'Không đưa hộ kinh doanh vào thì nên tách Luật Doanh nghiệp thành hai đạo luật độc lập’

Tào Minh - 06/04/2019 11:31 (GMT+7)

(VNF) – Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nếu không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì có lẽ cần tách thành luật này thành 2 đạo luật độc lập: Luật Công ty và Luật Cá nhân kinh doanh hoặc Luật Quản trị công ty và Luật Đăng ký kinh doanh.

VNF
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Hai bên chỉ khác nhau về nội hàm, ngoại diện khái niệm doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Minh Đức, trong khoa học pháp lý có khái niệm chủ thể. Hầu hết các nước trên thế giới chỉ xác định 2 loại chủ thể pháp luật là cá nhân và pháp nhân. Tại Việt Nam, trước 2015 có thêm chủ thể hộ gia đình. Bộ luật Dân sự 2015 đã theo chuẩn thế giới, bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình, coi hộ gia đình là tập hợp các chủ thể là cá nhân, không hình thành tư cách chủ thể mới.

Trên thế giới, một pháp nhân kinh doanh được gọi là công ty, một cá nhân kinh doanh thì gọi là cá nhân kinh doanh hoặc doanh nghiệp một chủ.

Ở Việt Nam, pháp nhân kinh doanh cũng gọi là công ty. Hộ gia đình kinh doanh được gọi là “hộ kinh doanh”. Cá nhân kinh doanh được gọi là “hộ kinh doanh cá thể”.

“Như vậy, chúng ta nhìn thấy ngay rằng pháp luật Việt Nam chẳng giống ai trên thế giới. Việc vẫn tồn tại khái niệm hộ kinh doanh cũng không phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.

“Cả hai bên tranh luận đều nhìn ra điều này và cả hai bên đều thống nhất phải gọi hộ kinh doanh với một cái tên khác. Phương án được nhiều người đồng tình nhất là coi các hộ kinh doanh trở thành cá nhân kinh doanh”, ông Đức giải thích nguồn gốc của việc đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đề xuất đưa cá nhân kinh doanh/hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đang tạo nên 2 luồng ý kiến trái chiều.

Bên phản đối cho rằng cá nhân/hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nên không cần thiết phải đưa vào Luật Doanh nghiệp.

Bên ủng hộ cho rằng khái niệm doanh nghiệp bao gồm pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh, nên nó phải nằm trong Luật Doanh nghiệp. Khi đó, Luật Doanh nghiệp sẽ có hai phần khác nhau, một phần quy định về pháp nhân kinh doanh, một phần quy định về cá nhân kinh doanh.

“Như vậy có thể thấy ở đây hai bên chỉ đơn giản là khác nhau về nội hàm và ngoại diện khái niệm doanh nghiệp, không có mâu thuẫn đối kháng”, ông Đức bình luận.

Theo ông Đức, nhiều người lo ngại rằng đưa vào Luật Doanh nghiệp thì cá nhân/hộ kinh doanh sẽ bị quản lý như một công ty, đặc biệt là về vấn đề thuế, như phải có kế toán, sổ sách, phải đóng bảo hiểm, bị thanh tra, kiểm tra.

“Nhưng khi hỏi ngành thuế thì họ trả lời như sau: chế độ quản lý thuế nên phụ thuộc vào quy mô doanh thu, không phụ thuộc vào tư cách chủ thể. Nếu một cá nhân/hộ kinh doanh có doanh thu lớn, chắc chắc cá nhân/hộ đó phải đáp ứng chuẩn mực về quản lý thuế. Nếu một cá nhân/hộ có quy mô doanh thu nhỏ thì không phải đáp ứng. Đối với các công ty cũng áp dụng cơ chế tương tự”.

“Việc hiểu rằng cá nhân/hộ kinh doanh được đóng thuế khoán còn doanh nghiệp phải có số sách kế toán là một hiểu nhầm. Đơn giản vì các cá nhân/hộ kinh doanh thường có quy mô nhỏ nên mới có hiểu nhầm như vậy. Nếu chế độ quản lý thuế chỉ phụ thuộc vào quy mô doanh thu thì đưa vào hay đưa ra không khác gì nhau”, ông Đức nói.

Ông Đức thừa nhận rằng đối với các vấn đề như bảo hiểm, thanh tra, kiểm tra hiện còn có sự khác biệt giữa cá nhân/hộ kinh doanh và công ty/doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là những quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động, về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Đưa hộ kinh doanh vào không làm vỡ cấu trúc Luật Doanh nghiệp

Theo ông Đức, dù sắp tới Luật Doanh nghiệp được sửa chữa thế nào, hệ thống pháp luật chỉ nên tồn tại hai loại chủ thể là pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Đối với pháp nhân kinh doanh/công ty, pháp luật cần quy định 2 nội dung là quản trị nội bộ công ty đó và quy chế tuân thủ pháp luật của công ty đó về đăng ký kinh doanh, về quản lý thuế và về các lĩnh vực pháp luật khác.

Đối với cá nhân kinh doanh, pháp luật không cần quy định về quản trị nội bộ, vì một cá nhân thì không cần quản trị nội bộ. Pháp luật chỉ cần quy định về quy chế tuân thủ mà thôi.

Luật Doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay xử lý 2 nội dung: quản trị nội bộ công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; và việc đăng ký kinh doanh đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

“Như vậy, nếu đưa cá nhân/hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì luật này vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 nội dung như trên. Nếu không đưa vào đây, thì có lẽ cần tách thành 2 đạo luật độc lập: Luật Công ty và Luật Cá nhân kinh doanh hoặc tách thành Luật Quản trị công ty và Luật Đăng ký kinh doanh”, ông Đức gợi ý.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.