Thị trường

Không biết luật Việt Nam, nhà thầu nước ngoài khốn đốn vì bị xử phạt

(VNF) – Không ít nhà thầu nước ngoài thi công dự án tại Việt Nam đã “ăn phạt” của Bộ Xây dựng vì không xin giấy phép hoạt động xây dựng.

Không biết luật Việt Nam, nhà thầu nước ngoài khốn đốn vì bị xử phạt

Ảnh minh họa

Luật đã quy định, nhà thầu vẫn không biết

Theo quy định của Nghị định 59/2015 và Thông tư 14/2016 của Bộ Xây dựng, nhà thầu nước ngoài (gồm tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thậu phụ hoặc nhà thầu liên doanh) chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp phép hoạt động xây dựng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là có không ít nhà thầu nước ngoài không hề biết đến quy định này. Hậu quả là trong quá trình thi công, các nhà thầu đã phải nhận “trát” phạt của Sở Xây dựng hoặc Bộ Xây dựng (mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng). Nghiêm trọng hơn, nhà thầu còn bị đình chỉ hoạt động xây dựng, thời gian dài nhất lên tới 24 tháng.

Nhà thầu B (của Pháp) là một điển hình. Khi thi công một dự án nhà máy nước sạch quy mô lớn, nhà thầu này đã không xin giấy phép hoạt động xây dựng. Hậu quả là nhà thầu B không thể thanh toán khi xây dựng xong và bị phạt hàng chục triệu đồng theo quy định tại Nghị định 139/2017.

Hay “dính” án phạt hơn cả là các nhà thầu Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thi công dự án điện mặt trời. Không ít chủ đầu tư dự án điện mặt trời Việt Nam đã “mắc vạ” do các nhà thầu Trung Quốc không xin giấy phép hoạt động xây dựng, khiến dự án bị chậm tiến độ, đội vốn; còn bản thân các nhà thầu cũng mất uy tín và bị hạn chế hoạt động tại Việt Nam.

Vì sao nhà thầu nước ngoài không biết?

Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, bà Hoàng Thuỳ Linh, Phó giám đốc Công ty Luật Hồng Bàng, cho biết một nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư, có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng,

“Điều này có nghĩa là nhà thầu nước ngoài đã phải trải qua quá trình đánh giá, chọn lọc ở bước đấu thầu. Do đó, họ cho rằng như vậy là đã đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, với các gói thầu nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, các nhà thầu nước ngoài có tâm lý nhanh chóng triển khai công việc đã trúng thầu để đảm bảo tiến độ với chủ đầu tư. Chính vì vậy, họ thường chủ quan, không tìm hiểu pháp luật Việt Nam dẫn đến việc bỏ qua bước thực hiện việc xin giấy phép hoạt động xây dựng”, bà Linh nói.

Bà Hoàng Thuỳ Linh, Phó giám đốc Công ty Luật Hồng Bàng

Theo bà Linh, mặc dù hiện nay pháp luật Việt Nam đã quy định rất chi tiết về quyền, nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam cũng như trình tự, thủ tục để thực hiện các công việc đó, tuy nhiên vì rào cản ngôn ngữ cũng như không am hiểu về pháp luật nên các nhà thầu nước ngoài không biết phải thực hiện các thủ tục này ra sao và như thế nào.

“Không được cấp giấy phép hoạt động xây dựng thì không được thực hiện dự án đã trúng thầu, sẽ không có con dấu, không có mã số thuế, không có văn phòng điều hành… dẫn đến việc không thể quyết toán với chủ đầu tư. Nghiêm trọng hơn, việc không có giấy phép khiến cho dự án bị kéo dài gây tổn thất cho tất cả các bên”, bà Linh phân tích.

Vị Phó Giám đốc Công ty Luật Hồng Bàng cho rằng để giải quyết vấn đề này, các nhà thầu nước ngoài nên sử dụng một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực pháp luật để tư vấn pháp lý.

“Cần phải hiểu rằng trong quá trình nhà thầu nước ngoài thi công một dự án thì không chỉ có vấn đề về xây dựng mà đó còn là các vấn đề về thuế, lao động, xuất nhập cảnh, nhập khẩu (vật tư, máy móc, trang thiết bị…).

“Bởi vậy, các nhà thầu nước ngoài nên lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp, có đủ năng lực về cả ngôn ngữ và chuyên môn, không những am hiểu pháp luật trong lĩnh vực xây dựng mà còn cả pháp luật chuyên ngành liên quan để có thể yên tâm thực hiện dự án đã trúng thầu mà không phải lo lắng rằng mình có vi phạm hay đã làm không đúng điều gì hay không”, bà Linh khuyến nghị.

Tin mới lên