lãi suất”, đồng thời lưu ý rằng các quan chức sẽ cần xem “bằng chứng thuyết phục rằng quan điểm chính sách của chúng tôi không đủ hạn chế để đưa lạm phát xuống mức 2% một cách bền vững”.
Khác với những nhận định được đưa ra trước đây, việc dự báo thời điểm Fed giảm lãi suất đã trở nên khó đoán hơn.
“Nếu chúng ta có một lộ trình mà lạm phát kéo dài hơn dự kiến và thị trường lao động vẫn mạnh nhưng lạm phát đi ngang và chúng ta không có được niềm tin lớn hơn, thì đó sẽ là trường hợp thích hợp để hoãn lại việc cắt giảm lãi suất. Điều đó phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế”, ông Powell nói.
Khi được hỏi liệu ông có còn đồng ý với dự báo lộ trình của các quan chức Fed về 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 hay không, Chủ tịch Powell không đưa ra câu trả lời trực tiếp.
Chứng khoán hỗn loạn
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang công bố quyết định giữ nguyên lãi suất, do trong tuyên bố mới nhất Fed cho biết sẽ làm chậm đáng kể tốc độ cho phép nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ mà không cần tái đầu tư. Điều đó đã đưa lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm xuống mức thấp mới trong ngày là dưới 4,6%.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đã kết thúc một phiên giao dịch hỗn loạn sau cuộc họp báo của Chủ tịch Fed.
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite kết thúc ở mức thấp hơn trong khi Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones ghi nhận mức tăng khiêm tốn.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 87,37 điểm, tương đương 0,23%, đóng cửa ở mức 37.903,29. Chỉ số S&P 500 mất 0,34%, đóng cửa ở mức 5.018,39, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,33% xuống mức 15.605,48 điểm.
Đây là một phiên giao dịch đầy biến động, khi chỉ số Dow Jones 30 có thời điểm tăng hơn 530 điểm lên mức cao nhất phiên 1/4 sau những bình luận của Chủ tịch Jerome Powell. Có thời điểm, S&P 500 tăng 1,2%, trong khi Nasdaq tăng hơn 1,7%.
Các cổ phiếu gắn liền với trí tuệ nhân tạo cũng gặp khó khăn trong phiên giao dịch hôm 1/4, sau những báo cáo đáng thất vọng từ một số đối thủ AI hàng đầu. Cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm 8,9% sau khi đưa ra dự báo doanh số bán chip trí tuệ nhân tạo đáng thất vọng, trong khi Super Micro Computer giảm 14% sau khi doanh thu hàng quý của công ty bị sụt giảm.
Kết quả yếu kém đã kéo Chỉ số Chất bán dẫn Philadelphia (.SOX) giảm 3,5%.
Amazon.com là cổ phiếu hiếm hoi tăng 2,2% nhờ kết quả hàng quý tốt hơn mong đợi do sự quan tâm đến AI đã giúp thúc đẩy tăng trưởng điện toán đám mây.
Phố Wall đang trải qua một tháng thua lỗ, với S&P 500 và Nasdaq đều lỗ hơn 4%. Chỉ số Dow giảm 5%, ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Lời khuyên IMF: Lo chống lạm phát trong nước, tránh dựa vào chính sách của Fed
- Thông điệp đầy hy vọng của Fed, xoa dịu nỗi lo toàn cầu 28/03/2024 11:56
- Fed lỗ kỷ lục trong 2023: Tổ chức quyền lực âm tiền 114 tỷ USD 27/03/2024 09:02
- Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm: Chứng khoán toàn cầu tăng vọt, USD trượt dốc 21/03/2024 10:47
- Fed ra quyết định cứng rắn, giá vàng trong nước trước thời cơ tăng mạnh 21/03/2024 10:28
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.