Bất động sản

Khởi động dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ 10 tỷ USD sau hơn 7 năm phê duyệt quy hoạch

(VNF) - Sau khi phê duyệt quy hoạch vào năm 2013, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải quyết định giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.

Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP. HCM với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hướng tuyến dự kiến của dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.

Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là từ năm 2021 đến năm 2022.

Tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch vào năm 2013, có chiều dài hơn 173km đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP .HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ.

Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án dự kiến khoảng 10 tỷ USD. Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200km/giờ cho tàu khách. 

Song qua công tác khảo sát, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của các địa phương, nhà đầu tư đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.

Việc điều chỉnh được cho là sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời giúp chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo giảm được 17.000 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP. HCM cũng đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đáng chú ý trong đề án này, TP. HCM đề xuất xây dựng 5 tuyến đường sắt tốc độ cao để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của thành phố với các tỉnh thành khu vực phía nam.

Cụ thể, tuyến thứ nhất là TP. HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam, có điểm cuối là ga An Bình (Cần Thơ).

Tuyến thứ hai là TP. HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP. HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (TP. HCM).

Tuyến thứ ba là đường sắt Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm.

Tuyến thứ tư là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP. HCM - Nha Trang.

Tuyến thứ năm là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP. HCM) và cảng Long An.

Ngoài ra, đề án cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.

Tin mới lên