Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Hơn 90% tín nhiệm cao

Minh An - 25/10/2018 14:28 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được 437 phiếu tín nhiệm cao từ các đại biểu Quốc hội, tương ứng 90,1%.

VNF
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được 437 phiếu tín nhiệm cao

Sáng 25/10, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm 48 vị do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Chiều 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, trong đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được 437 phiếu tín nhiệm cao tương ứng 90,1%; 34 phiếu tín nhiệm tương ứng 7,01% và 4 phiếu tín nhiệm thấp tương ứng 0,82%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gia đình chính sách

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân sinh ngày 12/4/1954, quê quán xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành tài chính – ngân sách nhà nước, đồng thời có bằng Thạc sỹ Kinh tế.

Bà chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 9/12/1982.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trải qua nhiều vị trí công tác với các chức vụ khác nhau.

Từ tháng 8/1975 đến tháng 2/1976, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân viên Văn phòng tại Ban Kinh tài Khu 8, khi ấy gồm 5 tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc.

Tháng 3/1976, Khu 8 giải thể, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển về Văn phòng Ty Tài chính Bến Tre (tương đương với Sở Tài chính hiện nay). 

Tại đây, bà lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí: Phó phòng Tài vụ - Thu quốc doanh (bổ nhiệm 6/1983); Phó phòng Tổ chức – Hành chính – Tổng hợp (Từ 7/1983-4/1987); Phó Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá. Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan (Từ 5/1987-9/1990); Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Liên cơ, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh Bến Tre (Từ 10/1991-3/1995).

Năm 1995, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển công tác từ Bến Tre ra Hà Nội, đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban cán sự Đảng. Từ năm 1996 đến năm 2002, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tài Chính, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan kinh tế Trung ương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IX.

Tháng 9/2002, khi đang là Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được điều động làm Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương cho đến tháng 2/2006.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần X của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa X.
Tháng 3/2006, bà Nguyễn Thị Kim Ngân rời vị trí Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương để đảm nhiệm vị trí Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương mại.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tháng 11/2011, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI và được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Cũng trong thời gian này, bà giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (tháng 1/2011 đến tháng 7/2011).

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 3/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức.

>>> Xem thêm Kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Cùng chuyên mục
Tin khác