'Khẩn trương hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về gỡ khó dự án BĐS liên quan đến các bản án'
Tuệ Lâm -
05/05/2023 16:14 (GMT+7)
(VNF) - Đây là một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, tổ chức ngày 5/5.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tuy phục hồi trong tháng 4 nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Các động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có xu hướng suy giảm, xuất nhập khẩu 4 tháng giảm. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng thấp hơn cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký giảm.
Việc triển khai một số chính sách trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn...
Về bối cảnh tình hình thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý như việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; việc Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.
Trước bối cảnh này, Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.
Nhóm nhiệm vụ lớn thứ hai là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài.
"Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa còn khá lớn khi dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, so với Nghị quyết Đại hội XIII là 60% và 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 50% và 45% GDP.
Nhóm nhiệm vụ lớn thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; theo dõi việc thực hiện các thông tư 02, 03, nếu có vấn đề nổi lên thì kịp thời giải quyết ngay; tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng và lĩnh vực ưu tiên.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; rà soát và có giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản.
Bộ Tài chính được yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; sớm đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc về vốn ODA (trình trong tháng 5); khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…
Bộ Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; phối hợp Bộ Công an tháo gỡ vướng mắc trong các thông tư về phòng cháy, chữa cháy, ban hành trước ngày 15/5; đánh giá từng dự án bất động sản, phối hợp các địa phương xử lý vướng mắc với từng loại dự án; tích cực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản liên quan tới các bản án, kết luận thanh tra, điều tra…
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại 4/12 dự án thua lỗ còn lại.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone