‘Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, đó chắc chắn là phát minh độc đáo của Việt Nam’
Tào Minh -
04/04/2019 02:34 (GMT+7)
(VNF) – Đây là bình luận của ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Vietnam, đưa ra tại tọa đàm “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp” do VCCI tổ chức sáng 4/4.
Trong thời gian vừa qua, trong một nỗ lực nhằm thúc đầy sự chính thức hóa của khu vực hộ kinh doanh cá thể, có một đề xuất là đưa loại hình hộ kinh doanh cá thể thành một hình thức doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp.
Đề xuất này được cho là sẽ giúp xác định địa vị pháp lý cho các hộ kinh doanh cá thể, một khu vực quan trọng hiện đang đóng góp cho tới 30,5% GDP và tạo công ăn việc làm cho khoảng 8,7 triệu lao động trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình cho rằng nếu đề xuất này thành hiện thực thì rất nhiều đối tượng sẽ bị gây khó dễ, ngay cả từ khi hình thành ý tưởng và khi thực hiện.
Sẽ tốn hàng chục triệu ngày công, hàng ngàn tỷ đồng
Theo ông Lê Duy Bình, nếu “khoác áo” doanh nghiệp cho hộ kinh doanh cá thể và đưa vào Luật Doanh nghiệp thì sẽ có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh vốn đang yên ổn hoạt động phải tiến hành đăng ký lại theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp.
“Điều này cũng có nghĩa là các hộ kinh doanh sẽ phải mất hàng chục triệu ngày công lao động, với tổng lũy kế quãng đường phải đi lại hàng trăm triệu km, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng chỉ cho việc đăng ký lại mà họ chưa thấy được một lợi ích rõ ràng, trong ngắn hạn từ việc đăng ký lại này”, ông Bình tính toán.
Ông Bình cho rằng nếu phải tính thêm các chi phí tuân thủ khác mà các hộ kinh doanh cá thể phải gánh chịu sau khi tiến hành đăng ký kinh doanh thì đó sẽ là một con số khổng lồ và là sẽ một thách thức vô cùng lớn đối với khu vực hộ đăng ký kinh doanh.
“Nó thậm chí đe dọa tới sinh kế của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ vốn đang vật lộn mưu sinh qua một phương tiện khá thuận lợi là hộ kinh doanh của mình”, ông Bình cảnh báo.
Trao địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh sẽ làm khó các bộ ngành
Theo ông Bình, Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự.
Các luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ cũng không khẳng định một cách rõ ràng về việc hộ kinh doanh cá thể có thể là một chủ thể được quyền sở hữu tài sản sản trí tuệ.
Ngành thuế hiện cũng đang hoàn thiện hệ thống thuế theo nguyên tắc về cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh.
Như vậy, việc trao địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh qua việc khẳng định hộ kinh doanh là một hình thức trong Luật Doanh nghiệp sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho các bộ ngành khác về cách thức tiếp cận hiện tại của các bộ, ngành này đối với hộ kinh doanh.
“Khi đó, chắc hẳn Bộ Tư pháp sẽ phải xem xét lại cách thức tiếp cận đối với hộ kinh doanh trong Bộ Luật Dân sự. Ngân hàng Nhà nước cũng như nhiều bộ ngành khác cũng sẽ phải xem xét lại việc liệu có công nhận hộ kinh doanh cá thể là một chủ thể trong các giao dịch dân sự và trong các hợp đồng vay vốn tín dụng hay không. Ngành thuế cũng sẽ cần xem xét lại toàn bộ cách thức tiếp cận từ trước tới nay đối với việc quy định về mã số định danh thuế đối với cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh”, ông Bình phân tích.
Vị chuyên gia kinh tế Economica Vietnam bình luận rằng dường như cách tiếp cận về việc đưa hộ kinh doanh thành một loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp đang có chiều hướng đi ngược với phương pháp tiếp cận đối với hình thức hộ kinh doanh cá thể mà các bộ, ngành khác đang theo đuổi.
“Nó sẽ đặt ra một câu hỏi khó cho rất nhiều bộ ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về quan điểm cũng như phương pháp tiếp cận đối với hộ kinh doanh khi giờ đây hộ kinh doanh đã được đưa vào là một hình thức doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp và đã được trao một ‘địa vị pháp lý’”.
Ông Bình cũng lưu ý rằng các chuyên gia quốc tế trước đây vốn đã bối rối với thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp, nay sẽ lại càng thêm bối rối để hiểu rõ hơn về bản chất pháp lý của một loại hình doanh nghiệp mới mang tên hộ kinh doanh cá thể.
“Nếu hộ kinh doanh được đưa vào Luật Doanh nghiệp, đây chắc chắn sẽ là một ‘phát minh’ riêng và độc đáo của Việt Nam.
“Những ‘phát minh’ như vậy có lẽ không giúp cho hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của chúng ta rõ ràng hơn, mình bạch hơn, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mà sẽ làm cho nó càng trở nên khác biệt hơn đối với thông lệ quốc tế và khó hiểu hơn với người kinh doanh và với quốc tế”, ông Bình nói.
Chính thức hóa hộ kinh doanh không đồng nghĩa với chuyển thành doanh nghiệp
Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định.
Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh Úc (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
“Các nỗ lực nhằm chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam cần khai thác thêm các hướng đi này nhằm tạo thêm sự lựa chọn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể, thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp”, ông Bình gợi ý.
Còn với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông Bình cho rằng vấn đề trọng tâm nên bàn là vì sao rất nhiều người không chọn lập doanh nghiệp mà lại chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể và đâu là biện pháp để xóa bỏ những rào cản đó, “chứ không phải là câu hỏi về việc có đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp hay không”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone