Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Thị trường hồ hởi
Đúng như dự đoán của thị trường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất liên bang trong cuộc họp ngày 20/3. Với quyết định này của Fed, hiện lãi suất liên bang Mỹ vẫn đang neo ở mức 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua.
Tuy nhiên, điều khiến thị trường quan tâm nhất không phải là việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất mà là lời dự báo về 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay của Chủ tịch Fed Jay Powell. Thông tin này một lần nữa xoa dịu những lo ngại trước đó của thị trường về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất ít hơn dự kiến khi các số liệu lạm phát nóng lên gần đây.
Cũng trong cuộc họp này, Chủ tịch Fed Jay Powell khẳng định “nền kinh tế đang hoạt động tốt” và đưa ra dự đoán GDP của Mỹ sẽ tăng 2,1% trong năm 2024, thay vì mức 1,4% như dự báo trước đó.
Tuy vậy, lạm phát cơ bản được dự đoán sẽ tăng 2,6% trong năm nay, cao hơn một chút so với dự kiến, cho thấy lạm phát vẫn “đang trên con đường gập ghềnh hướng tới mục tiêu 2%” như Chủ tịch Fed nói.
Fed cũng kỳ vọng đưa lãi suất về mức 3,9% trong năm 2025 trước khi có thêm 3 lần giảm nữa vào năm 2026 và 2 lần giảm nữa trong tương lai cho đến khi lãi suất ổn định ở mức khoảng 2,6%.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed bắt đầu từ tháng 3/2022. Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang 11 lần trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023. Tuy nhiên, sau đó Fed đã có 5 lần liên tiếp quyết định giữ nguyên lãi suất khi lạm phát vẫn còn nóng.
Sự thận trọng trong chính sách tiền tệ của Fed đã phá vỡ những kỳ vọng về cắt giảm lãi suất sớm của thị trường nasdaq ăn mừng. Trước đó, thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 với tổng cộng 6 – 7 lần với mỗi lần là 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Ngay sau quyết định mới nhất của Fed, thị trường lập tức có phản ứng. Giống như nhận định “thị trường cảm thấy nhẹ nhõm khi Fed vẫn dự kiến cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay” của ông Irene Tunkel, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ tại BCA Research, tâm lý lạc quan bao phủ khắp thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/3), với cả ba chỉ số chính cùng đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 401,37 điểm, tương đương tăng 1,03%, đạt 39.512,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,89%, đạt 5.224,62 điểm, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 5.200 điểm. Còn chỉ số Nasdaq tăng 1,25%, đạt 16.369,41 điểm.
Giá vàng thế giới cũng lập kỷ lục mới khi Fed quyết định giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp này. Vào 8h ngày 21/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng dựng đứng ở mức 2.200 USD/ounce, cao hơn 43 USD/ounce so với cùng giờ sáng hôm trước. Đã có lúc giá vàng tăng vọt lên tới ngưỡng 2.222 USD/ounce, thiết lập mức kỷ lục mới cao nhất mọi thời đại.
Giá vàng tăng vọt khi chỉ số US Dollar Index và lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,46%, xuống mốc 103,38 trong khi lãi suất trái phiếu 10 năm chuẩn giảm 1,5 điểm cơ bản xuống 4,281%.
Trái với sự hưng phấn của các nhà đầu tư chứng khoán và vàng, nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa lại có phần dè dặt với quyết định của Fed. Sự dè dặt này khiến giá dầu thô Brent giao tháng 5 tại London giảm 1,43 USD/thùng, tương đương giảm 1,64%, đóng cửa ở mức 85,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 4 tại New York giảm 1,79 USD/thùng, tương đương giảm 2,14%, còn 81,68 USD/thùng.
Việt Nam có thể hưởng lợi?
Mỗi động thái của Fed đều đang được các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới theo dõi sát sao khi Fed là ngân hàng trung ương của đồng tiền dự trữ số 1 thế giới. Nếu hạ lãi suất quá sớm so với Fed, các ngân hàng trung ương có thể đẩy đồng nội tệ của đất nước vào thế yếu hơn so với đồng USD.
Các tín hiệu gần đây đều hướng đến khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có động thái tương tự Fed, tức cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed cũng sẽ có ít nhiều tác động đến thị trường và chính sách tiền tệ của Việt Nam dù trong năm qua, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã một mình “ngược hướng” với Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới.
Tác động ngắn hạn sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed được nhìn thấy ngay ở thị trường chứng khoán sáng 21/3. Việc cả 3 chỉ số chính là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại sau quyết định của Fed đã kéo theo thị trường chứng khoán Việt Nam ngập sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay 21/3. Chỉ số VN—Index tăng một mạch gần 8 điểm so với phiên hôm trước với các nhóm cổ phiếu từ nhỏ đến lớn đều xanh.
Trong báo cáo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2024”, ACBS cho rằng “Dòng tiền đầu tư rất nhanh chóng chuyển hướng theo mỗi quyết định chính sách của Fed, rời bỏ thị trường định giá cao và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém đi như Mỹ và tìm tới các thị trường đang có mức định giá hấp dẫn hơn, đặc biệt khi lãi suất tiền gửi USD không còn đủ hấp dẫn và chỉ số DXY suy yếu”.
“Việt Nam là thị trường cận biên, với quy mô và thanh khoản tương đương thị trường mới nổi. Nên về mặt lý thuyết, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được hưởng lợi khi dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường mới nổi và cận biên khi Fed giảm lãi suất”, các chuyên gia của ACBS dự đoán.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Fed, cụ thể hơn là kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024, cũng sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Chia sẻ với VietnamFinance, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Nếu như Fed có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay như đã công bố thì áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ giảm đáng kể. Khi giá trị của đồng USD suy yếu thì chênh lệch giữa giá đồng USD và giá tiền đồng cũng sẽ giảm theo”.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng lạm phát không còn là nỗi lo trong năm 2024 và cơ bản sẽ đi ngang trong thời gian tới. Từ đó, nhiều ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Fed sẽ có cơ sở để “đảo chiều” chính sách tiền tệ.
“Fed và các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, chuyển từ cuộc chiến chống lạm phát sang cuộc chiến chống suy giảm kinh tế. Và một khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm và câu chuyện tỷ giá USD/VND sẽ không còn đáng lo”, ông nhận định.
Khi lãi suất toàn cầu bắt đầu giảm, thương mại toàn cầu sẽ có thêm dư địa phục hồi trở lại. Xuất khẩu của Việt Nam theo đó sẽ hồi phục và tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế. “Điều này củng cố cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân”, ông Lực chia sẻ.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.