Chủ hộ kinh doanh muốn nghỉ hưu tuổi 40: Lời khuyên từ chuyên gia tài chính

Xuân Thạch - 13/05/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Đã bước qua tuổi 40, công việc kinh doanh cũng đã tạm ổn định, có nhiều kênh tích trữ và đầu tư tài sản, cùng với sự thay đổi của xã hội, nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao. Rất nhiều tiểu chủ, chủ kinh doanh đã tính đến chuyện “dưỡng già” sau độ tuổi 40.

10 năm bán phở, tính chuyện nghỉ ngơi

Anh Cao Giang, 42 tuổi, ông chủ kinh cơ sở doanh phở bò Cao Gia có tiếng ở Hà Nội. Anh Giang thừa hưởng cửa hàng phở gia truyền từ bố mẹ, hiện đã điều hành 2 cửa hàng phở được 10 năm, với tình hình hoạt động hiện tại khá tốt, trước đó anh Giang đảm nhiệm việc kinh doanh khách sạn và du lịch của gia đình. 

“Làm nhà hàng phở cả chục năm, đến tuổi 42 cũng mệt, mỗi ngày đứng 3 ca cũng oải, chính vì vậy mà bản thân tôi cũng tính đến chuyện rút dần, chuyển giao rồi làm quản lý, giám sát là chính”, anh Giang nói.

Để chuẩn bị cho dự định nghỉ ngơi này, anh Giang cho biết đã có tính toán kế hoạch từ trước, tìm kiếm ekip đầu bếp, chuyển giao dần các công việc trong khu vực bếp, để mình dần dần có nhiều thời gian, làm quản lý giám sát là chính, làm thế nào để không có sự xuất hiện của bản thân, cửa hàng vẫn hoạt động trơn tru.

Ông chủ cửa hàng phở tính chuyện nghỉ ngơi ở độ tuổi ngoài 40 (Ảnh NVCC).

Thứ 2 là việc chuẩn bị về tài chính, anh cho biết sau khoảng thời gian tập trung làm ăn, cũng đã tính luỹ được một ít tài sản khác nhau. Hiện tại, anh vừa có dòng tiền từ việc kinh doanh, từ chung cư cho thuê hàng tháng, đầu tư chứng khoán dài hạn. Ngoài việc phải chuẩn bị tài chính cho kể hoạch nghỉ ngơi, trách nhiệm của vợ chồng anh còn phải lo cho 2 con đi học, ít nhất là khi chúng tốt nghiệp đại học. 

Đồng thời, bản thân anh cũng mong muốn giữ nguyên mức sống của gia đình như hiện tại, và trong khoảng 4-5 năm tới có kế hoạch mở thêm 1 cửa hàng kinh doanh ẩm thực nữa, để gia tăng thêm dòng tiền cho việc nghỉ ngơi. 

“Tôi dự tính gần 50 tuổi sẽ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, mặc dù đã có trong tay nhiều kênh đầu tư khác nhau nhưng bản thân vẫn chưa hình dung ra hết quãng đường tương lai như thế nào, nghỉ 30 năm, 40 năm thậm chí dài hơn thì dòng tiền và tài sản của mình sẽ ra sao, bản thân vợ chồng tôi cũng đang tính toán cụ thể từng con số tài chính để có thể sẵn sàng cho một hưu trí an nhàn”, anh Giang nói thêm. 

Tương tự, anh Hoàng Chiến (41 tuổi) ở Hồ Chí Minh, chủ 2 doanh nghiệp nhỏ cho biết, bản thân anh cũng dự định làm việc trong khoảng 10 năm tới và sẽ nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 50. 

Anh cũng đã nghĩ đến kế hoạch cho việc này, đồng thời cho rằng tài chính là yếu tố quyết định đến việc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, anh Chiến cũng chia sẻ rào cản lớn nhất của anh là việc lo học tập cho 4 con và những rủi ro cuộc sống tương lai, hiện tại chưa có bất cứ một kế hoạch tài chính cụ thể nào cho việc này.

“Gia đình có 4 cháu, bạn thứ 4 mới có 2 tuổi, quãng đường còn rất xa, chính vì vậy mong muốn nghỉ hưu ở đây là bản thân 50 tuổi sẽ an nhàn hơn trong công việc, vẫn phải đi làm, nhưng có thể công việc đã được chuyển giao, làm việc trong hạnh phúc và dành thời chăm lo học hành cho các con”, anh Chiến tâm sự.

50 tuổi nghỉ hưu liệu có sớm?

Theo nhận định của bà Nguyễn Thu Giang, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân, do sự phát triển của xã hội, nhu cầu của con người ngày càng cao, mong muốn giành thời gian cho bản thân, gia đình, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, chính vì thế mà rất nhiều người có mong muốn nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi quy định. Tuy nhiên việc nghỉ hưu sớm sẽ tiềm ẩn rủi ro nếu chưa chuẩn bị được kỹ lưỡng.  

Thứ nhất người nghỉ hưu cần chuẩn bị nguồn tài chính ổn định, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, bảo vệ tiêu chuẩn sống và những dự định trong tương lai xa, cũng phải lưu ý những năm đầu ngay sau khi nghỉ hưu, những chi phí giành cho du lịch, giải trí sẽ tăng cao.

Thứ hai, cần xác định mục tiêu rõ ràng, nghỉ hẳn để hưởng thụ hay vẫn duy trì công việc ở một mức độ nào đó, nghỉ hưu trong bao nhiêu năm, tiêu chuẩn sống lúc nghỉ hưu như thế nào, có để lại thừa kế cho con cháu hay không…những mong muốn này sẽ ảnh hưởng đến bài toán tài chính.

Và cuối cùng lên kế hoạch trong dài hạn, kế hoạch này bao gồm 2 giai đoạn, trước và sau khi nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu cần đảm bảo ổn định thu nhập và tranh thủ năm gia tăng tài sản bền vững. Sau đó cần tính toán chi phí cho việc nghỉ ngơi đến 90 tuổi, thậm chí hơn do tuổi thọ ngày càng nâng cao của người Việt. 

Hưu trí là cả một quá trình rất dài, và cần được lên kế hoạch một cách cụ thể.

Bà Giang cũng lưu ý, trong suốt quá trình trên cần trang bị cho bản thân và gia đình phương án bảo vệ tài chính đó là bảo hiểm, tránh những rủi ro về sức khoẻ có thể phá vỡ kế hoạch hưu trí. 

“50 tuổi mà nghỉ hẳn công việc thì có thể sẽ hơi sớm, nhưng 50 tuổi là độ tuổi cần phải có cho mình một kế hoạch hưu trí dài hạn nếu muốn được an nhàn, vì thời gian không còn nhiều”, bà Giang nhấn mạnh. 

Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc này tùy thuộc vào mong muốn và nền tảng tài chính từng người, có người muốn nghỉ hưu sớm nhưng tài chính không đủ, buộc phải hạ tiêu chuẩn sống, hoặc giữ nguyên tiêu chuẩn sống thì phải lùi từ mốc 50 xuống 55 tuổi chẳng hạn, người nghỉ hưu 20 năm khác với người xác định 30 năm, người có ít trách nhiệm tài chính khác với người có nhiều phụ thuộc tài chính…

Nhiều chuyên gia về tâm lý, xã hội học đều nhận định, việc “nghỉ hưu” sớm với số tiền, và thời gian dư giả có thể tác động mạnh đến thói quen, tâm lý, sức khỏe... qua đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chưa kể những gia đình như anh Chiến ở trên đang có trách nhiệm với con cái ít nhất 20 năm tới, mà khoảng thời gian lâu như vậy cuộc sống sẽ còn nhiều biến số. 

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia của Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM cho biết, với những người có nhu cầu nghỉ hưu sớm, nên biết tự lượng sức mình để tạo được sự hài hòa, hạnh phúc trong cuộc sống. 

Không nên vì áp lực nghỉ hưu sớm mà chi tiêu quá tiết kiệm, khắt khe làm giảm chất lượng sống, năng suất và sự sáng tạo trong lao động, không chú trọng nâng cao trình độ tri thức, chất lượng nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống về lâu về dài. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy khó cứu chữa về sau.

Dưới 30 tuổi đã tính ‘nghỉ hưu’: Có phải lo quá sớm?

Dưới 30 tuổi đã tính ‘nghỉ hưu’: Có phải lo quá sớm?

Tài chính
(VNF) - Đi làm còn chưa được 10 năm, cũng mới lập gia đình, công việc làm tự do thoải mái về thời gian, cùng với việc mong muốn trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, một số bạn trẻ dưới 30 tuổi hiện nay đã lo chuyện “nghỉ hưu” sớm.
Cùng chuyên mục
Tin khác