Tài chính

Khi cổ phiếu trong ‘vòng vây’ của rủi ro chính sách

(VNF) – Nhiều cổ phiếu đang phải đối mặt với rủi ro chính sách, trong ngắn hạn cũng như dài hạn…

Khi cổ phiếu trong ‘vòng vây’ của rủi ro chính sách

Nhiều cổ phiếu đang phải đối mặt với rủi ro chính sách

Tuần qua, giới đầu tư rộ lên thông tin Quốc hội dự kiến trình và thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (thường được gọi tắt là Luật Đặc khu) tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới.

Thông tin này không mới bởi khi hoãn thông qua Luật đặc khu vào kỳ họp trước, lãnh đạo Quốc hội đã cho biết dự kiến sẽ trình xem xét thông qua vào kỳ họp sau. Và theo cập nhật trước ngày 24/8, danh mục văn bản dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội vẫn có tên “Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc”.

Tuy nhiên, chiều muộn ngày 24/8, Văn phòng Quốc hội bất ngờ đưa ra thông báo chưa xem xét dự án Luật Đặc khu tại kỳ họp thứ 6 để “tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự án Luật thông qua vào kỳ họp sau”.

Vì các nhà đầu tư đón nhận thông tin bất ngờ trên sau giờ giao dịch nên cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O vẫn tăng tới 8,5% lên 15.300 đồng trong ngày 24/8. CEO là doanh nghiệp hiện đang dồn rất nhiều nguồn lực vào thị trường bất động sản ở 3 đặc khu.

Từ khi Luật Đặc khu rục rịch soạn thảo và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp trước, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O đã tăng một mạch từ khoảng giá 10.000 đồng hồi tháng 3/2018 lên gần 18.000 đồng chỉ hai tháng sau, tương đương mức tăng tới gần 80%.

Tuy nhiên, trong ngày mà Quốc hội quyết định tạm dừng thông qua Luật Đặc khu (11/6), cổ phiếu CEO đã giảm sàn gần 10%, từ 17.200 đồng xuống 15.500 đồng. Ba phiên tiếp theo tiếp tục giảm xuống chỉ còn 13.600 đồng, rồi tiếp tục xu hướng giảm đan xen với các nhịp hồi, xuống chỉ còn 11.700 đồng chốt phiên 12/7.

Ngày 21/8, cổ phiếu CEO bất ngờ tăng trần gần 10%, từ 12.700 đồng lên 13.900 đồng. Đây được xem là diễn biến “đón sóng” đặc khu của các nhà đầu tư. Và như đã đề cập, chốt phiên 24/8, cổ phiếu này đã tăng lên 15.300 đồng.

Trường hợp của CEO có thể coi là điển hình cho thấy rủi ro chính sách có tác động không nhỏ đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và diễn biến cổ phiếu nói riêng.

Tuy nhiên, rủi ro với cổ phiếu CEO chỉ mang tính ngắn hạn bởi khả năng rất cao là Luật Đặc khu vẫn sẽ được thông qua dù muộn hơn dự kiến, khi mà “nút thắt 99 năm” đã được Chính phủ quyết định gỡ bỏ.

Xét thời điểm hiện tại, không chỉ CEO, nhiều cổ phiếu khác cũng đang đối mặt với rủi ro chính sách, nhưng khác CEO ở chỗ ảnh hưởng lâu dài hơn. Đầu tiên phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Từ năm 2017, sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, cổ phiếu ngân hàng đã dần trở thành trụ cột tăng/giảm điểm của VN-Index với dòng tiền vào/ra rất lớn. Kết quả kinh doanh khởi sắc rõ rệt sau giai đoạn xử lý nợ xấu quyết liệt là nguyên do chính khiến giới đầu tư “chọn mặt gửi vàng” cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, tình hình đang có thay đổi lớn. Nguy cơ lạm phát buộc Ngân hàng Nhà nước phải “siết” tăng trưởng tín dụng với Chỉ thị số 04 ban hành ngày 2/8/2018.

Tại chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng (theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản.

Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm đang “lo ngay ngáy” khi không còn dùng được “chiêu” xin nới giới hạn tăng trưởng tín dụng như mọi năm. Có thể kể đến một vài cái tên như TPBank, HDBank, LienVietPostBank, SCB, ACB, Vietcombank, MB…

Ở một trường hợp khác, Sabeco, Habeco đang “chiến đấu” với dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia. Dự thảo này dự kiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Sabeco, Habeco khi quy định người lao động không được sử dụng bia trong thời gian nghỉ giữa ca; cấm khuyến mại bia; cấm quảng cáo bia từ 5 độ cồn trở xuống trong các sự kiện văn hóa, thể thao; cấm quảng cáo trong hoạt động tài trợ; áp giờ bán bia…

Trong khi đó, các công ty mía đường và các công ty sữa thì đang phản đối gay gắt đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường khi cho rằng, quan điểm nước ngọt có đường gây hại cho sức khỏe người dân là thiếu cơ sở khoa học.

Dù là nguyên nhân gì thì khi đối mặt với rủi ro chính sách, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đều cần phân tích kỹ càng cả trong ngắn hạn và dài hạn để đưa ra quyết định mua/bán phù hợp nhất. Đôi khi chính rủi ro lại mở ra cơ hội đầu tư lớn, khi mà thị trường phản ứng thái quá.

Tin mới lên